Trái tim đã rung rinh, mà người ta vẫn cứ làm giá

09/04/2017 - 16:06

PNO - Anh chưa thấy hết cái hay cái đẹp tiềm ẩn của cô gái, nhưng luôn thấy trái tim mình run lên khi nhìn thấy cái áo bà ba màu tro bếp ướt mồ hôi.

1. Tiếng chuông điện thoại vào lúc mười giờ đêm làm chị giật mình. Số điện thoại lạ. Hiếm ai gọi điện thoại vào giờ này nếu không phải là người trong nhà có chuyện cần gấp. Một giọng đàn ông, trầm ấm:

- Alô! Có phải số này của Đào không?
- Dạ, tôi là Đào. Xin lỗi ai gọi tôi vậy?
- Anh là Xuân.
- Xuân Đen? Ồ…
- Vẫn còn nhớ biệt danh đó của anh sao? Ba mươi năm rồi…

Trai tim da rung rinh, ma nguoi ta van cu lam gia
 

2. Nắng trên núi như lửa táp. Dưới mái che tạm bằng lá dừa, vách bồ tre, có một cô gái nhỏ con, áo bà ba màu tro bếp, quần “Canada” ống xéo, ngồi “vẽ” những con chữ, những cành hoa bằng chiếc cưa lọng nhỏ xíu trên mảnh ván lồng mức. Kiểu những bảng tên, quà lưu niệm… như những cửa hàng trên Đà Lạt.

Ngoài đó thông trùng điệp, những mảnh ván thông làm quà lưu niệm coi bóng bẩy hơn, dễ làm đẹp. Tây Ninh chỉ có lồng mức. Người ta dùng gỗ lồng mức để “đi chỉ” tủ, cửa gỗ vì nó trắng, dẻo, dễ tạo hình. Giờ để đáp ứng nhu cầu mới, những người làm nghề thủ công mỹ nghệ sáng trí dùng nó thay gỗ thông để làm đồ trang trí, quà lưu niệm.

Trước mặt, sau lưng cô, người đứng vòng trong vòng ngoài như coi bán thuốc Sơn Đông. Đó giờ, những người nông dân tay lấm chân bùn, kẻ lớn người nhỏ ít ai ra thành thị, cộng với cái nếp nghĩ mặc định con gái là phải ở trong nhà thêu thùa may vá, quá lắm được đi học thì làm cô giáo, y tá này kia thôi…

Không ai tưởng tượng ra một cô gái có thể làm cái nghề cầm cưa cầm kềm như vầy. Mặc cho mồ hôi mẹ mồ hôi con tươm ướt trán, ướt hết lưng áo, cô vẫn hào hứng làm việc và luôn tươi cười. “Mấy chú” trong cơ quan dặn không được cau mày cau mặt, có mệt thì nghỉ rút khỏi vị trí chứ không được để lộ ra là mình mệt, để khách phiền hà.

Cô chưa bao giờ rút khỏi vị trí, ngay cả giờ cơm. Chỉ khi nào ngọn nắng cuối cùng còn yếu ớt vờn trên vách núi, cô mới buông tay, ngả lưng xuống cái võng của quán nước mía kế bên, kêu một ly nước mía. Ông già chủ quán có nét mặt hiền từ, lúc nào cũng có cớ để không lấy tiền cô.

Khi thì nói: “Tụi bây con nít, tiền bạc gì mà lấy!”, khi thì nói, có thằng kia nó trả tiền nước mía cho bây rồi! Hỏi “thằng kia” là thằng nào, ông cười khà khà, không nói. Nhiều lần như vậy, cô cự, không chịu uống nước mía nữa, ông hất đầu về phía cậu trai đen thui, đeo cái giỏ bự chảng đựng đồ nghề chụp hình ngồi chàng ràng gần đó. Như canh sẵn, lúc đó anh chàng mới nở nụ cười làm quen.

Trai tim da rung rinh, ma nguoi ta van cu lam gia
 

Đó là lúc Hội xuân núi Bà Đen được tổ chức lần đầu tiên ở Tây Ninh. Cô con gái của ông thợ mộc xóm đồ gỗ được mời “phụ” bên ban mỹ thuật. Trong trí óc nhỏ hẹp của cô gái mười sáu tuổi lúc đó, hội xuân này giống hệt hội chợ ở chợ cũ Long Hoa, chỉ lớn hơn nhiều về mặt quy mô, và có tính chất triển lãm nhiều hơn là mua bán.

Nhưng cô không có thì giờ để “nghiên cứu” về việc tổ chức hội xuân. Cô chỉ biết làm việc của mình. Làm một món quà, dù để bán cho khách du lịch, nhưng lại cho người ta biết đến địa phương mình, cơ sở của mình, cũng hay chứ bộ. Hết giờ, cô bận bịu với những khám phá mới từ anh chàng chụp hình có biệt danh Xuân Đen đó.

