PNO - Hai người phụ nữ với hai câu chuyện, hai mảng màu được chia sẻ trên những trang sách vừa ra mắt: Quảy gánh băng đồng ra thế giới và Cát hay là ngọc.
Một người dành suốt 20 năm cuộc đời lăn xả qua hơn 60 quốc gia để “định vị” bản thân là một công dân toàn cầu. Một người đi qua hơn 20 năm tuổi trẻ đầy đắng cay, tủi nhục rồi trao đi niềm tin làm chủ số phận với cộng đồng. Đó là Nguyễn Phi Vân và Nguyễn Thị Bích Ngọc - hai người phụ nữ với hai câu chuyện, hai mảng màu được chia sẻ trên những trang sách vừa ra mắt: Quảy gánh băng đồng ra thế giới (Anbooks) và Cát hay là ngọc (NXB Phụ Nữ).
Cô gái sinh năm 1988 Nguyễn Thị Bích Ngọc mang chuyện đời mình ra chia sẻ với cộng đồng, trong cuốn tự truyện mà nói theo tâm sự đầy nước mắt của cô là: “Thà là nói ra hết, để tự giết chết con người cũ của mình và chấp nhận sóng gió của hiện tại, thay đổi bản thân để nhìn về tương lai”. “Không đêm nào tôi có thể ngủ yên. Ban ngày bận rộn, có thể những ám ảnh tạm lắng xuống, nhưng cứ đêm xuống là tôi không thể nào ngủ được. Cho dù không nói ra, không ai biết câu chuyện này, một mình tôi vẫn cảm thấy nhục, và không thể quên được” - Bích Ngọc bộc bạch.
Nguyễn Thị Bích Ngọc tìm thấy niềm vui trong các hoạt động thiện nguyện
Cuốn sách là những chia sẻ tận đáy lòng của một cô gái từng bị xâm hại tình dục. Tự truyện có thể khiến người đọc rơi nước mắt khi có rất nhiều trang viết đau đớn về tuổi thơ cơ cực, đòn roi, luôn bị coi là đứa con hoang của nhân vật chính Sandy (tên thường gọi của Bích Ngọc). Tám tuổi cô bị xâm hại tình dục, cuộc sống địa ngục trần gian kéo dài đến 10 năm sau đó. Cánh cửa số phận mà Ngọc bước vào đầy rẫy bóng tối và tuyệt vọng cùng cực, có lúc muốn từ bỏ cõi đời. Nhưng hành trình sống đi từ bĩ cực, đau đớn thể xác lẫn tinh thần của cô gái nhỏ cuối cùng cũng tìm đến một chân trời khác, sáng hơn, nhiều tiếng cười hơn.
Hiện tại, Bích Ngọc dạy tiếng Anh ở Amazing House, tham gia phát triển dự án giáo dục cho sinh viên, lập thư viện... Bạn bè gọi cô là “cây xương rồng sa mạc cuối cùng đã nở hoa”. Nhiều người nói Bích Ngọc đã quá can đảm khi mang bí mật “sống để bụng chết mang theo” của mình, kể hết với công chúng. Nhưng điều mà nhân vật chính trong cuốn tự truyện, cũng như những người chấp bút mong muốn chính là tiếng chuông báo động về một vấn nạn xã hội nhức nhối; cũng như trao đi thông điệp mạnh mẽ rằng hãy làm chủ số phận cho dù cuộc sống có bất hạnh đến thế nào.
Ở một cuộc “trải mình” khác, tác giả Nguyễn Phi Vân lại mang đến những chia sẻ đầy cảm hứng về năng lượng sống, giá trị bản thân và nhận diện sứ mệnh trong mỗi con người. Tác phẩm Quảy gánh băng đồng ra thế giới, phiên bản social book (có thể ứng dụng mã messenger để kết nối trò chuyện trực tiếp với tác giả và cộng đồng người đọc sách, lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam) của chị vừa ra mắt đã được bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt. Nguyễn Phi Vân vốn là nhà diễn thuyết, doanh nhân, công dân toàn cầu đã rất nổi tiếng và được bạn trẻ ngưỡng mộ lâu nay.
Quảy gánh băng đồng ra thế giới là câu chuyện trên đường của tác giả qua nhiều quốc gia. Nhưng không phải viết theo kiểu tản mạn, du ký mà bằng nhận diện về tầm nhìn của mỗi nước, giá trị làm nên thương hiệu, đẳng cấp, sự phát triển về kinh tế, cội rễ văn hóa và con người… Cuốn sách đầy ắp thông tin, tư liệu nhưng cũng trải nhiều trăn trở, xúc cảm của “con ếch ngồi đáy giếng được mở mang tầm mắt” như cách chị vẫn nói vui. Tựa sách khiến người ta hình dung tác giả như một người nông dân, vì chỉ có nhà nông mới có cái gánh mà “băng đồng”.
Nguyễn Phi Vân khiến người khác thương nể cũng chính vì sự chân thật, mộc mạc của chị. “Trước khi làm được những điều mình khao khát, tôi cũng từng phải đi làm thuê, kiếm tiền và chắt chiu từ những điều nhỏ bé nhất. Mọi thứ trong cuộc đời chúng ta đều có thể bắt đầu, dù xuất phát điểm khó khăn đến đâu” - chị chia sẻ. Từ vị trí giám đốc chiến lược, làm việc với rất nhiều thương hiệu nổi tiếng quốc tế tại Việt Nam, chị từ bỏ hết mọi thứ, để được đi. Dù phải chấp nhận trở thành chân chạy bàn, phục vụ, dọn phòng… ở xứ người, chị vẫn kiên trì, kiếm tiền bằng nhiều cách, để được trải nghiệm và cuối cùng trở về vị trí giám đốc marketing quốc tế…
“Hai mươi mấy năm sau, hành trình đi ra thế giới đối với tôi là hành trình trở về nguồn cội, trở về nơi nuôi dưỡng hạt giống tâm hồn. Đi để học cách yêu thương con người, để biết cái tôi khổng lồ không là gì trong vũ trụ, để hiểu khái niệm vô cùng tương đối của được và mất. Đi chỉ để tìm lại chính mình” - Nguyễn Phi Vân chia sẻ.
Hai cuốn sách, hai mảng màu. Một sáng bừng, một đau đớn, nhưng đều chung một mạch nguồn của niềm tin: hãy sống mạnh mẽ và khát vọng, vì cuộc đời ấy xứng đáng là của mình.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.