Trái ngọt trên xứ khô cằn

20/02/2016 - 09:28

PNO - Suốt bao năm qua, năm đứa trẻ trong gia đình nghèo của ông đã không ngần ngại, vượt đường tìm con chữ thay đổi cuộc đời...

Trai ngot tren xu kho can
Vợ chồng ông vẫn ngày ngày làm bạn với luống hành, luống tỏi

Đường đến nhà ông chạy dọc theo bờ biển, gió không làm dịu được cái nắng gay gắt của xứ cát. Suốt bao năm qua, năm đứa trẻ trong gia đình nghèo của ông đã không ngần ngại, vượt đường tìm con chữ thay đổi cuộc đời, được nâng bước bằng sự hy sinh của cha mẹ.

Nghèo nên phải học

Ở thôn Mỹ Phong, xã Thanh Hải (H.Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) không ai lạ với gia đình ông Đỗ Kim Sinh có năm người con học hành đỗ đạt và hiếu thảo. Nhưng ít người biết để có được trái ngọt hôm nay, vợ chồng ông đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình. Giờ các con trưởng thành nhưng họ vẫn âm thầm vun vén, chăm lo.

Những năm 1990, vùng Ninh Hải đường sá gập ghềnh, đất đai khô cằn sỏi đá. Hai vợ chồng ông Sinh một nách bảy con nhỏ, chỉ có hai sào đất khô cằn cha mẹ cho, mùa mưa ngập úng, mùa nắng nứt nẻ, chẳng thể canh tác. Nhà cũng không có phương tiện đi biển, vợ chồng quanh năm làm thuê kiếm sống.

Thời đó, nhà ai cũng khó, người kiếm việc thì nhiều mà việc chỉ có theo mùa nên thất nghiệp là chuyện thường xuyên. Ông Sinh hồi nhớ: “Nghèo, con đông nên càng tả tơi. Vợ chồng tôi nhiều lúc hụt hơi”. Làm thuê làm mướn được bao nhiêu, vợ chồng ông đều ưu tiên tiền học cho con rồi mới đến cái ăn, cái mặc.

Hàng ngày, vợ chồng ông dậy từ bốn giờ sáng, chồng lặn lội từ làng này qua làng nọ xin làm phụ hồ, cuốc đất, đào giếng thuê. Vợ thì men theo bãi biển mò ốc, hái rau mơ, tối về nhận may thêm quần áo. Ông nói: “Cực nhọc vợ chồng tôi không sợ, chỉ sợ khổ quá con cái bỏ học thì coi như đời nó cũng như đời mình”.

Nhưng nỗi lo đã thành hiện thực vào năm con trai đầu Đỗ Kim Kha lên lớp 10. Muốn tiếp tục đến trường, Kha phải vượt hơn chục cây số đường gập ghềnh nắng gió mỗi ngày. Thương con, ông dắt Kha lên tỉnh, tiền ăn học còn không đủ, lại thêm tiền trọ. Thấu hiểu nỗi lòng cha mẹ, cô em gái kế Kim Khuê lén bỏ học đi làm thuê kiếm tiền phụ nuôi anh.

Một hôm, ông Sinh đi làm về ngang rẫy hành nhà hàng xóm, thấy con gái lúi húi nhổ hành, ông giật mình giờ học mà con lại ở đây. Khuê ấp úng: “Con nghỉ học hơn một tuần rồi...”. Ông nghẹn cứng không nói được tiếng nào, lặng lẽ về, vừa giận vừa thương con, tự trách mình. Ông chạy vạy dành dụm ít tiền cho con đi học nghề may. Khổ nỗi ngày ấy xí nghiệp may thiếu vải, tháng làm, tháng nghỉ nên Khuê cũng không giúp được nhiều cho cha mẹ.

Vào năm con út sắp vào cấp II, vợ chồng ông không còn đủ sức để bươn chải. Một người em họ bàn với ông cho các con nghỉ học đi biển. Ông họp các con lại nói chuyện, đứa nào cũng im thin thít. Hôm sau, hai thằng con lớn theo chú ra biển câu cá. Mấy đứa còn lại theo mẹ mò ốc, hái rau mơ, kiếm củi đổi gạo. Thấy các con đi làm, ông lại dằn vặt. Tiền các con kiếm được, vợ chồng ông dành dụm gói ghém, tính cho con đi học tiếp nhưng suốt ba tháng hè không nghe đứa nào nhắc đến chuyện học hành, lòng ông đau như cắt.

Bất ngờ, ngày tựu trường mấy đứa đều khăn gói chỉnh tề xin phép ba mẹ cho tiếp tục học, chỉ duy nhất đứa con gái thứ tư xin theo chị học nghề may. Ông vui mà nước mắt chảy ròng: “Tôi may mắn vì chúng nó ham học. Đói cũng phải nuôi tụi nó đi học, chỉ sợ nghèo quá con nản bỏ học chứ con đã muốn học thì còn chút hơi thở cuối cùng tôi cũng phải lo”.  

Hái quả ngọt

Trai ngot tren xu kho can
Vợ chồng ông Đỗ Kim Sinh hạnh phúc bên con gái vàcháu ngoại

Niềm vui của vợ chồng ông đến liên tục khi các con lần lượt vào đại học. Ông kể về việc chọn ngành của hai đứa con đầu: “Thương cha mẹ, anh em nó bàn nhau học ngành công an cho đỡ tốn kém chi phí. Đứa đầu thi vào ngành công an nhưng thời đó xem điểm thi khó quá. Nó thi ba trường, Đại học Đà Lạt báo đậu trước, nó đi học rồi mới nhận giấy báo đậu trường còn lại. Lỡ đóng tiền rồi, nó cũng thích ngành Toán tin nên tôi khuyên nó cứ học, ba mẹ lo được”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI