Trại gà được người Nhật đặt mua gần triệu con mỗi tháng

27/06/2018 - 14:30

PNO - Gà nuôi tại trang trại này phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt vốn chỉ có ở những trại gà của châu Âu.

Trong khi các trại gà trong nước loay hoay tìm đầu ra, nhọc nhằn cạnh tranh với thịt gà nhập khẩu thì ông chủ trại gà Miền Đông (tỉnh Đồng Nai) lại lo không đủ đất để mở rộng chuồng trại, nuôi đủ số lượng gà xuất khẩu.

Ông Nguyễn Minh Kha - chủ trại gà Miền Đông - cho biết, mới đây, đối tác nhập khẩu ở Nhật Bản ngỏ ý muốn nâng gấp đôi lượng gà nhập khẩu từ trang trại của ông, tức là từ 140.000 con/tuần (tương đương 350 tấn gà) hiện nay lên gấp đôi. 

Việc trở thành trang trại gà thịt đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vào ngày 18/4 vừa qua khiến đơn hàng dồn dập đến với chủ trại gà này.

Trai ga duoc nguoi Nhat dat mua gan trieu con moi thang
Trại gà được người Nhật đặt mua gần triệu con mỗi tháng.

Theo ông Kha, để có được chứng nhận này, trang trại phải đáp ứng hơn 400 tiêu chí. Trong đó có các tiêu chí về phần cứng như cơ sở vật chất, hạ tầng chuồng trại và phần mềm (kỹ thuật, quản lý, kiểm soát, chính sách chất lượng…). 

Hệ thống nước thải tại trại nuôi cũng phải theo hướng an toàn sinh học, giảm triệt để việc gây ô nhiễm môi trường, xung quanh trại phải trồng cây xanh. Mỗi trại phải được trang bị bồn chứa thức ăn riêng, việc cho gà ăn phải bằng hệ thống tự động. Mật độ thả nuôi trung bình chỉ được 10 con/m2 chứ không phải 15-17 con như cách nuôi thông thường.

Những con gà trong đàn không đạt yêu cầu cũng phải được loại bỏ đúng cách, không được phép gây đau đớn cho con vật; không được đánh đập, cắt tiết hay dùng xác gà cho các con vật khác làm thức ăn. Xác gà phải thiêu trong những lò thiêu chuyên dụng đặt tại trại.

Chủ trại cũng không được phép giết hại những con vật xâm nhập trại gà như rắn, chuột. Toàn bộ các hoạt động trong trại gà đều phải được ghi chép chi tiết dưới dạng nhật ký để có thể truy nguyên nguồn gốc.

Để xuất khẩu gà sang Nhật Bản, trại nuôi phải đáp ứng hơn 200 tiêu chí, nhưng để được công nhận đạt chuẩn GlobalGAP, phải đáp ứng hơn 400 tiêu chí. Bộ tiêu chuẩn này chủ yếu do các nước châu Âu xây dựng.

Khi có chứng nhận này rồi, sản phẩm chăn nuôi từ trại gà của ông Kha được thừa nhận trên quy mô toàn cầu, dễ dàng được các nhà phân phối lớn chấp nhận. Sản phẩm đạt chứng nhận GlobalGAP được nhận biết thông qua hệ thống định vị tọa độ địa lý toàn cầu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc nên có thể trở thành đối tượng của thương mại điện tử.

Theo ông Kha, trang trại được xây dựng để xuất khẩu gà sang Nhật Bản từ năm 2015, đã đăng ký tham gia dự án an toàn thực phẩm của IFC (thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi), đồng thời còn tham gia vào chuỗi liên kết với những doanh nghiệp lớn.

Con giống của trại được lấy từ Công ty Koyu & Unitek (liên doanh Nhật Bản tại Việt Nam) và Bel Ga (đến từ Bỉ), cám lấy từ Công ty Kyodo Sojitz & De Heus và thuốc thú y có xuất xứ từ châu Âu, đội xe vận chuyển đều có thiết bị giám sát hành trình... Việc liên kết với Koyu & Unitek là để hình thành chuỗi sản xuất thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường nội địa và Nhật Bản. 

Ông Nguyễn Minh Kha cho biết, trước đây, trang trại của ông nuôi xoay vòng 3 lứa/năm, 3 chuồng/tuần, nay đã tăng lên trên 5 lứa/năm, 7-8 chuồng/tuần, xuất chuồng 140.000-160.000 con/tuần, tương đương 300-350 tấn gà lông/tuần.

Phía nhà nhập khẩu của Nhật Bản đang muốn tăng gấp đôi sản lượng lên gần 300.000 con/tuần sau khi Cục Thú y Nhật Bản chính thức cho phép Công ty TNHH Kyou & Unitek xuất khẩu gà từ Việt Nam sang Nhật. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI