Trái điều - miền ký ức của thế hệ 8x, 9x

17/04/2023 - 08:11

PNO - Không chỉ cắt lát chấm muối ớt, trái điều còn có thể kho cá, làm gỏi… Món nào từ điều cũng ngon và bắt mắt.

 

Trái điều chín chấm muối ớt
Trái điều chín chấm muối ớt

Sau tết là mùa thu hoạch điều. Giá trị kinh tế của cây điều nằm ở hạt. Trái dù to hay đẹp thì cũng… là rác. Vậy nên hơn chục năm nay, người ta thường ưu tiên trồng điều cao sản, loại cho trái chỉ nhỉnh hơn ngón cái một chút nhưng kích thước hạt lớn hơn. Người ta cũng không còn dùng cây khoèo điều mà cứ cách ngày lại vào vườn, gom trái thành từng núi nhỏ, lặt lấy hạt.

Hồi đó, khi hái điều, ba tôi thường khéo léo móc vào trái điều, giật nhẹ hoặc móc vào nhành điều, rung mạnh, trái điều chín thi nhau rụng lộp bộp. 

Trái điều được chọn là những trái to nhất, chín mọng nhất và không bị dập. Bữa tiệc bắt đầu khi chén muối ớt cay xè được đem ra. Đứa lớn cắt một phần ở đầu và đuôi trái, rồi xắt lát mỏng hay chẻ dọc như bổ cau. Trái điều thường ngọt ở phần đầu và chát ở phần cuống nên nếu cắt ngang, sẽ có đứa ăn miếng chua, đứa ăn miếng ngọt nên sau khá nhiều tranh cãi, phương án “bổ cau”, chia trái theo chiều dọc, được chọn.

Vị đặc trưng của trái điều là hơi chua, chát nên dù có chọn có lựa đến đâu, khi ăn, vị chua, chát đặc trưng ấy cũng xông lên mũi và kết hợp với muối ớt khiến 10 đứa ăn thì hết 9 đứa sặc, chảy nước mắt. Vậy nhưng cảm giác đó cũng chỉ dừng ở lát thứ nhất, lát thứ hai, đến khi hết 1 trái thì dừng hẳn. Tuy nhiên, không đứa nào dám ăn cho đã miệng bởi một khi ăn cho đã nư, thể nào tối cũng viêm họng, hôm sau sẽ thều thào, sẽ bị ba má vừa ép uống thuốc vừa cằn nhằn: “Ăn cho nhiều vô…”.

Con nít chỉ cần có trái điều, chén muối ớt đã thỏa mãn, người lớn lại nghĩ ra nhiều cách hơn. Món cá hố kho điều “đời thứ ba” của nhà tôi là ví dụ.

Cá hố kho điều
Cá hố kho điều

Má tôi kể, hồi những năm đầu cả nhà đi kinh tế mới đến Đạ Huoai, tiền ít mà nhà đông người, một ngày, cũng vào mùa điều, bà ngoại nhìn ra vườn điều đang chín, rồi cầm rổ ra vườn, hái trái điều chín, cắt bỏ 2 đầu, kho cùng cá hố. Đến bữa cơm, không chỉ ba má mà đám cháu đều thấy lạ, bà ngoại phải ăn thị phạm, khen ngon rồi cả nhà mới dám gắp ăn.

“Mà ngon thật, trái điều khi sống có vị chua, chát, ngọt, ăn nhiều một chút sẽ cảm thấy hơi khó chịu trong họng mà những lát điều kho lại khác hoàn toàn. Chúng mềm, mọng, đủ vị chua cay mặn ngọt mà lại tan ngay trong miệng” - má nhớ lại. Kết quả, phần điều hết veo mà cá hố chỉ hao vài miếng. Xế chiều, bà ngoại lại hái thêm trái điều, cắt cắt, kho kho, nêm nếm để chuẩn bị cho bữa tối. Từ đó đến hết mùa điều, cứ vài ngày 1 lần, bà ngoại lại làm món cá hố kho điều. Từ khi bà ngoại mất, má đứng bếp và giờ là tôi.

Cá hố kho điều có cách chế biến khá đơn giản. Cá hố làm sạch, cắt khúc, vỗ ráo nước, chiên sơ. Trái điều rửa sạch, cắt lát mỏng vừa. Khi cá hố chiên chín tới, cho điều cắt lát mỏng vào, xếp một lớp điều cũng được mà nhiều lớp cũng xong. Tiếp đó, nêm ít nước mắm, đường, bột ngọt, hành tím, tỏi và ớt tươi rồi đậy nắp, để lửa nhỏ. Một lát sau, nước sẽ tiết ra từ trái điều, thấm xuống đáy nồi, thấm luôn phần cá. Khoảng 30 phút sau, nêm một ít gia vị rồi kho tiếp chừng 30 phút thì tắt bếp. Cá hố kho điều ăn nóng mới ngon.

Gỏi điều
Gỏi điều

Bởi kho lâu nên điều mềm và rất dễ nhũn, khi gắp ra dĩa, cần nhẹ tay. Cũng nhờ kho lâu, điều có đủ vị chua cay mặn ngọt còn cá hố thì hơi lạt. Đó cũng là lý do điều luôn hết trước cá và nồi cá hố kho điều thường được “châm” thêm ít nhất 1 lần điều.

Nếu cá hố kho điều là món chính trong bữa cơm thì gỏi điều lại là món ăn chơi, món khai vị dành cho tiệc tùng và dành cho những ngày sau này, khi nhà khá hơn. Nói như vậy vì thành phần của món gỏi điều khá xa xỉ với gà ta thả vườn chắc nụi; hạt điều rang muối thơm lừng, giòn rụm.

Công thức món gỏi điều của má tôi như sau: xé nhỏ thịt gà luộc, trộn gà cùng rau thơm, điều xắt mỏng, mắm trộn gỏi. Mắm trộn gỏi tất nhiên không cần nước cốt chanh mà vị chua chát của trái điều sẽ đảm nhận. Tất cả đều hái, bắt, nuôi trong vườn nên món gỏi điều bắt mắt với màu vàng đỏ của trái điều, xanh của rau thơm, trắng của thịt gà. Gỏi điều ăn không cũng ngon, xúc cùng bánh tráng càng “bắt miệng”. 

Bài và ảnh: Huỳnh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI