Trại sáng tác kịch bản sân khấu: Mục đích đúng, cách làm sai

25/05/2020 - 07:17

PNO - Trại sáng tác kịch bản sân khấu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2020 vừa kết thúc ngày 23/5. Có 20 kịch bản tham dự trại với nhiều thể loại, đề tài.Nhưng nhìn chung, chất lượng kịch bản không mấy khởi sắc. Một lần nữa, chất lượng, hiệu quả từ trại sáng tác lại được nhắc nhớ. Câu chuyện muôn năm cũ càng cũ mòn, khiến những người làm nghề thêm ngao ngán.

Trại sáng tác... trên mây?

Trại sáng tác kịch bản sân khấu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2020 diễn ra từ 12 - 23/5 tại Đà Lạt. Có 20 tác phẩm gửi về tham dự với nhiều đề tài, thể loại khác nhau. Đa số thuộc đề tài đương đại như Trăng yêu thương (Hà Thu, thể loại cải lương), Đất Cù Lao (Trương Cổ Chiên, cải lương), Xin mẹ đừng tiễn con (Phạm Ngọc Dương, chèo), Vũ điệu điểm số (Nhi Huyền, kịch nói)...

Nhiều sân khấu “khóc ròng” vì thiếu kịch bản, trong khi các trại sáng tác vẫn diễn ra đều đặn nhưng không hiệu quả
Nhiều sân khấu “khóc ròng” vì thiếu kịch bản, trong khi các trại sáng tác vẫn diễn ra đều đặn nhưng không hiệu quả

“Điều vui mừng tại trại sáng tác kịch bản sân khấu 2020 là có những nhân tố viết về nghệ thuật dân tộc như tuồng, chèo. Những tác giả viết tuồng rất tốt như Lê Công Phượng (kịch bản: Giữ nước, tuồng lịch sử - PV), Phạm Ngọc Dương (kịch bản: Xin mẹ đừng tiễn con - PV). Đây là hai trong nhiều gương mặt thuộc thế hệ tiếp nối đáng được khích lệ, tuy nhiên, họ hơi non về nghề” - tác giả Vương Huyền Cơ - Chi hội trưởng Chi hội sáng tác Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết.

Theo tác giả Huyền Cơ, trại sáng tác năm nay có tín hiệu vui là thế. nhưng nhìn chung, chất lượng kịch bản không khởi sắc. Nhiều tác giả kỳ cựu lại chọn đề tài an toàn, không có nhiều kịch bản mang hơi thở cuộc sống. “Những đề tài này phù hợp với tiêu chí của trại sáng tác, nhưng để dựng thành vở diễn thì hơi khó hoặc chỉ có thể dựng trong các kỳ liên hoan, hội diễn. Nếu khán giả xem, họ không thấy được mình trong đó, vì những chủ đề về nguồn, các tác giả đã nói từ mấy mươi năm trước”, tác giả Huyền Cơ khẳng định.

Kịch bản từ trại sáng tác khó được dựng thành vở diễn là hiện tượng không mới, thậm chí nhiều năm qua, số lượng kịch bản xếp xó hoặc được dựng nhưng vắng người xem không ít. Một nghịch lý đáng buồn, khi các sân khấu còn sáng đèn đỏ mắt tìm kiếm kịch bản hay để dựng, thì các tác phẩm từ trại sáng tác dù được đánh giá tốt nhưng lại không sử dụng được. Nghịch lý này đặt ra thử thách, buộc công tác tổ chức các trại sáng tác phải thay đổi, không thể tiêu tốn hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng sản phẩm chỉ nằm trên giấy.

Trong thời gian trại sáng tác 2020 diễn ra, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Sân khấu IDECAF) cho biết, có gửi ý kiến đến ban tổ chức về tính hiệu quả của trại sáng tác, và mong khâu tổ chức có những thay đổi nhất định để tăng hiệu quả, tránh lãng phí tiền thuế của dân. Tuy nhiên, ông Anh Tuấn nói không có một dòng hồi âm nào từ phía Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Nếu không có trại sáng tác, các sân khấu vẫn tìm được kịch bản để diễn. Vậy trại sáng tác hoạt động có thật sự hiệu quả?
Nếu không có trại sáng tác, các sân khấu vẫn tìm được kịch bản để diễn. Vậy trại sáng tác hoạt động có thật sự hiệu quả?

