Trái đất đang bị bóp nghẹt vì rác thải nhựa

24/04/2024 - 13:54

PNO - Theo thống kê của Liên hiệp quốc (LHQ), trên khắp thế giới, mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được mua, mỗi năm có 5.000 tỉ túi nhựa được sử dụng. Một nửa số nhựa được sản xuất dùng cho mục đích sử dụng 1 lần và sau đó vứt đi. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết: “Hằng năm, hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới. 1/3 trong số đó chỉ được sử dụng 1 lần. Mỗi ngày, tương đương hơn 2.000 xe chở rác chứa đầy nhựa được đổ xuống đại dương, sông và hồ”.

Trong số 7 tỉ tấn rác thải nhựa được tạo ra trên toàn cầu cho đến nay, chưa đến 10% được tái chế. Hàng triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường hoặc được vận chuyển có thể lên đến hàng ngàn km, tới các địa điểm đốt hoặc đổ bỏ.

Giấy gói thực phẩm, chai nhựa, nắp chai nhựa, túi đựng hàng tạp hóa bằng nhựa, ống hút nhựa… được nhiều người sử dụng hằng ngày mà không hề nghĩ đến việc chúng sẽ đi đến đâu sau đó. Theo các chuyên gia môi trường, nếu không thay đổi cách sản xuất, sử dụng và xử lý nhựa, lượng rác thải nhựa xâm nhập vào hệ sinh thái dưới nước có thể tăng lên đến 23-37 triệu tấn mỗi năm vào năm 2040.

Rác thải nhựa dưới biển mắc trong lưới của những ngư dân ở Indonesia - Nguồn ảnh: CNN
Rác thải nhựa dưới biển mắc trong lưới của những ngư dân ở Indonesia - Nguồn ảnh: CNN

Người đứng đầu LHQ cho biết: “Nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch. Càng sản xuất nhiều nhựa, ta càng đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch và càng gây ra khủng hoảng khí hậu tồi tệ hơn. Chất thải nhựa - dù ở sông, đại dương hay trên đất liền - có thể tồn tại trong môi trường trong nhiều thế kỷ”. Ông lưu ý rằng, hạt vi nhựa đang xâm nhập vào thực phẩm, nước và cả không khí. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra: hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, hấp thụ và tích tụ trong các cơ quan. Chúng đã được tìm thấy trong phổi, gan, lá lách và thận. Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện hạt vi nhựa có trong nhau thai và ngày càng có nhiều bằng chứng đáng kể cho thấy, các hóa chất liên quan đến nhựa có liên quan đến những vấn đề sức khỏe.

Chủ tịch Hội đồng Kinh tế - Xã hội LHQ (ECOSOC) Lachezara Stoeva cho biết: để giải quyết triệt để thách thức ô nhiễm nhựa, cộng đồng quốc tế cần có cách tiếp cận toàn diện, giải quyết toàn bộ quá trình từ sản xuất nhựa đến tiêu dùng và thải bỏ. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa và ngăn chặn ô nhiễm nhựa tại nguồn. Mỗi cá nhân có thể góp phần giảm thải nhựa bằng cách ngừng sử dụng ống hút nhựa, không sử dụng túi ni lông 1 lần, mang ly cà phê, hộp đựng thức ăn của riêng bạn đi làm. Hãy tìm loại sữa rửa mặt, kem ban ngày, đồ trang điểm, chất khử mùi, dầu gội và các sản phẩm khác không chứa nhựa…”.

Thu Thanh (theo CNN, UN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI