“Trại phù thủy” từ lâu là cái tên ám ảnh nhiều người dân châu Phi. Tại nơi vừa cầm tù vừa là chốn nương thân cuối cùng của những phụ nữ bị gán ghép danh xưng “phù thủy”, niềm tin sai lệch, sự mê tín tàn nhẫn đang kéo theo vô số nỗi bất công, giày vò.
Vivian Salamatu và 200 phụ nữ khác đang sống ở quận Gushegu, Ghana (Tây Phi) có hoàn cảnh khó khăn như nhau. Họ đều là những mảnh đời bất hạnh với gần như cùng một xuất phát điểm. Tất cả đều hứng chịu cáo buộc “hành nghề ma thuật”, bị đánh đập, trục xuất khỏi quê nhà và bị đưa đến những “trại phù thủy” - nơi giờ đây trở thành chốn nương náu sau cuối dành cho họ.
|
Helene, một cụ bà người Trung Phi bị cáo buộc là phù thủy phải ẩn náu trong nhà riêng suốt thời gian dài - Ảnh: Al Jazeera |
“Khi cháu trai tôi qua đời do một cơn bệnh đột ngột, mọi người bắt đầu căm hận tôi”, Salamatu giải thích bằng tiếng Dagbani, ngôn ngữ bản địa tại Ghana. “Những người anh em trong gia đình chồng vu cho tôi tội danh giết hại thằng bé, họ tố cáo tôi là một phù thủy”.
Đông đảo dân làng tụ tập trước nhà cô, chờ đợi nghe phán quyết liệu Salamatu có vô tội hay không. Một trong những người cao tuổi tiến hành nghi lễ định đoạt, trong đó một con gà bị cắt tiết và ném xác qua đầu người làm lễ. Sau khi giãy chết, đầu con vật úp xuống mặt đất. Đây là bằng chứng khiến dân làng kết luận, Salamatu là “phù thủy”.
“Nếu con vật chết với cái đầu ngửa lên, tôi đã được tuyên bố vô tội”, Salamatu, 39 tuổi, là mẹ của ba đứa trẻ, cho biết. “Ngay đêm đó, dân làng và những anh em chồng dùng dao tấn công tôi, rồi châm lửa đốt nhà tôi. Họ muốn làm hại cả con tôi”.
Toán người tấn công Salamatu, sau khi bắt trói gia đình cô đã bị ngăn lại bởi một nhóm những nhà chức trách bản địa và hội nữ tu Công giáo trong vùng. Salamatu cùng các con được giải cứu. Gia đình cô được đưa tới “trại phù thủy” tọa lạc tại quận Gushegu, thuộc miền bắc Ghana.
Cùng với Salamatu, đã có hàng trăm phụ nữ, bà mẹ đơn thân được cứu giúp bởi Hội nữ tu Công giáo. Họ được đưa về sống tại “trại phù thủy”, một chốn trú thân tạm thời dành cho những nạn nhân vướng phải tố cáo vô căn cứ về ma thuật.
“Phần đông thành viên thuộc những “trại phù thủy” ở Ghana đều là phụ nữ và con cái họ. Họ bị vu cáo “làm trò ma thuật” bởi chính người thân, láng giềng, sau khi chồng hay người nhà của họ qua đời. Họ không thể tự nuôi sống bản thân hay tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu khác”, xơ Anosike cho biết.
Lòng tham và sự mê tín cực đoan
Nhóm hoạt động nhân quyền của xơ Anosike nhận thấy, nguyên nhân dẫn đến nạn cáo buộc phù thủy thường xuất phát từ lòng tham cùng những đức tin lệch lạc. Xơ tiết lộ, tại trại Gushegu, nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ nhỏ phải chịu đựng tổn thương tinh thần dai dẳng do bị ruồng bỏ một cách
tàn nhẫn.
|
Bên trong một “trại phù thủy” ở Ghana, Tây Phi - Ảnh: Vice |
“Bố chồng tôi muốn chiếm đất và một ít tiền của chồng tôi để lại sau khi qua đời”, Salamatu kể. “Khi tôi từ chối, họ cáo buộc tôi là phù thủy để tôi bị đuổi khỏi nhà và buộc phải bỏ lại của cải cho họ”.
Con số phụ nữ và trẻ em ở miền bắc Ghana bị đẩy vào những “trại phù thủy”, theo báo cáo thống kê từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2018, lên đến hàng ngàn. Bản báo cáo chỉ ra, hơn 6 “trại phù thủy”, tồn tại rải rác ở khu vực phía bắc quốc gia Tây Phi, là nơi ẩn náu tạm bợ cho khoảng 2.500 phụ nữ và 1.200 trẻ nhỏ.
Niềm tin về ma thuật xuất hiện và “cắm rễ” từ rất lâu trong văn hóa Ghana, bất kể dân cư nơi đây đã tiếp nhận những hệ thống tôn giáo phổ biến ngày nay. Nhiều phụ nữ lớn tuổi vướng phải cáo buộc là phù thủy đối diện với nguy cơ bị hắt hủi, thậm chí bị hành hình. Con cái những ai bị xem là “phù thủy” phải chịu chung số phận bấp bênh, lưu lạc.
