PNO - Sau những ngày giãn cách, mấy dì bán cơm trong hẻm đã có thể cười nói trở lại, bếp núc đỏ lửa lo cho bữa trưa của giới công sở. Lối đi nơi các con hẻm bắt đầu chộn rộn hơn, như hẻm bà Cả Đọi đường Nguyễn Huệ, lại chật chội gần như cũ sau nhiều tháng thênh thang. Xe máy lại gửi xếp lớp trong lớp ngoài đến tận cuối hẻm.
1. Hổm rày bạn rủ đi uống cà phê, tôi nói bạn cứ phải vòng ra chợ Cũ, thăm chừng cái quán cóc bà Muối đã mở chưa cái đã, rồi đi đâu thì đi. Bà Muối gốc Hoa, mấy chục năm qua vẫn ngày ngày bán cà phê ở chợ Cũ với tất cả sự thiệt tình và quý khách. Minh họa cho chuyện này là gần đó có hẳn quán cà phê Muối, chủ quán là một khách quen thâm niên của bà Muối, tới uống riết ghiền, rồi mở quán cà phê gần chỗ bà, xin lấy tên bà làm tên quán. Bà Muối cũng chẳng hẹp hòi chối từ. Bà vẫn tiếp tục với quán cóc không bảng hiệu, mà khách đã uống cà phê sữa đá của bà rồi sẽ ghiền cả chục năm, như tôi.
Nhiều ngày, khách hỏi thăm quá làm mấy dì mấy chị ở quanh khu chợ phải sốt ruột kiếm người hỏi thăm bà Muối, gọi điện để biết bà chỉ nghỉ tránh dịch chứ không gặp sự biến gì. Dì bán tạp hóa cạnh quán bà Muối còn cho hay, cứ thấy ai tới đầu hẻm mà lui cui dòm dòm ngó ngó là đón ý hỏi thăm phải khách tới kiếm bà Muối không, đặng còn nói cho người ta biết chừng, để mai mốt bả đi bán lại còn có người biết mà tới. Dì cười: “Buôn bán giờ khó khăn, giúp nhau bằng lời nói thì cũng dễ thôi mà”.
Người nổi tiếng nhất quán Cheo Leo, là mối ruột của quán từ những ngày người bán và khách đều còn trẻ. Đến mức tất cả hình ảnh chụp về quán cà phê này đều có mặt ông. Đến mức khi thấy ông ngồi ở Cheo Leo, người ta tin rằng quán xá Sài Gòn đã bình thường trở lại |
Với nhiều người Sài Gòn, “bình thường mới” là được ra quán uống cà phê, mà ngồi ở quán cũ thì càng thú vị nên nhiều người đã rất mừng khi thấy quán Cheo Leo “since 1938” vẫn còn đó.
Trên dưới 80 năm qua, Cheo Leo đã tồn tại cùng gia đình ông Vĩnh Ngô (người gốc Huế, chủ quán) đến thế hệ thứ ba, ở nhà số 36, hẻm 109, đường Nguyễn Thiện Thuật, Q.3. Hiện tại, ba chị em ruột là dì Hai, dì Ba, dì Bảy - con ông Vĩnh Ngô, đều trên dưới 70 tuổi, không chồng, cùng nhau pha, bán cà phê.
Quán Cheo Leo bán cà phê vợt (hay vớ) - loại cà phê giản dị, bình dân, từng quen thuộc ở những tiệm nước, quán cóc của Sài Gòn thế kỷ trước. Quán dù có tuổi đời hàng “cha chú” nhưng giá cả cũng y chang các quán bình dân hậu bối. Như các dì bán quán nhiều lần “khai thiệt”, buôn bán không dư dả gì, nhưng vì lý tưởng của cái quán đã là di nguyện của cha nên các dì vẫn cố giữ.
Dì Ba kể, mấy tháng cao điểm dịch, ở không, nhiều khi lòng cũng mông lung lắm. Rồi khách khứa, trong đó có những khách uống lâu thành bạn, cứ động viên, thăm hỏi, thậm chí có khách còn đòi được ứng tiền mua cà phê trước, làm các dì thấy yên lòng hơn mà chờ ngày mở lại.
Chủ quán già, khách cũng nhiều người già tầm tuổi, hết giãn cách, gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Khách còn thì quán còn. Chủ vui vì gặp lại khách ruột. Khách vui vì gặp lại hình ảnh quen thuộc: ba người đàn bà luôn bận đồ bộ in hoa nhỏ nhỏ, lui cui mỗi người một việc. Vui thêm vì quán vẫn bán giá cũ và thở phào vì khung cảnh vẫn tiếp tục cũ.
Khi Cheo Leo tỏa mùi cà phê thơm thơm nơi hẻm phố cũ cũng là khi ta biết tình hình dịch giã Sài Gòn đã đỡ hơn.
2. Dì Huệ, như mọi ngày, kéo cánh cửa cho ánh sáng rọi vô nhà, bắt đầu một ngày làm việc mới. Căn nhà khuất sâu cuối con hẻm ở đường Xóm Chiếu, ngay khu chợ Xóm Chiếu nhộn nhịp nhất Q.4 ấy luôn có ba người đàn bà không còn trẻ ngồi bệt dưới sàn nhà, bên bậu cửa, cùng thêu. Ba chị em họ đã gắn bó với nghề thêu này mấy chục năm rồi.
Có ai nghĩ đây là khung cảnh cuối của một con hẻm ở trung tâm Q.1. Tiếng gà gáy giữa phố thị là đây |
Cái nghề bình thường vốn mỗi lúc một ít người làm vì thu nhập chỉ tạm đủ sống, công việc trồi sụt theo mùa, theo gu của khách, nay lại khó khăn hơn vì mấy đợt dịch. Như đợt dịch vừa rồi, cả nhà dì đều nhiễm bệnh nên phải nghỉ nhiều hơn. Có khi nản quá, dì tính bỏ nghề; nhưng không thêu cũng không biết làm gì khác, vì cái nghề đã gắn bó với mình từ thời con gái, nay dì Huệ đã gần 65 tuổi.
Từ hồi cầm cây kim thêu, dì chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm một chuyện lạ lùng là thêu trên những chiếc khẩu trang. Từ gợi ý của một chủ shop chuyên bán quần áo cho khách Nhật vốn đang tìm lối ra cho việc duy trì cửa hiệu thời trang, sau thời thêu áo quần, nón, túi xách, tranh và cả quai guốc, giờ thì cả nhà dì Huệ sống nhờ vào việc thêu khẩu trang.
Chỉ trên diện tích nhỏ nhoi của chiếc khẩu trang, các dì thêu hoa, chim, bướm, thú cưng… hay bất cứ gì khách cần. Dì Huệ cười, mẫu thêu nhỏ thì tiền cũng nhỏ, nhưng nhờ vậy mà chị em dì có tiền đi chợ mỗi ngày.
Nếu đi trên phố trung tâm mà không để ý, bạn có thể dễ bỏ quên những con hẻm thú vị nằm lẫn giữa các tòa nhà mặt tiền |
Dì triết lý, “tui thêu quai guốc, muốn thấy đẹp, phải cúi nhìn, thêu khẩu trang, muốn nhận diện người ta, phải nhìn kỹ mặt. Nhìn xuống thấp hay nhìn ngang cũng là thái độ sống như với cuộc đời thôi. Lúc thăng, lúc trầm, lúc rày lúc khác, quan trọng là phải nhìn cho tỏ”. Nghe cũng có lý!
3. Sài Gòn nghĩ cũng ngộ. Đường phố hiện đại rộng thênh thang, vun vút xe cộ và quá hào phóng ánh sáng xanh đỏ. Còn với hẻm phố, như một phần đối lập, vẫn nhỏ hẹp, nhiều khi thiếu sáng, lộn xộn, bừa bộn nhưng vẫn chất chứa những hơi thở cuộc sống đời thường, đậm như ly cà phê buổi sáng.
Chẳng hạn như đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi - hai con đường thuộc hàng đắt đỏ nhất Sài Gòn - đi song song, kéo dài đến bờ sông Sài Gòn, vẫn có những con hẻm nhỏ nối từ bên này qua bên kia.
Những con hẻm nhỏ xíu ở khu tấc đất tấc vàng ấy được tận dụng hết cỡ để mưu sinh. Thật thú vị khi nhận ra, những con người nơi đó luôn cần nhau, mỗi ngày, dù không gian mặt tiền và trong hẻm tưởng chừng phân chia hai thế giới, hai thu nhập, hai mức sống. Ngoài mặt tiền, các shop, nhà hàng cho thuê với giá phổ biến từ 5.000 - 10.000 USD/tháng thì trong các con hẻm, dĩa cơm vẫn giá 35.000 đồng, ly nước 15.000 đồng. Nhân viên làm ở mặt tiền lương tháng 15 - 20 triệu đồng cần những bữa cơm hẻm như thế mới đủ sống và có thể để dành chút ít.
Mặt phố sống chung rất tự nhiên với hẻm. Hẻm có chị bán cơm, bán bún, bánh mì… ngó chừng cho tiệm sửa quần áo, phủi bụi giùm các khung tranh giúp cho mấy người bán tranh. Ở đó có chó chạy, mèo kêu, gà gáy, chuột thập thò… trong khi cách đó vài mươi bước chân, đường đi bộ Nguyễn Huệ sáng choang rực rỡ.
Sau những ngày giãn cách, mấy dì bán cơm trong hẻm đã có thể cười nói trở lại, bếp núc đỏ lửa lo cho bữa trưa của giới công sở. Lối đi nơi các con hẻm bắt đầu chộn rộn hơn, như hẻm bà Cả Đọi đường Nguyễn Huệ, lại chật chội gần như cũ sau nhiều tháng thênh thang. Xe máy lại gửi xếp lớp trong lớp ngoài đến tận cuối hẻm.
Trong con hẻm này, những bức tranh tường vẽ mai đào hồi tết năm ngoái vẫn còn mới nguyên như thể vừa hoàn thành. Một người chủ tiệm tay cầm giẻ lau bảng hiệu, miệng nói vọng sang hàng xóm cảm ơn đã ngó chừng giùm cửa hàng trong nhiều tháng phong thành đã qua.
Bài và ảnh: Lê Minh Hạ
Chia sẻ bài viết: |