Con trai mà tên Xuân! Lần đầu nghe anh nói tên cô đã cười sằng sặc, kiểu cười không cần “làm duyên” và không ngại ai mất lòng. Anh lớn hơn cô nhiều tuổi, làm nghề chụp hình dạo được vài ba năm. Tết, sư phụ rủ đi núi chụp hình kiếm cơm thì đi theo.

Anh dạy cô leo núi mỗi buổi sáng sớm. Dặn đừng ngủ trưa vì trên núi hơi độc còn nhiều, ngủ có hại cho sức khỏe. Có lần anh lêu lêu cô vì cái áo bà ba cô bận y chang cái áo má anh ở nhà.

Cô hồn nhiên nói thì em bận khín áo má em, giống áo má anh là phải rồi. Ngoài hai cái áo này ra, em đâu có cái áo nào coi được đâu, toàn là áo bận khín người này người kia. Thiệt ra em khoái có một cái áo màu hoa đào, như màu hoa đằng kia kìa…

Hội xuân kéo dài một tháng.

Vừa đủ cho cô thuộc và nghêu ngao cái bài mà anh hay hát: “Nhà em có hoa vàng trước ngõ, tường thật là cao…”. Vừa đủ để một hai hôm gì đó hẹn hò riêng, anh choàng tay qua vai cô và cô thấy người run lên bần bật, lật đật xích ra xa. Vừa đủ để trái tim nhỏ bé của cô xao xuyến. 

Bữa chia tay, dỡ trại, anh bảo sẽ về nói ba má đi hỏi cưới cô. Cô lại cười sằng sặc, nghĩ anh đùa. Cô còn nhỏ xíu, đang học hành dang dở, chồng con nỗi gì. Vậy mà, anh cứ kiên nhẫn tới nhà gặp cô mỗi cuối tuần.

Lần nào, sau những cuộc trò chuyện với đủ thứ đề tài, anh cũng nói, anh sẽ cưới em nghen, và cô cứ cười, cho là anh giỡn nhây. Trong tâm trí cô chưa có hình ảnh của một chàng người yêu như sách vở cô hay đọc.

Cô chỉ coi anh như một người anh lớn. Một người để cô hỏi những thứ còn… bí rị, để cô nhõng nhẽo, để cô tâm sự… như hai đứa bạn thân. Những cái đụng chạm cố ý làm cô xao xuyến kia chưa đủ để cất vô ngăn kỷ niệm, thì sự xuất hiện của anh ở nhà đã bị ánh mắt nghiêm khắc của cha cô quét cho tan tác.

Trai tim da rung rinh, ma nguoi ta van cu lam gia
 

Đến khi nhận thiệp hồng của anh, cô mới tần ngần nhận ra, hình như mình vừa mất đi một thứ gì thân thuộc lắm.

3. Chiếc xe mười lăm chỗ đời mới trờ tới bãi đậu xe dưới chân núi lúc tảng sáng. Mọi người lục tục bước xuống, sửa soạn y phục và lấy hương hoa lên lễ chùa Bà Đen. Tiếng xôn xao hàng quán, rao bán nhang đèn bánh trái, hơi đất ẩm sương, hơi lạnh từ đá, mùi của nhiều thứ tại bến xe cộng lại… xộc vào mọi giác quan, khiến anh đứng sững mất một lúc.

Mặc cho mọi người í ới kéo nhau đi, anh lững thững đi sau, như muốn hít hết từng miếng bụi. Mà làm gì có thứ bụi đỏ đỏ hồng hồng, quánh đặc một mùi đặc trưng đá đỏ mà anh từng biết. Giờ, mọi con đường vào chân núi đều được trải nhựa phẳng lì, hai bên là vỉa hè ốp đá. Con đường rộng có nhiều tiểu cảnh, hoa lá rực rỡ khoe màu.

Ngay cả đường lên chùa Bà người ta cũng làm từng bậc thang bằng đá, cứ bước lên những nấc thang đó cho tới nơi là xong. Mọi người rủ nhau vô mua vé đi cáp treo. Anh lừng khừng bảo mọi người cứ đi cho vui. Anh muốn loanh quanh dưới chân núi. Cô con gái hờn: “Ba kỳ thiệt đó. Tự nhiên muốn đi một mình”. Anh con rể có vẻ thông cảm: “Thôi ba thích làm gì làm. Lát có gì ba nhớ điện thoại nha ba”. Nói rồi cả đám kéo nhau đi vào lối mua vé cáp treo.

Anh theo chân những vị khách hành hương đi theo lối đường bộ, nhưng chỉ đến đài tưởng niệm là có cảm giác mệt. Anh trở lui, ghé vào một quán ven đường, kêu một tô bún riêu chay. Cô nhóc chạy bàn mắt đen thui, tóc ngang vai, mặc chiếc áo màu hồng hoa đào, nhanh nhẹn đặt tô bún nóng hổi trước mặt anh: “Bún đây chú!”.

Trai tim da rung rinh, ma nguoi ta van cu lam gia
 

Một trăm năm nữa thì tô bún “riêu” chay ở đây chắc cũng không thay đổi. Nước dùng nấu bằng măng tre, củ cải trắng, cà rốt, mướp hương. Tô bún có cà chua, có tàu hủ, rau, giá… phong phú như bất kỳ tiệm ngon dưới phố nào. Anh hít hà cái hương vị rất đặc trưng của món ăn xứ núi Tây Ninh, rồi từ từ cầm đũa.

Mới hồi nào anh ngồi cùng ăn với người con gái mà anh thương, vậy mà nay cô cháu ngoại của anh đã xấp xỉ gần bằng tuổi nàng hồi đó! Mà sao đã nhiều năm như vậy, cái bóng nhỏ bé mặc chiếc áo bà ba tay ráp, màu hồng như màu hoa đào mọc từng đám trên đường đi núi, cứ lẩn quẩn trong tâm trí anh, mãi không rời.

Hồi đó, ông già bán nước mía nói nửa thiệt nửa chơi với anh: “Con nhỏ đó tao thấy được nhen mậy! Có ưng thì lo cưới lẹ lên, không thôi mất uổng nhen. Thấy hơi xí gái chớ nết na đằm thắm…”.

Anh thì chưa thấy hết những cái hay cái đẹp tiềm ẩn của cô gái mà ông già giới thiệu, nhưng luôn thấy trái tim mình run lên khi nhìn thấy cái áo bà ba màu tro bếp ướt mồ hôi, thấy nụ cười hồn nhiên như con nít quấy tung lòng dạ mình.

Bởi vậy, anh tính đường cưới lẹ, kẻo để… mất uổng. Vậy mà nhiều lần lui tới, thấy tình cảm ngày một dạt dào, nhưng cứ nói tới chuyện cưới xin, lần nào “con nhỏ” cũng cười khanh khách nói còn đi học, chưa tính chuyện lấy chồng. 

Gia đình hối thúc chuyện lập gia đình. Anh cũng chiều theo, cưới một đám do người quen mai mối. Cuộc hôn nhân tuy không tình yêu, nhưng rồi khi gạo nấu thành cơm, nhiều thứ trách nhiệm, bổn phận cuốn anh vào guồng, rồi cứ thế mà quay với đủ cung bậc, sắc màu. Tính ra, anh rời luôn miền đất này đã hai chục năm dư.

Vậy mà sao không thôi rưng rưng nhớ tiếc.

4. Ly cà phê thơm phức được đặt trước mặt chị. Phía bàn bên kia, là một ly chanh đường nhìn thật hấp dẫn. Chị gọi theo thói quen, không biết rằng trái tim người uống chanh đường đập gấp vài mươi nhịp.

- Em còn nhớ tới món uống quen thuộc của anh?

- Nhớ sao hông! Cái gì thuộc về quá khứ cũng dễ gợi nhớ. Kể ra, hồi đó tui thích anh lắm nhen. Anh là người con trai đầu tiên dám… nắm tay tui, dám đòi cưới tui. Hồi đó tui con nít thấy bà luôn! Tui khoái kêu tên anh rồi cười một mình. Con trai gì mà tên Xuân. Xuân gì mà đen thùi lùi hông có xanh đỏ tím vàng gì hết.

- Vậy mà cái nhà của em, anh kiếm không ra. Đường sá nhà cửa giờ khác quá.
- Nhà ở chỗ cũ chớ có dời đi đâu. Rồi chừng nào anh đi?
- Chắc mai về Sài Gòn, rồi tuần sau bay. Về cũng có ba tuần mà đi kiếm em hết một tuần.

- Hay dữ! Kiếm tui? Kiếm chi? Đừng nói là đòi cưới tui nhen?
Anh bật cười. Anh nói là kiếm để tặng cho em khúc vải màu hoa đào em thích, để may áo. Nhưng không biết bây giờ nó còn hợp với em không. 

- Sao hồi đó không chịu cho tui may áo, giờ mới sợ không hạp?
Chị hỏi cắc cớ, rồi lại cười, tay mân mê mảnh lụa.

Ngồi nhìn nụ cười như nắng sớm của người phụ nữ tóc đã chớm hoa râm, nhưng mắt lại long lanh ươn ướt, anh cười với chị mà lại cười với chính mình: Thôi thì cứ để người nhớ tới đó thôi, để nụ cười người luôn như ở tuổi mười sáu.

Nhưng cũng như ngày xưa, anh vẫn không hiểu được, dù trái tim “người ta” đã… rung rinh vì mình thì người ta vẫn cứ làm giá, không thừa nhận.

Cẩm Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI