Từng nghĩ mình sẽ không bao giờ lấy chồng Tây vì e ngại sự khác biệt văn hóa giữa hai nước cùng những lời “đồn thổi” chẳng mấy tích cực như: chồng Tây ít quan tâm chăm sóc gia đình vợ, tiền ai người đó tiêu… nhưng rồi Đoàn Nương lại gắn bó cuộc đời mình với một “anh Tây” chính hiệu. Đến nay, sau 4 năm hôn nhân, Nương vẫn thấy quyết định lấy chồng Tây của mình là một trong những lựa chọn chính xác nhất trong cuộc đời.
|
Tổ ấm hạnh phúc của Nương và người chồng ngoại quốc, Paul John Hopkinson (ảnh nhân vật cung cấp). |
Chàng giảng viên Anh bị “sét đánh” bất ngờ
Paul gặp Nương khi anh sang Việt Nam dạy một khóa học về marketing và Nương là sinh viên của khóa học đó. Là trưởng khoa sau đại học của Đại học Glocestershere (Anh) và đã ngoài 40 tuổi, hẳn chẳng có “kiểu” sinh viên nào Paul chưa gặp. Thế nhưng khi chạm trán cô sinh viên Việt Nam nhỏ nhắn, lanh lợi, không ngại phát biểu thường xuyên để đưa ra quan điểm của mình trong khi phần đông bạn bè vẫn còn khá thụ động, anh đã lập tức bị “sét đánh”.
|
Sang Việt Nam làm việc không lâu, Paul đã sớm bị "sét đánh" trước cô sinh viên giỏi giang và bản lĩnh (ảnh nhân vật cung cấp). |
Điều kiện duy nhất Nương đặt ra cho Paul nếu muốn tiến đến tình yêu là phải làm sao để hai người không bao giờ xa nhau quá một tháng. Suốt quãng thời gian đó, sân bay là nơi ghi dấu những khoảnh khắc buồn nhất và cũng vui nhất của cặp đôi, họ rưng rưng nước mắt vì hạnh phúc khi được gặp lại nhau rồi không lâu sau lại phải ngậm ngùi, bịn rịn nói lời chia tay ở đó.
Cả hai có một điểm chung là trước khi gặp nhau, họ đều đã trải qua một tình yêu dài sáu, bảy năm nhưng không thành. Khi gặp nhau, họ sớm nhận ra sự đồng điệu trong tâm hồn lẫn niềm thôi thúc muốn thuộc về nhau mãi mãi, như thể chẳng có bất kỳ rào cản nào từ quốc tịch, vùng miền. Ngày về nhà Nương ra mắt, khi được hỏi vì sao lại muốn cưới con gái Việt Nam, Paul đã trả lời rất thật lòng rằng: “Yêu là muốn cưới thôi, dù là Campuchia hay Lào cũng sẽ cưới”.
|
Sau một năm yêu nhau, họ chọn cách về chung một nhà để được ở bên nhau mãi mãi (ảnh nhân vật cung cấp). |
Hôn nhân hạnh phúc nhờ tôn trọng lẫn nhau
Nương không có nhiều trải nghiệm làm dâu bởi vợ chồng cô sống riêng sau khi cưới và bố mẹ chồng mất sớm. Hai vợ chồng cô sống và làm việc tại Dubai. Mỗi dịp về Anh chơi, họ đều ở chung với gia đình Judith, chị gái của Paul. Nương kể, chị chồng rất hiền, mỗi lần em trai và em dâu sang thăm đều được chị chăm sóc từ a-z, hết nấu ăn đến giặt đồ, ủi đồ… cho các em và cháu. Chị rất quý em dâu và luôn thích thú khi được thưởng thức các món ăn Việt do Nương làm. Những khác biệt về văn hóa giữa hai nước không khiến gia đình Paul khó chịu mà trái lại, họ luôn háo hức tìm hiểu về chúng.
|
Nương và Paul có một tổ ấm rộn tiếng cười khi hai bên gia đình luôn thân thiết với nhau. Trong ảnh là Nương, mẹ đẻ và chị gái của chồng (ảnh nhân vật cung cấp). |
Như mọi gia đình khác, vợ chồng Nương tất nhiên không tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm, nhưng họ luôn tranh luận một cách khách quan chứ không bao giờ nói với nhau theo kiểu “Ở Anh phải thế này”, “Ở Việt Nam thì sẽ thế kia”… Hai vợ chồng hiện cùng là giảng viên, nhưng số năm kinh nghiệm của Paul trong công việc này nhiều hơn Nương vài lần. Tuy thế, anh không bao giờ áp đặt quan điểm của mình lên vợ mà luôn giúp vợ học hỏi một cách nhẹ nhàng.
|
Không chỉ yêu và chiều vợ, Paul còn rất thương con. Hễ có thời gian rảnh là anh lại "giành" việc chăm con với vợ (ảnh nhân vật cung cấp). |
Hai vợ chồng cũng tranh luận thường xuyên nhưng luôn trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau chứ không xúc phạm hoặc lấn át, khăng khăng bắt người kia phải theo ý mình. Nếu một trong hai người to tiếng, người kia sẽ bỏ đi chỗ khác để cho nhau thời gian bình tĩnh lại. Đặc biệt, Paul chưa bao giờ để Nương phải làm hòa trước. Anh luôn xin lỗi vợ sau mỗi lần giận dỗi, cho dù ai sai đi nữa. Cách thể hiện tình yêu của Paul là chăm sóc vợ thật chu đáo và luôn muốn vợ mình xinh đẹp, biết cô cần hoặc thích món đồ làm đẹp gì anh sẽ mua tặng ngay.
|
Nương không bao giờ phải khó chịu vì cảnh chồng mải chơi về muộn, vì hễ hết giờ dạy ở trường là Paul vội vàng về ngay để có thêm thời gian vui chơi với con, dạy con học (ảnh nhân vật cung cấp). |
Một trong những bất đồng đáng kể giữa vợ chồng Nương và Paul là cách nuôi dạy con. Với nền tảng khác biệt về văn hóa giữa hai nước, sự bất đồng này được nhân lên nhiều lần. Tuy nhiên, họ không để điều đó trở thành mâu thuẫn đáng kể mà luôn sẵn sàng “nhượng bộ” nhau. Khi Paul đi làm, Nương sẽ nuôi con theo kiểu của mẹ. Cuối tuần không phải đi làm, Paul sẽ ở nhà nấu ăn, chơi đùa với các con và “toàn quyền” dạy dỗ con theo ý mình. Nhờ đó, họ không vấp phải mâu thuẫn nào đáng kể.
|
Có những bất đồng trong cách nuôi con nhưng họ không để xảy ra mâu thuẫn nhờ tôn trọng và sẵn sàng nhượng bộ nhau (ảnh nhân vật cung cấp). |
Hiện tại, dù khá bận bịu với hai thiên thần nhỏ là John Danh Hopkison gần 4 tuổi và Mỹ-Anh Alice Evie Hopkinson mới được 6 tháng, mỗi tuần Nương và Paul vẫn có những buổi tối cùng nhau đi ăn và shopping sau giờ làm. Với họ, đó là một cách để luôn giữ được ngọn lửa hạnh phúc nồng đượm như thuở mới yêu.
Thảo Nguyên