Trái tim ân cần

04/09/2020 - 06:23

PNO - Mảnh đất 160m2 vừa là nơi ở, vừa đặt quán cơm 3000đ, mấy chục mét vuông còn dư nhiều người hỏi thuê mở quán cà phê nhưng chị từ chối, để dành làm tủ sách cộng đồng.

10g30 sáng 29/8, trong căn nhà nhỏ ở khu phố 9, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, cụ Nguyễn Thị Me, 79 tuổi, loay hoay may lại quai dép và nhẩm tính xem hôm nay lời được mấy ngàn đồng. Cụ sống một mình, nhà chỉ đủ kê cái giường và bàn thờ con gái. Khớp chân phải của cụ bị đau nặng, còn chân trái đã mất cảm giác từ nhiều năm. Hằng ngày, cụ vẫn ngồi xe lăn đi bán bánh mì dạo, nhưng từ khi có dịch COVID-19, bán buôn giảm sút, thành ra bữa đói bữa no. Thấy các chị cán bộ Hội đến, mang theo cơm canh, cụ nói như reo: “Bữa nay tưởng đói. Nhìn hộp này tôi biết của cô Anh. Cơm ngon lắm”. 

Thứ Bảy hằng tuần, chị Tuyết Anh đều gửi cơm cho cán bộ Hội mang tặng các cụ già neo đơn, khuyết tật đi lại khó khăn
Thứ Bảy hằng tuần, chị Tuyết Anh đều gửi cơm cho cán bộ Hội mang tặng các cụ già neo đơn, khuyết tật đi lại khó khăn

Cô Anh là chị Tôn Nữ Tuyết Anh, 46 tuổi, ở khu dân cư Lilama, hội viên phụ nữ P.Trường Trọ. Trước đây, chị Tuyết Anh làm kế toán, nhưng cuối năm 2018 chị phải nghỉ để chăm sóc cha mẹ già. “Ba tôi đã ngoài 80 tuổi, ông bị lẫn và gần như nằm một chỗ. Lúc mới nghỉ việc cũng buồn, nhưng sức khỏe và niềm vui của ba mẹ là quan trọng nhất. Không còn tất bật với việc công ty, tôi dồn sức vào quán cơm 3.000 đồng mà gia đình mở hồi đầu năm 2017. Quán chỉ mở vào thứ Bảy nên không vất vả lắm”, chị Tuyết Anh chia sẻ. 

Quán cơm 3.000 đồng nằm trong khu dân cư Lilama. Trước khi mở quán, từ năm 2015, đều đặn mỗi thứ Bảy, chị Tuyết Anh đã nấu cháo buổi sáng và cơm buổi trưa, gần 300 phần mỗi lần nấu, để tặng bệnh nhân ở Bệnh viện Quận Thủ Đức. Tháng 10/2019, lần đầu tham gia ngày “Phụ nữ vì cộng đồng” do Hội Phụ nữ P.Trường Thọ tổ chức, tận mắt chứng kiến niềm vui của bà con lao động nghèo khi nhận được túi gạo, thùng mì, chị Anh chợt nghĩ phải làm gì đó để có thể san sẻ nhiều hơn. Vậy là, chị nấu thêm cơm để trưa thứ Bảy hằng tuần, cán bộ Hội cơ sở mang trao cho các cụ già neo đơn, khuyết tật như trường hợp cụ Me. 

Mảnh đất 160m2 vừa là nơi ở, vừa đặt quán cơm, mấy chục mét vuông còn dư nhiều người hỏi thuê mở quán cà phê nhưng chị từ chối. Rồi chị tỉ mẩn cắt chai nhựa làm chậu trồng cây, sắm kệ, lắp máy điều hòa, kê bàn ghế, đi xin sách cũ, mua sách mới với hàng ngàn đầu sách về các lĩnh vực y khoa, luật, lịch sử, khoa học, truyện tranh thiếu nhi, văn học… Đến năm 2017, tủ sách cộng đồng của chị chính thức được mở, ai cần thì tới đọc. 

Chị Anh chăm chút tủ sách cộng đồng của mình
Chị Anh chăm chút tủ sách cộng đồng của mình

Đầu năm 2020, gần nhà có một công trình chung cư được khởi công xây dựng, công nhân làm việc đông, chị quyết định mở quán bán cơm. Riêng thứ Bảy vẫn là cơm 3.000 đồng. Thương quý chị, nhiều bạn sinh viên là học trò của chồng và chị em lối xóm hay đến phụ vào sáng thứ Bảy. Ai mua số lượng nhiều, chị bán 3.000 đồng/hộp, còn mua lẻ sẽ đắt hơn. Với những người mua thường xuyên, chị tặng cả thố đựng cơm và dặn lần sau mang lại. Hộp đựng cơm của chị được làm từ bã mía rất đặc trưng, nhờ vậy mà nhìn qua là cụ Me biết cơm của cô Anh. 

Về quán cơm 3.000 đồng, chị Tuyết Anh chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi tự bỏ tiền ra lo hết. Gần đây, Hội Phụ nữ và các cô chú là khách ruột có ủng hộ gạo, dầu ăn cho quán. Có chú Thanh chạy xe Grab, chẳng dư dả gì nhưng tuần nào cũng mang tới 10kg. Bởi những tấm lòng ấy mà tôi có thêm động lực duy trì quán cơm lẫn tủ sách”. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI