“Trại hè tự lập” tại gia

25/07/2021 - 09:30

PNO - Dịch xảy đến là điều không ai mong muốn, nhưng nếu xem đây là cơ hội rèn kỹ năng sống, buông tay để con trưởng thành hơn thì bà mẹ nào cũng sẽ sớm thu quả ngọt.

Năm nay có một mùa hè đặc biệt, bởi ai cũng có nguy cơ “một sáng thức dậy” bỗng biến thành những F0, F1 và bị đưa đi cách ly. Vì vậy, để “đề phòng”, tôi quyết định huấn luyện chàng trai vừa tốt nghiệp tiểu học của mình kỹ năng sống tự lập, dù vẫn nghiêm túc hưởng ứng phong trào “ở nhà là yêu nước”.

Khi kỳ nghỉ hè bắt đầu, tôi liệt kê một danh sách các việc con cần phải làm để học cách tự lập và dán lên cửa phòng. Cậu bé trước giờ vốn chỉ biết ăn và học khá bối rối trước các nhiệm vụ mới, nhưng khi nghe mẹ giải thích lý do thì vui vẻ làm.

Nhiệm vụ đầu tiên là đi mua thức ăn. Lần đầu đứng trước quầy thực phẩm ở siêu thị dưới chung cư, con không thể phân biệt được đâu là trái bầu, đâu là quả bí, đâu là thịt heo, đâu là thịt bò, đâu là quả trứng vịt, đâu là quả trứng gà…

Nhưng sau một tuần “tự bơi”, con đã học được cách phân biệt. Thậm chí, con có thể thuộc tên và nhận biết được nhiều loại thực phẩm khác nhau.

Con trai 12 tuổi đang nấu ăn
Con trai 12 tuổi đang nấu ăn

Từ việc mua thực phẩm hằng ngày, con cũng học được cách tính toán và chi tiêu hợp lý. Ví dụ, với số tiền mẹ đưa đi siêu thị trong một ngày, để đảm bảo mua đủ những món cần thiết mà không gây thâm hụt ngân sách, con đã phải cộng trừ tính toán thật cẩn thận, tìm hiểu giá tiền của những món cần mua, xem xét, lựa chọn thật kỹ chúng trước khi quyết định mang về.

Trước đây, những bữa cơm ngon ngọt đều được mẹ dọn sẵn, đến giờ ăn con chỉ việc ngồi vào bàn và ăn. Nay, muốn ăn con phải lăn vào bếp.

Những ngày đầu tập tành bếp núc, mặc dù trước đó đã được mẹ hướng dẫn rất kỹ một số quy tắc, con vẫn lúng túng khi sử dụng dao kéo, nấu cơm đôi lúc quên nhấn nút, nấu canh thường xuyên nêm nhầm muối với đường… khiến cả nhà nhiều phen nhịn đói.

Qua nhiều lần quên, nhiều lần sai sót, dần dần con cũng đã thành thạo nấu một số món cơ bản và “vỡ” ra nhiều điều. Hóa ra, để có được bữa ăn ngon không hề đơn giản và con trai học giỏi không chưa đủ, mà cũng phải cần biết nấu ăn để có thể tự lo cho bản thân. 

Không chỉ thế, công việc bếp núc cũng giúp con học cách sắp xếp/tổ chức mọi việc hợp lý hơn. Chẳng hạn, con biết cắm cơm trước rồi mới nấu thức ăn vì thời gian nấu cơm lâu hơn, hay trong lúc chờ đợi canh sôi thì tranh thủ dọn bàn ăn thay vì cứ đứng dán chặt mắt vào chiếc nắp nồi. 

Quét dọn nhà với mọi đứa trẻ luôn là công việc buồn tẻ và kém thú vị, với con cũng vậy, nhưng hiệu quả lại vô cùng lớn.

Một hành động thực tế giá trị hơn ngàn lời nói, việc thường xuyên vệ sinh nhà cửa đã giúp con dần từ bỏ được tật xấu vứt đồ đạc bừa bãi như con giải thích: “Vứt đồ lung tung rồi đi dọn lại rất mệt và mất thời gian, nên làm xong cất gọn khỏi phải dọn”. 

Giặt giũ cứ ngỡ là công việc đơn giản nhất, khỏe nhất bởi chỉ cần bỏ quần áo bẩn vào máy, cho bột giặt vừa đủ và bấm nút, là xong. Nhưng trong mùa hè thời COVID của con, đây cũng là sự trải nghiệm và rút kinh nghiệm. 

Bình thường, tắm xong, con chỉ việc mang quần áo vứt vào máy giặt, hôm sau, mở tủ ra là có sẵn quần áo thẳng thớm, sạch sẽ. Mọi thứ trông thật dễ dàng, nhưng không hề đơn giản.

“Để quần áo sạch hơn, cần ngâm trước khi giặt, để quần áo mềm và thơm hơn cần cho thêm nước xả, hay để quần áo thẳng thớm khi khô cần giũ mạnh chúng trước khi treo lên móc”, tôi giảng. Sau vài lần thực hành con đã tự rút kinh nghiệm. 

Cứ thế, mỗi ngày trôi qua, với những công việc không tên đều đặn lặp lại, con không chỉ thuần thục hơn mà còn biết chủ động chia sẻ việc nhà với mẹ, điều mà trước đây mẹ chưa từng nghĩ đến.

Dịch xảy đến là điều không ai mong muốn, nhưng nếu xem đây là cơ hội rèn kỹ năng sống, buông tay để con trưởng thành hơn thì bà mẹ nào cũng sẽ sớm thu quả ngọt. 

Ngữ Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI