Trái tim của những người được hàng chục đứa trẻ gọi bằng mẹ

16/03/2019 - 15:50

PNO - Có những bà mẹ nguyện gắn bó cả cuộc đời để chăm sóc những đứa con bằng cả trái tim của mình dù chúng chẳng phải máu mủ, ruột rà của họ.

Trai tim cua nhung nguoi duoc hang chuc dua tre goi bang me
Trong ngôi làng cưu mang hàng trăm đứa trẻ không nơi nương tựa giữa lòng thành Vinh (Nghệ An), có những người phụ nữ dù chưa một lần bụng mang dạ chửa nhưng vẫn có tới hàng chục đứa con. Nhiều người đã nguyện gắn bó cả cuộc đời mình để chăm bẵm, nuôi dạy những đứa trẻ không máu mủ, ruột rà nên người.
Trai tim cua nhung nguoi duoc hang chuc dua tre goi bang me
Ông Lê Bá Lương – Phó giám đốc làng trẻ SOS TP Vinh cho biết: "Hiện làng có 15 ngôi nhà. Mỗi ngôi nhà có 8 đến 10 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi và 1 người mẹ chăm sóc chúng như một gia đình thực sự.
Trai tim cua nhung nguoi duoc hang chuc dua tre goi bang me
“So với các mô hình nuôi dưỡng trẻ mồ côi khác, ở đây các em được tái tạo một gia đình mà các em đã mất. Bởi thế phần lớn những người mẹ vào đây là những người phụ nữ không có chồng con để họ không bị chi phối bởi gia đình riêng”, ông Lương nói.
Trai tim cua nhung nguoi duoc hang chuc dua tre goi bang me
Không chồng, không con nhưng vào đây bổng nhiên chị Nguyễn Thị Đông (43 tuổi) trở thành mẹ của gần chục đứa trẻ lớn, nhỏ. Mỗi đứa một tính cách riêng khiến chị bị sốc ở những ngày đầu làm mẹ. “Mình trở thành người khó tính hơn, nói nhiều hơn. Nhưng không nói không được, con mỗi đứa một tính, có đứa khuyên nhủ, có đứa phải nói… để tạo một nề nếp cho các con”, chị Đông nói.
Trai tim cua nhung nguoi duoc hang chuc dua tre goi bang me
Theo chị Đông, cuộc sống mới gặp vô vàn khó khăn, song việc khó nhất với chị vẫn là việc làm quen với trẻ, vì các mẹ còn mới nên khó hòa nhập. Còn các con, khi mới gặp mẹ cũng dè dặt, không dám thân thiện. Tuy nhiên, qua thời gian sống chung, bằng tình cảm chân thành, sự yêu thương, quan tâm chăm sóc, mẹ con càng xích lại gần nhau hơn, các con bắt đầu chia sẻ với chị nhiều hơn.
Trai tim cua nhung nguoi duoc hang chuc dua tre goi bang me
Căn nhà số 6 nằm gần cuối góc làng chiều xuống rộn vang tiếng cười trẻ thơ. Không ai bảo ai, mỗi đứa từ lớn đến nhỏ tự phân công nhau một việc từ quét nhà, lau sàn, giặt quần áo đến nấu ăn sau giờ học để phụ mẹ việc nhà.
Trai tim cua nhung nguoi duoc hang chuc dua tre goi bang me
“Khi chị mới vào đây, các con chưa quen nên cũng gặp nhiều khó khăn lắm, cái gì các con cũng mách với mẹ cũ. Thế mà giờ gần như ở trường lớp có chuyện gì, dù vui buồn, đúng sai,... bọn trẻ cũng chạy về kể với mẹ là người đầu tiên”, chị Đăng Thị Hà (43 tuổi) chia sẻ.
Trai tim cua nhung nguoi duoc hang chuc dua tre goi bang me
Có một cậu con trai riêng hiện đang học lớp 10 ở quê nhà, nên chị Hà vẫn đều đặn sắp xếp thời gian để về thăm con. Mỗi lần như thế chị vẫn thường luân phiên chở các con ở làng trẻ về quê hoặc ngược lại chở con ở quê vào làng trẻ chơi để tạo thêm gắn kết cho gia đình của mình. “Mỗi lần như vậy các con sẽ hiểu hơn về tôi và tôi cũng gần các con hơn. Tôi vẫn thường nói đùa, các con biết nhà mẹ hết rồi đó, nên cứ yên tâm là mẹ không lợi dụng các con được gì nữa đâu”, chị Hà nói.
Trai tim cua nhung nguoi duoc hang chuc dua tre goi bang me
Theo ông Lương, ở đây các mẹ sẽ tự mình quán xuyến hết mọi việc trong nhà từ đi chợ nấu ăn, cho đến quản lý con cái như một gia đình thực thụ ở ngoài đời.
Trai tim cua nhung nguoi duoc hang chuc dua tre goi bang me
Từ những việc làm nhỏ phụ giúp mẹ, những đứa trẻ ở ngôi làng đặc biệt này đã dần tạo được tính tự lập sớm. “Hôm nay em học về sớm nên tranh thủ giặt quần áo cho mình và các anh chị luôn”, Vi Hà Thiên (10 tuổi) nói. Bố mất, mẹ bệnh nặng nên Thiên được đưa vào làng SOS ở từ lúc mới lên 6. Nhắc đến người mẹ ở quê nhà, cậu bé này thủ thỉ cũng nhớ lắm nhưng mà ở đây các anh chị và mẹ lúc nào cũng yêu thương và chăm sóc nên em cũng đỡ nhớ nhà.
Trai tim cua nhung nguoi duoc hang chuc dua tre goi bang me
Hạnh phúc giản đơn của mẹ Đông khi được các con nhớ, tặng hoa chúc mừng ngày lễ. “Hạnh phúc nhất vẫn là nhìn thấy các con khôn lớn, có cuộc sống hạnh phúc. Đó là động lực để các mẹ tiếp tục cố gắng chăm sóc các trẻ nhỏ bất hạnh”, mẹ Đông nở nụ cười nói.
Trai tim cua nhung nguoi duoc hang chuc dua tre goi bang me
Mỗi đứa trẻ vào làng mang một thân phận mồ côi khác nhau nhưng đều có điểm chung là sống lay lắt bên bờ “vực thẳm”. Đến nay, đã có 400 trẻ ở làng ra đời lập nghiệp riêng. Theo ông Lương, phần lớn trẻ sau khi tốt nghiệp lớp 12 sẽ được định hướng tiếp tục thi vào đại học hoặc đi học nghề để lo cho tương lai của mình.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI