Đầu tháng 3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình triển khai việc lấy ý kiến cho dự thảo tờ trình và nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù đối với trường THPT chuyên; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham dự các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Một trong những nội dung của dự thảo thu hút sự quan tâm của dư luận chính là ý tưởng “trải thảm đỏ” mời những người có trình độ phó giáo sư, giáo sư, tiến sĩ về giảng dạy tại Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ của tỉnh với mức hỗ trợ lên đến 1 tỷ đồng cho mỗi nhân sự. Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở Giáo dục Hòa Bình lý giải về đề xuất được cho là “táo bạo” này: phải có thầy giỏi thì mới tạo ra được trò giỏi. Vì vậy, rất cần giáo viên có trình độ cao về chuyên môn để giúp các em phát triển tối đa trí tuệ và năng lực sẵn có.
|
Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ - một nơi đào tạo nhiều học sinh giỏi cho tỉnh Hòa Bình - Ảnh: THPT chuyên Hoàng Văn Thụ |
Hòa Bình không phải là địa phương duy nhất có sáng kiến đưa đội ngũ giáo sư, tiến sĩ trực tiếp giảng dạy cho học sinh.
Tháng 7/2021, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã thông qua một chính sách tương tự, trong đó, những người có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ được tuyển chọn dạy tại trường chuyên của tỉnh sẽ nhận được hàng loạt ưu đãi về chế độ tiền lương, nhà ở… Một số trường THPT khác trên cả nước cũng đặt mục tiêu “nâng cấp” đội ngũ sư phạm của mình bằng cách mời những nhân sự trình độ cao đến giảng dạy.
Một ý tưởng… ngược đời?
Bình luận về vấn đề này, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư y khoa của Đại học New South Wales, Úc cho rằng, đây là một chủ trương không hợp lý, thậm chí “lạc đề” ngay từ cách tiếp cận.
Theo nhà khoa học y khoa nổi tiếng này, mục tiêu của các chương trình tiến sĩ là đào tạo ra một nhà khoa học chuyên nghiệp. Theo đó, thông thường tiến sĩ có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về một lĩnh vực hẹp nào đó, nhưng không phải ai cũng có kỹ năng dạy học.
“Tiến sĩ vẫn có thể dạy học với điều kiện họ phải trải qua một chương trình huấn luyện về sư phạm”, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn viết trên trang cá nhân của mình. Theo giáo sư Tuấn, dạy cho học sinh bậc THPT khó hơn nhiều so với việc dạy sinh viên bậc đại học bởi sinh viên chủ yếu là tự học với sự hỗ trợ và hướng dẫn từ giáo sư. Trong khi đó với học sinh thì người dạy cần phải “cầm tay chỉ việc”.
“Chính vì vậy, nếu không có kỹ năng sư phạm thì dù là giáo sư đại học vẫn không thể là một người giáo viên giỏi”, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn khẳng định.
Ngoài ra, giáo sư Tuấn cũng cho rằng, một giáo viên giỏi không nhất thiết phải là người có bằng cấp cao bởi yếu tố quan trọng nhất chính là phương pháp giảng dạy, trong đó chú trọng đến việc gắn liền kiến thức trong sách giáo khoa với thực tế.
“Chẳng hạn, khi dạy về tích phân, tôi sẽ lấy diện tích ra làm ví dụ vì học sinh trung học đã hiểu được khái niệm này. Hay khi dạy về hàm số mũ, tôi sẽ lấy ví dụ về việc cha mẹ vay tiền từ ngân hàng để mua nhà với câu hỏi: Cần phải trả bao nhiêu năm thì gia đình mới có thể sở hữu căn nhà đó?”.
Chính nhờ cách dạy thực tế này (mà hầu như các giáo viên phổ thông đều có thể trang bị được) sẽ giúp học sinh trở nên hứng thú hơn trong tiết học chứ không nhất thiết phải có giáo viên với bằng cấp cao thì mới chinh phục được các em.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, tiến sĩ giáo dục học tại Đại học East Anglia (vương quốc Anh) không phản đối việc thu hút nhân tài về làm việc trong môi trường giáo dục phổ thông, bao gồm cả hệ thống trường chuyên như đang tồn tại ở Việt Nam.
“Tuy nhiên, bản chất học tập ở môi trường phổ thông không phải chú trọng tính chất nghiên cứu như ở đại học. Công tác dạy học ở bậc phổ thông vốn dĩ yêu cầu giáo viên chỉ cần có trình độ cử nhân là đã có thể bồi dưỡng học sinh giỏi rồi”.
Vì vậy, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, quan niệm cần có giáo sư, tiến sĩ giảng dạy bậc phổ thông để có được chất lượng tốt là chưa thuyết phục, thậm chí là “rất lạ, và hầu như không xảy ra ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh, tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Sydney (Úc), hiện đang là giảng viên Đại học VinUni cho rằng, để giáo sư, tiến sĩ dạy cho học sinh phổ thông là điều lãng phí.
“Nhiệm vụ của giáo sư là tham gia sứ mệnh tạo ra tri thức mới. Trong khi đó, với giáo viên thì quan trọng nhất vẫn là phương pháp sư phạm phù hợp để dạy học. Họ không có nhiệm vụ giúp học sinh tìm cách khỏa lấp các khoảng trống về tri thức đương thời”, tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh nói.
Các nước phát triển có cần giáo sư, tiến sĩ dạy học sinh trung học?
“Giáo viên dạy học tại trường phổ thông ở Úc thường phải là những người đã có bằng cử nhân giáo dục hoặc thạc sĩ chuyên ngành sư phạm”, tiến sĩ Matthew Thomas tại Đại học Deakin (Úc) nói.
|
Để trở thành giáo viên phổ thông ở Úc cần được đào tạo bài bản và nghiêm túc - Ảnh: News Australia |
Những ai đủ điều kiện về học vấn phải nộp hồ sơ và duy trì giấy phép dạy học của mình tại chính quyền cấp bang. Như vậy, trong quy định của chính phủ Úc những người có học vị tiến sĩ hay học hàm giáo sư, phó giáo sư không thể “tranh việc” của giáo viên phổ thông.
Tiến sĩ Erin Campbell từ Đại học Công nghệ Ontario (Canada) thậm chí còn chỉ rõ sự khác biệt cơ bản trong mô tả công việc của giáo sư đại học và giáo viên trong trường phổ thông.
“Giáo viên sẽ thường xuyên kiểm tra xem học sinh có hoàn thành bài tập hay không, và sẽ nhắc nhở nếu các em nộp bài trễ. Nhưng ở bậc đại học thì nộp bài luận hay không là do sinh viên tự quyết định và chịu trách nhiệm, không phải nhiệm vụ của giáo sư”.
Tuy nhiên, tình hình lại rất trái ngược ở Trung Quốc, nơi mà thị trường lao động trong lĩnh vực giáo dục đang có sự cạnh tranh gay gắt với tình trạng “lạm phát” nhân lực có bằng cấp cao đang “khát” việc làm hiện nay.
Một phóng sự do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng ngày 10/10/2021 cho thấy, trong bảy ứng viên lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng cho vị trí giáo viên dạy môn sinh học tại một trường phổ thông thì có tới bốn người có học vị tiến sĩ.
“Cuộc đua để có một suất dạy ở bậc phổ thông tại Trung Quốc là cực kỳ cam go”, cô Gou Xiaoxue, có bằng thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho biết. “Chỉ với vị trí giáo viên môn hóa học mà phần lớn ứng viên nộp hồ sơ đều có bằng tiến sĩ, để rồi cuối cùng, ba tiến sĩ đã được tuyển dụng”.
Giáo sư Ma Hemin từ Khoa Giáo dục thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho rằng việc các trường phổ thông tuyển chọn giáo viên có bằng cấp cao “là một điều tuyệt vời” cho nền giáo dục nước nhà bởi họ sẽ chuyển tải giá trị của bản thân đến học sinh thông qua nền tảng học vấn bậc cao của mình.
Thế nhưng, theo bà Wang Yixin, chuyên gia tư vấn cao cấp một công ty “săn đầu người” nổi tiếng của Trung Quốc, ngày càng nhiều người có học hàm, học vị cao ở Trung Quốc tìm kiếm công việc dạy học tại các trường phổ thông chỉ vì họ mong muốn được hưởng nguồn thu nhập ổn định, thậm chí là rất cao ở “phân khúc” giáo dục phổ biến này.
Thuận Nguyễn