Trại ‘giải độc’ dành cho thiếu niên nghiện điện thoại thông minh

22/10/2019 - 06:23

PNO - Hàn Quốc là quốc gia có nhiều người sở hữu điện thoại thông minh nhất thế giới, số liệu năm 2018 cho thấy 98% thiếu niên nước này sử dụng smartphone, trong đó có nhiều em có triệu chứng nghiện điện thoại.

Để khắc phục tình trạng thanh thiếu niên lạm dụng chiếc ĐTDĐ, xa rời thực tế và đánh mất ý thức trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, chính phủ Hàn Quốc đã lập ra các trại cai nghiện smartphone để “giải độc” cho tuổi trẻ, giúp các em tránh được những vấn đề trong tương lai.

Nữ sinh Yoo Chae-rin, 16 tuổi, là học viên mới của trại cai nghiện. Triệu chứng nghiện smartphone của Yoo được coi là trầm trọng: Mỗi ngày cô lướt web bằng điện thoại 13 giờ liền, đến tận 4 giờ sáng, khi chỉ còn chưa đầy 3 giờ nữa cô phải dậy đi học. Yoo tự biết mình có vấn đề, vì vậy cô đã đăng ký vào một trại cai nghiện smartphone.

Trai ‘giai doc’ danh cho thieu nien nghien dien thoai thong minh
Yoo Chae-rin (trái) khoe ảnh chụp các kiểu tóc khác nhau cho bạn gái Kim Hyo-min trong một quán cà phê gần Seoul

Yoo chia sẻ, “ngay cả khi tôi nhận thức được nên ngừng sử dụng điện thoại, thì tay tôi vẫn tiếp tục bấm và mắt tôi tiếp tục nhìn vào màn hình cho đến lúc bình minh!”.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin - Truyền thông Hàn Quốc (MSIT), năm 2018 có  khoảng 30% trẻ em Hàn Quốc từ 10 đến 19 tuổi được xếp vào nhóm "lạm dụng smartphone quá mức".

Những đứa trẻ đó, trong đó có Yoo, đủ điều kiện để được vào trại cai nghiện Internet của chính phủ. Chương trình này bắt đầu từ năm 2007 sau đó đến năm 2015 mở rộng thêm nội dung cai nghiện smartphone.

Năm nay, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc đã tổ chức 16 trại trên toàn quốc cho khoảng 400 trại viên là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đối với một số phụ huynh, đó là một phương sách cuối cùng, với hy vọng con cái họ sẽ nhận được sự giúp đỡ từ các chuyên gia.

Yoo vốn là một học sinh trung bình ở cấp hai, nhưng đến khi lên trung học cô đã tụt xuống “đội sổ”. Cô thức đêm để chơi smartphone – nuôi Facebook cá nhân, mày mò với app xử lý ảnh Snow và chat với bạn bè trên dịch vụ nhắn tin KakaoTalk.

Yoo “cảm thấy cảm giác thực tế của mình mờ dần, ngay cả khi tôi có một ngày vui vẻ và hiệu quả với bạn bè của mình, nó vẫn giống một giấc mơ”.

Cha của cô, anh Yoo Jae-ho, ngày càng lo lắng về con gái. Anh nói, họ không có tiếng nói chung, “nếu tôi nhắc nhở con chuyện dùng điện thoại, thì hai bố con thường to tiếng với nhau”.

Tháng 7 vừa qua, Yoo Chae-rin chủ động nói với cha mẹ dự định đi trại cai nghiện của mình. Đến cổng trại, lần đầu tiên sau nhiều năm, cô nộp chiếc điện thoại thông minh của mình và bắt đầu chương trình cai nghiện 12 ngày.

Trai ‘giai doc’ danh cho thieu nien nghien dien thoai thong minh
Yoo Chae-rin (phải) thường xuyên va chạm với cha cô, Yoo Jae-ho (trái), về vấn đề sử dụng smartphone

Các trại cai nghiện internet của Hàn Quốc đều là cơ sở miễn phí, ngoài khoản chi phí thực phẩm 100.000 won (84 USD) của mỗi trại viên. Nam nữ ở các trại riêng, mỗi hướng dẫn viên phụ trách khoảng 25 học viên.

Tại trại, các thiếu niên được khuyến khích tham gia các trò chơi tìm báu vật, hoạt động nghệ thuật, làm thủ công và tham gia các sự kiện thể thao. Họ cũng phải tham dự các buổi tư vấn bắt buộc từng người một, theo nhóm và từng gia đình để thảo luận về việc sử dụng điện thoại. Sau đó, trong 30 phút trước khi ngủ, các trại viên ngồi thiền.

Trai ‘giai doc’ danh cho thieu nien nghien dien thoai thong minh
Trại viên Yoo Chae-rin tham gia các hoạt động không có điện thoại thông minh tại một trại cai nghiện điện thoại của chính phủ ở Cheonan, Hàn Quốc

Nhiều trại được tổ chức tại các trung tâm đào tạo thanh niên cách xa thành phố, trại đặt trong những khung cảnh nhiều cây cối xanh mát để giúp những con nghiện smartphone trẻ tuổi thư giãn. Trại của Yoo đặt tại Trung tâm Thanh thiếu niên Quốc gia Hàn Quốc ở thành phố Cheonan, nơi đây có bể bơi trong nhà và sân chơi thể thao.

Giám đốc trại, Yoo Soon-duk cho biết trong vài ngày đầu tiên, các trại viên tỏ vẻ cau có bực bội, từ ngày thứ ba trở đi họ đã thay đổi, bắt đầu thích chơi với các bạn khác.

Đáng chú ý, trên một bức tường ở trại Cheonan, cha mẹ các em để lại tin nhắn trên một "cây khích lệ", với những lời dặn dò đầy thương yêu và nghiêm khắc đối với con cái. Một phụ huynh viết: “Ba mẹ hy vọng đây sẽ là nơi để con suy ngẫm về bản thân và biết yêu chính mình”. Một tin nhắn khác ghi cụ thể hơn: “Cố gắng lên nhé, Yong-joo! Đừng bỏ trốn!”

Trai ‘giai doc’ danh cho thieu nien nghien dien thoai thong minh
Những lời nhắn gửi của cha mẹ đến các học viên ở trại Cheonan

Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất có thanh thiếu niên bị cuốn hút vào chiếc smartphone. Năm 2015, 16% thanh niên 15 tuổi ở các nước OECD mỗi ngày dành hơn sáu giờ trực tuyến ngoài giờ học, cuối tuần con số này tăng lên 26%.

Tuy nhiên, áp lực xã hội ở Hàn Quốc đang làm trầm trọng thêm vấn đề. Ở nước này, trẻ em phải đối mặt với khối lượng học tập nặng nề và ít phương thức thư giãn. Chưa kể, sau giờ học ở trường, nhiều em phải theo các lớp luyện thi nên hầu như không còn thời gian cho các hoạt động khác.

Và không có gì ngạc nhiên khi thiếu niên Hàn Quốc, trong đó có Yoo Chae-rin cùng các bạn đồng trang lứa, đã tìm đến chiếc smartphone như một phương thức thư giãn để giảm bớt căng thẳng học hành. Điều nguy hiểm là công cụ giải khuây tiện lợi này đã khiến nhiều em vướng vào vòng luẩn quẩn và có những triệu chứng nghiện điện thoại thông minh, đó là khi chiếc điện thoại trở thành cầu nối duy nhất của các em với xã hội rộng lớn và sinh động “bên ngoài”.

Cẩm Hà (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI