PNO - Mỗi nhóm trai làng đại diện cho một xã, hợp sức với nhau để tranh cướp quả cù được đẽo từ gốc cây chuối nặng 10kg trong lễ hội đền Bạch Mã.
|
Clip: Trai làng vật lộn giành cù ở lễ hội đền Bạch Mã |
Lễ hội đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương, Nghệ An) được tổ chức vào ngày 9-10 tháng Hai âm lịch hàng năm. Là 1 trong 4 ngôi đền thiêng xứ Nghệ, gắn với câu thành ngữ: Nhất Cờn, Nhì Quả, Tam Bạch Mã, Tứ Chiêu Trưng, bởi thế, lễ hội đền Bạch Mã vẫn luôn thu hút rất đông người dân và du khách gần xa tìm về dâng hương, vui chơi. |
Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức, thu hút nhiều người dân tham gia ở lễ hội. |
Trong đó, vật cù là trò chơi dân gian truyền thống không thể bỏ lỡ ở lễ hội đền Bạch Mã. Theo người dân địa phương, trò vật cù gắn với hình thức tuyển binh của tướng Phan Đà - một vị tướng thời nhà Lê được thờ trong đền Bạch Mã. Khi được Bình Định Vương Lê Lợi giao trọng trách tuyển mộ binh lính, tướng Phan Đà đã tổ chức thi vật cù để chọn ra các trai đinh khỏe mạnh, dẻo dai, mưu lược... |
Cù có hình tròn, được tạo nên từ gốc cây chuối, nặng 10kg. Ông Nguyễn Trọng Tân - người đảm trách nhiệm vụ trọng tài các trận vật cù cho hay, để cù có độ cứng, nhiều nhựa và độ liên kết cao, không vỡ trong quá trình các “cù thủ” tranh cướp, chúng phải được lấy từ gốc cây chuối hột 3-4 năm tuổi. |
Sau 2 năm gián đoạn vì dịch COVID-19, hội vật cù được nối lại với 6 đội thi đấu đến từ các xã trên địa bàn huyện Thanh Chương, sẽ thi đấu trong 2 ngày 28/2 và 1/3. Các trận vật cù có 2 đội, đại diện cho 2 xã tham gia. Mỗi đội có 7 người, thi đấu trong vòng 30 phút. |
Những “cù thủ” tham gia trận đấu cởi trần, mặc quần ngắn để dễ vận động, phân biệt 2 đội bởi màu sắc của dải đai lưng. Trước khi trận đấu bắt đầu, trọng tài điều khiển trận đấu sẽ kiểm tra, yêu cầu các “cù thủ phải tháo bỏ các đồ trang sức, cắt móng tay… để tránh gây thương tích cho đối phương. |
Theo luật chơi, “cù thủ” của mỗi đội dùng tay ôm quả cù cố gắng chạy đến, bỏ vào gôn của đối phương. Gôn là một lỗ được khoét sâu xuống, đủ lọt quả cù. Trước đây, vật cù được tổ chức ở trên ruộng, ngập bùn đất trơn trượt để thử thách độ dẻo dai, khéo léo và sức mạnh, sau này mới được chuyển lên thi đấu trên sân cát. |
Anh Ngũ Văn Quang (47 tuổi, trú xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương) cho biết, anh đã có hơn 10 năm tham gia vật cù và trở thành thành viên chủ chốt của đội mặc dù tuổi tác đã khá cao. “Mệt chứ, nói có ra hơi đâu. Nhưng mà mê rồi, mỗi lần tham gia tôi vẫn luôn gắng hết sức để đem tự hào về cho xã nhà”, anh Quang nói. |
Theo anh Quang, “cù thủ” là những người đàn ông khỏe mạnh, không phân biệt tuổi tác. Cù được làm từ gốc chuối, có nhiều nhựa nên rất khó giữ chặt trong tay. Bởi thế ngoài sức mạnh, họ còn đòi hỏi phải có sự khéo léo, bền bỉ và có tinh thần chiến đấu cao… |
Mỗi khi có người ôm được cù nằm xuống, ngay lập tức đội đối phương sẽ lao vào cướp cù. |
Mặc dù tranh chấp quyết liệt nhưng các “cù thủ” 2 đội thi đấu đầy tinh thần thượng võ, đoàn kết… luôn cống hiến những trận cười sảng khoái cho khán giả theo dõi. |
Phan Ngọc
Chia sẻ bài viết: |
Tại các xưởng sản xuất mô hình đường hoa Nguyễn Huệ thợ thi công đang gấp rút những công đoạn cuối cùng để bàn giao đơn vị tổ chức đường hoa xuân.
Sở hữu vẻ đẹp cổ kính, cây mai gần 100 tuổi tạo nên một điểm nhấn ấn tượng cho chợ hoa Xuân năm 2025 tại TP Buôn Ma Thuột.
Linh vật rắn Đà Nẵng đặt hàng nghệ nhân Quảng Trị Đinh Văn Tâm đã được lắp đặt với hình ảnh đầy uy nghi bên cạnh cầu Rồng.
Sau khi đội tuyển Việt Nam thắng đội tuyển Thái Lan để giành chức vô địch, người hâm mộ đã xuống đường cổ vũ, chúc mừng đội tuyển Quốc gia Việt Nam.