“Theo truyền thống, đức tin về thuật phù thủy tại châu Phi có ý nghĩa giữ trật tự cân bằng xã hội. Bất kỳ hành vi nào đi lệch hướng với kỳ vọng truyền thống đều có thể dẫn đến tai họa. Những phụ nữ muốn “bứt khỏi” ràng buộc xã hội thông thường, vì thế, dễ trở thành nạn nhân bị công kích”, Charles Nzioka, giáo sư xã hội học tại đại học Nairobi, Kenya, lý giải.
“Chẳng hạn, khi một phụ nữ tích lũy được của cải và trở nên độc lập về kinh tế, cô ấy đang đi chệch khỏi khuôn khổ đặt ra của xã hội châu Phi, vốn chỉ thường nhìn nhận nam giới trong vai trò nắm giữ của cải - tài sản. Do đó, cô ấy có thể trở thành mục tiêu của cáo buộc phù thủy”, Nzioka nói.
Hình thái “trại phù thủy” duy nhất được tìm thấy ở Ghana. Thế nhưng ở nhiều quốc gia châu Phi khác, đức tin đặc trưng về ma thuật và phù thủy vẫn hiện hữu rõ nét. Khi xảy ra hạn hán, dịch bệnh, thất mùa hay những kiểu thiên tai khác, thông thường người dân sẽ quy kết cho sự góp mặt của “tà thuật”.
Nỗi đau từ những “cuộc săn lùng phù thủy”
Tại Bangui, thủ đô Cộng hòa Trung Phi, việc cáo buộc một người hành nghề ma thuật được gọi với cái tên rùng rợn: “những cuộc săn tìm phù thủy”.
Nạn nhân bị săn đuổi chỉ có hai sự chọn lựa: chịu giam giữ tại nhà riêng vô thời hạn hoặc trốn chạy đến những trại giam. “Nạn cáo buộc phù thủy giống như một bản án bạn không thể kháng cáo”, Nadia Carine Fornel Poutou, người đứng đầu Hiệp hội Hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ thuộc Cộng hòa Trung Phi, nhận xét.
Fornel Poutou cho biết thêm, trong khi việc tình nguyện ngồi tù có thể giúp một số phụ nữ thoát khỏi thảm cảnh bị sát hại, môi trường trại giam khiến họ rơi vào một số tình thế nguy hiểm khác. “Đã có trường hợp người bị cáo buộc là phù thủy trở thành nạn nhân bị đánh đập bởi nhân viên nhà tù và cả những tù nhân xung quanh họ”, bà nói.
Tương tự câu chuyện ở Ghana, nỗi đau tinh thần gây ám ảnh nặng nề không kém cho những phụ nữ chịu đựng danh xưng “phù thủy” tại Trung Phi. Nathalie Koutou, trưởng khoa tâm thần học Bệnh viện đa khoa Bangui, cho biết đang có khoảng 10.000 người trải qua di chứng tinh thần bởi hành vi cáo buộc phù thủy. Thế nhưng, bệnh viện địa phương không thể thật sự giúp ích cho họ.
|
Therese Yambissi là một phụ nữ lớn tuổi bị giam cầm trong nhà riêng ở Bangui vì cáo buộc hành nghề phù thủy. Bà từng là giáo dân tích cực nhưng nay không còn được phép đặt chân đến nhà thờ của làng - Ảnh: Al Jazeera |
Nỗ lực đấu tranh vì nhân quyền
“Mọi người cần ngưng việc cáo buộc, hành hung phụ nữ vô tội vì những thứ liên quan đến ma thuật”, Issah Mahmuda, một quan chức chính phủ đang phụ trách công tác giám sát tại Sở Hỗ trợ pháp lý ở miền bắc Ghana, chia sẻ. “Chúng tôi muốn khuyến khích những phụ nữ bị cáo buộc là phù thủy, những người từng phải chịu đựng sự công kích, lên tiếng trình báo với cảnh sát để luật pháp có thể bảo vệ họ”.
Cùng lúc đó, nhiều tổ chức hoạt động vì nhân quyền như nhóm nữ tu của xơ Anosike vẫn không ngừng cố gắng thay đổi cách nhìn của mọi người về “phù thủy”. Họ lập nên những buổi hội thảo hằng tuần diễn ra tuần tự tại nhiều ngôi làng khác nhau, trong một chiến dịch đấu tranh chống nạn bạo hành phụ nữ. Họ kỳ vọng tiến trình giáo dục sẽ giúp đem lại cái nhìn thấu suốt về đức tin ma thuật, từ đó, giúp ngăn chặn hành vi tố cáo, áp bức phụ nữ đã kéo dài từ lâu.
“Những vụ tố cáo, trục xuất phù thủy gần đây bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống, như một kết quả khả quan bước đầu của chiến dịch đấu tranh chúng tôi đang thực hiện. Nhưng hãy còn cả chặng đường dài phía trước. Chúng tôi sẽ tiếp tục giáo dục, truyền đạt đến mọi người việc xây dựng những đức tin lành mạnh, để đảm bảo trong tương lai, phụ nữ tại đây có thể sống tự do mà không phải sợ hãi việc quyền lợi của họ bị tước đoạt một cách bất công nữa”, xơ Anosike nói.
|
Bên trong một trại giam dành cho những nữ “phù thủy” ở Bangui - Ảnh: Al Jazeera |
Như Ý (tổng hợp)