Trái đất tạm thời “hạ nhiệt”

09/08/2024 - 22:01

PNO - Tháng Bảy vừa chấm dứt chuỗi 13 tháng liên tiếp nền nhiệt toàn cầu lập kỷ lục mới, do hiện tượng El Nino suy yếu.

Cụ bà dùng thước đo mực nước của con phố bị ngập do mưa lũ từ bão nhiệt đới Debby, vào thứ Tư, ngày 7/8/2024 — Ảnh AP
Cụ bà dùng thước đo mực nước của con phố bị ngập do mưa lũ từ bão nhiệt đới Debby (Carolina, ngày 7/8/2024) - Ảnh AP

Cơ quan khí hậu Copernicus của châu Âu thông báo, Trái đất đã trải qua 13 tháng liền mà mức nhiệt trung bình toàn cầu liên tiếp lập kỷ lục mới, nhưng xu hướng này vừa kết thúc trong tháng Bảy vừa qua, do hiện tượng El Nino suy yếu, theo hãng thông tấn AP đưa tin ngày 9/8.

Tiến sĩ Samantha Burgess, Phó giám đốc cơ quan thời tiết Copernicus cho biết, dù thế giới tạm thời “hạ nhiệt”, nhiệt độ trung bình của tháng 7/2024 vẫn cao hơn mức trung bình của các tháng Bảy trong các thập niên trước. “Bối cảnh chung không thay đổi, khí hậu của hành tinh chúng ta vẫn tiếp tục ấm lên”, vị nữ chuyên gia chia sẻ.

Đại diện cơ quan Copernicus cảnh báo, hiện tượng biến đổi khí hậu tiếp tục thúc đẩy các hiện tượng thời tiết cực đoan hoành hành khắp thế giới trong các tuần qua. Tại Cape Town, Nam Phi, hàng ngàn người đã phải di dời do mưa lớn, gió giật mạnh, lũ lụt… Tại Đông Nam Á, một trận lở đất chết người đã tấn công đảo Sulawesi của Indonesia. Ở Đại Tây Dương, bão Beryl tăng cấp từ áp thấp nhiệt đới thành siêu bão cấp 4 trong chưa đầy 2 ngày. Chính quyền Nhật Bản cho biết, hơn 120 người đã chết trong đợt nắng nóng kỷ lục ở Tokyo.

Tiến sĩ Burgess dẫn số liệu của Copernicus cho biết, nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái đất vào tháng 7/2024 là 62,4 0 F (khoảng 16,91 0 C), cao hơn 1,2 0 F (khoảng 0,68 0 C) so với mức trung bình của tháng Bảy trong 30 năm qua, nhưng thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tháng 7/2024 là tháng Bảy ấm thứ hai từng được ghi nhận trong hồ sơ của cơ quan này, chỉ sau tháng 7/2023.

Cũng theo số liệu của Copernicus, trong tháng 7 vừa qua, nhiệt độ thế giới ấm hơn tới 2,7 0 F (khoảng 1,480C) so với thời kỳ tiền công nghiệp. Con số này đã tiến sát đến giới hạn nóng lên mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đồng ý trong thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015: 1,5 0 C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tiến sĩ Julien Nicolas, nhà khoa học khí hậu cấp cao của Copernicus, cho biết: “Bức tranh toàn cầu không khác nhiều so với 1 năm trước. Thực tế là nhiệt độ bề mặt biển toàn cầu đã và đang ở mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục trong hơn một năm qua, yếu tố góp phần quan trọng vào các hiện tượng thời tiết cực đoan. Động lực chính, tác nhân thúc đẩy đằng sau nhiệt độ kỷ lục và xu hướng ấm lên dài hạn có liên quan đến sự tích tụ khí nhà kính trong khí quyển”.

Trường An (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI