Trang trại có mùi... thảo dược
Chị Nguyễn Thị Thu Thoan (sinh năm 1979) tốt nghiệp trung cấp thú y, từng nhiều năm làm nghề “tiêm dạo” cho vật nuôi quanh huyện. Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, kém an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ... chị Thoan đã ấp ủ xây dựng một trang trại chăn nuôi xanh, hoàn toàn không hóa chất.
|
Đoàn khách đến tìm hiểu mô hình chăn nuôi xanh của HTX gà vi sinh Thu Thoan |
Sau thời gian khá dài làm thuê cho ở các trang trại lớn, năm 2017, chị Thoan quyết định khởi nghiệp với chính nghề mình đã được học và đi làm thuê suốt hơn mười năm: chăn nuôi.
Chị Thoan tâm sự: “Hồi đó không có vốn, không có đất, chỉ có một chữ “dám”. Không có vốn thì vay, không có đất thì đi thuê. Nhưng 3 năm đầu cũng trầy trật lắm, trang trại phải chuyển nhiều lần, thị trường vẫn chưa chấp nhận việc giá thực phẩm sạch cao hơn giá thực phẩm thông thường”.
Chị chọn nuôi giống gà ri bản địa, kiên trì với mô hình chăn nuôi thuận tự nhiên, không sử dụng cám công nghiệp, thuốc kháng sinh, cũng không nuôi nhốt mà được chăn thả tự nhiên… Riêng ủ thức ăn, ngoài kinh nghiệm thu được từ những năm làm thuê ở các trang trại, chị tiếp tục thử nghiệm rất nhiều lần nữa mới có được công thức chuẩn, đảm bảo như hiện nay.
Những lứa đầu tiên thành công, chưa hết mừng vui vì dự án hứa bao tiêu sản phẩm gà vi sinh cho trang trại, thì chị chết lặng - gà nuôi vi sinh, nhưng họ trả cho chị mức giá đúng bằng gà nuôi công nghiệp.
|
Gà ri bản địa được chăn thả tự nhiên |
Không chấp nhận con gà được chăn nuôi kỳ công, đảm bảo “xanh”, thịt thơm, săn chắc mà bị đánh đồng với gà ăn thức ăn công nghiệp, chị quyết định trả lại đất thuê liên quan đến dự án, để thuê đất gần nhà và làm lại từ đầu.
Chị cũng chủ động tìm khách hàng, tìm các đơn vị chuyên bán thực phẩm sạch để giới thiệu sản phẩm. Chị còn học cách giới thiệu, bán hàng trên facebook cá nhân.
Với các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch, chị mời họ về trang trại để tận mắt thấy mình thực chăn nuôi tự nhiên, thực làm các công đoạn để đảm bảo sản phẩm chất lượng nhất, đưa đến bếp ăn của người tiêu dùng nguồn thực phẩm an toàn nhất.
Chị Thoan chia sẻ: “Chăn nuôi, trồng trọt, nếu “cố chấp” đặt mua và nhận cung cấp theo số lượng mà không cần biết sản lượng có được đến đâu, thì rất dễ dẫn đến trà trộn. Nên tôi không nhận đặt hàng theo số lượng yêu cầu từ các cửa hàng, mà xuất chuồng được đến đâu, tôi cung cấp đến đó”.
Hiện nay, quy mô trang trại của chị là 2ha, chủ yếu nuôi gà ri, xen gà ác và đàn heo đen bản địa. Trang trại được thiết kế theo quy trình xử lý sinh học, chia thành nhiều khu vực khác nhau, gồm khu chuồng nuôi, khu chế biến thức ăn, các loại gà khác nhau cũng được nuôi trong những khu vực khác nhau để chúng phát triển tốt, tránh dịch bệnh.
|
Chị Thoan giới thiệu quy trình ủ thức ăn vi sinh và cách phối trộn các loại thảo dược với bà Jaclyn Wilson và bà Jennifer H. Schmidt - hai nông dân người Mỹ |
Thức ăn chủ yếu là cám bắp, cám gạo… ủ men vi sinh, kết hợp với các loại thảo dược như gấc, diệp hạ châu, cỏ mực, tỏi đen, nghệ… được trồng ở phân khu của trang trại (cùng một số loại cây ăn trái).
Từng loại được nghiền thành bột, khi ủ làm thức ăn thì mới bắt đầu phối trộn theo tỉ lệ. Mùa hè chỉ cần ủ từ 8 - 10 tiếng và mùa đông từ 24 - 48 tiếng là đã có thể sử dụng. Thức ăn không bị ôi thiu, nấm mốc, có thể bảo quản hoàn toàn tự nhiên trong 7 - 10 ngày mà không cần bất cứ loại phụ gia nào, bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng sức đề kháng cho vật nuôi cũng như chất lượng thịt.
Không chỉ ứng dụng kỹ thuật sinh học vào thức ăn, chị Thoan còn sử dụng đệm lót sinh học cho chăn nuôi - nền chuồng gà, chuồng heo được rải trấu, mùn cưa trộn men vi sinh giúp hạn chế tối đa mùi hôi. Chi phí cho 20cm nền lót trên diện tích hơn 100m² (có thể nuôi 1.000 con gà hoặc 4-5 đàn heo) chỉ khoảng 2,5-3 triệu đồng. Lớp lót này có thể sử dụng tới 2 năm vẫn đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn trong chăn nuôi.
|
Lớp đệm lót sinh học giúp chuồng trại hầu như không có mùi hôi |
Phân gà vi sinh vừa phục vụ phân khu trồng trọt, vừa là nguyên liệu đầu vào cho các trang trại trồng trọt canh tác theo hướng hữu cơ. Mỗi năm, chị bán được khoảng 30 tấn phân gà vi sinh với giá 5.000 đồng/kg.
Giấc mơ xuất khẩu
Năm 2022, chị Thoan vận động một số hộ dân thành lập Hợp tác xã (HTX) gà vi sinh Thu Thoan. HTX hiện có 7 thành viên và 2 nhân công. Anh Phạm Long Vũ, thành viên HTX cho biết, mỗi ngày, công nhân đều kiểm tra kỹ chuồng trại, xem đàn gà có dấu hiệu bệnh hay không. Việc bảo quản thức ăn cũng được nhân công kiểm tra rất sát sao.
Gà và heo đều được nuôi trong 5-6 tháng, các đàn sẽ “gối” nhau để đảm bảo tháng nào cũng có sản phẩm cung ứng đến các khách hàng. Gà đạt trọng lượng 1,4-1,7kg; heo đạt 30-40kg sẽ xuất chuồng. Gà được sơ chế sạch, đóng gói, hút chân không, trên bao bì có đầy đủ thông tin mã QR, mã vạch, và là sản phẩm OCOP 4 sao… Giá bán gà đã qua sơ chế của HTX luôn cố định 285.000đ/kg. Giá heo hơi cũng luôn cố định 150.000 đồng/kg.
|
Hai nông dân Hoa Kỳ tìm hiểu quy trình chăn nuôi xanh của chị Thoan |
Để đảm bảo tính minh bạch, lứa nào HTX cũng chủ động mang mẫu thịt đi kiểm tra chất lượng tại Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương. Kết quả thử nghiệm, thịt gà của HTX gà vi sinh Thu Thoan không bị nhiễm khuẩn E.coli, SaLmonella và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh gà thịt, HTX còn nuôi hơn 100 gà đẻ trứng. Giá 15.000 đồng/trứng thường, 20.000đ/trứng bắc thảo (ủ với hồng trà, sâm, các loại thảo dược tổng hợp, vôi bột, tro thảo mộc… trong 7 ngày), nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chị Thoan cho biết, doanh thu trung bình của HTX là hơn 1,5 tỉ đồng/năm.
Thành công, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thực phẩm sạch nhờ cách làm độc đáo, nhưng chị Thoan không giấu bí quyết, mà đã chia sẻ kiến thức chăn nuôi với rất nhiều trang trại trong và ngoài TP Hà Nội. Chị chia sẻ: “Tôi luôn ấp ủ mong muốn trong tương lai không xa, thương hiệu gà Việt sẽ có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”.
Uông Ngọc