“Không có trại sáng tác thì sân khấu vẫn có kịch bản để làm, cũng như có những tác giả không dự trại sáng tác vẫn viết được những kịch bản hay. Vì vậy, trại sáng tác do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức từ ngân sách, từ tiền thuế của người dân phải làm sao cho hiệu quả, bài bản”, ông Huỳnh Anh Tuấn nói.

Nhu cầu một đằng, sáng tác một nẻo

Để tránh tình trạng trại sáng tác hoạt động thiếu hiệu quả, thừa mứa kịch bản, trong khi sân khấu vẫn triền miên “khát” kịch bản hay, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, cần có nhiều buổi đối thoại giữa tác giả - người dựng - sân khấu để biết điều sân khấu đang cần là gì.

Ông nói: “Trại sáng tác vẫn cứ sáng tác mà không cần biết nhu cầu của sân khấu, thị hiếu khán giả. Trong khi khán giả cần những kịch bản thời sự, mang hơi thở cuộc sống, thì kịch bản ở các trại vẫn mải miết phục vụ cho nhóm đối tượng mơ hồ với đề tài cũ kỹ. Theo tôi, chỉ cần một buổi gặp gỡ, trao đổi sẽ giúp định hướng lại đề tài cho tác giả sáng tác. Các sân khấu tiếp cận trực tiếp với công chúng, họ biết nhóm đề tài nào thu hút khán giả tới rạp, ban tổ chức trại và đội ngũ sáng tác cần lắng nghe họ. Phía tác giả, họ cũng cần được bày tỏ khó khăn trong quá trình sáng tác và “tiếp thị” tác phẩm của mình với sân khấu”.

Tác giả Vương Huyền Cơ cũng nhận định, bao năm qua, nhiều trại sáng tác được mở ra như một cái cớ để tụ họp, chưa thực hiện đúng trách nhiệm nên dẫn tới nhiều kịch bản kém chất lượng, trại hoạt động không hiệu quả: “Trong khi trại sáng tác đưa ra những đề tài cũ, thì nhiều tác giả mang đến kịch bản an toàn để dễ tiếp cận tiêu chí của ban tổ chức. Điều này ngược với nhu cầu thực tế từ phía khán giả, họ muốn xem những tác phẩm gần gũi, nói về cuộc sống hôm nay, không phải những nội dung quá cũ. Đây là vấn đề khá đau lòng đến từ cách thức hoạt động, tổ chức trại”.

Tiên Nga - Một trong những tác phẩm đỉnh cao của sân khấu không liên quan đến Trại sáng tác
Tiên Nga - Một trong những tác phẩm đỉnh cao của sân khấu không liên quan đến trại sáng tác

Trại sáng tác kịch bản chỉ thật sự hiệu quả khi kịch bản được dàn dựng và tiếp cận với khán giả. Nhiều đạo diễn, nhà quản lý các sân khấu đang sáng đèn khi nghe nói đến trại sáng tác kịch bản sân khấu đều có chung hai chữ “cũ kỹ”, và nhấn mạnh vấn đề cung - cầu “lệch pha” đã tồn tại quá lâu. Trại chỉ cho ra đời những kịch bản thiếu tính thời sự, xa rời đời sống; trong khi đó, sân khấu cần kịch có thông điệp, gần gũi với thời cuộc, và cũng không thể thiếu những sáng tạo mới lạ. Chuyện tưởng chừng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng qua từng ấy năm, vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy sự thay đổi.

“Mục đích của trại sáng tác là tốt, nhưng cách làm của ban tổ chức không đi sát với tình hình thực tế sân khấu. Ai cũng thấy sự già cỗi, nhưng khi đặt vấn đề thay đổi, lại không có bất kỳ câu trả lời nào. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của những người trong ban tổ chức. Trong khi nhiều sân khấu đóng cửa, sân khấu đỏ mắt tìm kiếm kịch bản hay, thì những trại sáng tác trên mây vẫn diễn ra.

”Trại sáng tác chỉ hiệu quả khi biết lắng nghe thực tế. Còn không, tổ chức để làm gì? Trại sáng tác như hiện nay là những cuộc vui quá tốn kém và vô nghĩa”, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nói. 

Diễm Mi

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI