Trái đắng mùa thu hoạch

20/06/2014 - 17:53

PNO - PN - Nông dân trồng cây ăn trái đang gặp khó khăn khi vào mùa thu hoạch, sản lượng tăng lại bị ép giá ở thị trường Trung Quốc. Làm thế nào để trái cây Việt đảm bảo đầu ra và nâng được giá trị sản phẩm?

edf40wrjww2tblPage:Content

Trai dang mua thu hoach

Hàng tồn và thời gian bảo quản ngắn, dễ hỏng, trái vải đang mất giá ngay trên sân nhà

 Bị động về thị trường

Niềm vui được mùa chưa bao lâu thì khi vải vào chính vụ, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (Lục Ngạn, Bắc Giang) lại phải “méo mặt” bởi nỗi lo rớt giá. “Khi mới thu hoạch, giá vải lên tới trên 20.000đ/kg, bây giờ trung bình chỉ được từ khoảng 9.000 - 10.000đ”. Theo báo cáo của huyện Lục Ngạn, năm 2014, huyện dự kiến xuất khẩu khoảng 45.000 tấn vải, trong đó, 90-95% xuất sang thị trường Trung Quốc. Điều đáng nói là người trồng vải luôn nơm nớp lo tình trạng “tắc biên” có thể xảy ra bất cứ lúc nào, giống như vụ việc hồi tháng Tư khiến giá dưa hấu rớt thê thảm.

Ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết, mùa vải này Bắc Giang cung ứng ra thị trường khoảng 140.000 tấn, tuy nhiên, giá mặt hàng này nhiều năm nay thường không ổn định, đầu vụ có thể 40.000 - 45.000đ/kg, nhưng khi thu hoạch rộ chỉ còn khoảng 10.000đ/kg. Dù tổng giá trị trái vải lên đến trên dưới hai ngàn tỷ đồng, nhưng nhiều năm sản phẩm này phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

Tại Lào Cai, chuối là cây trồng chủ lực với hơn 1.200ha. Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT Lào Cai, giá cả của mặt hàng này cũng phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Ông Triệu Kim Khuôn (Bảo Thắng, Lào Cai) thở dài: “Những năm đầu, giá chuối rất cao, có khi đạt 15.000 - 17.000đ/kg nhưng khi người dân đua nhau trồng thì giá xuống ngay. Giờ giá bán ra chỉ còn 3.000 - 5.000đ/kg, giảm 1/5 so với thời cao điểm”.

Một lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết, trái chôm chôm tại tỉnh này cũng rơi vào tình cảnh tương tự, không những nhiều địa phương trồng loại trái cây này mà mùa thu hoạch còn trùng khít với các loại trái cây khác như: vải, xoài… nên chôm chôm không những hẹp đường xuất khẩu mà còn chịu sức ép tiêu thụ ngay trên chính các vùng trồng. Nhiều tỉnh thành khác cũng phản ánh, người trồng dưa hấu, xoài, thanh long… không ít lần “nếm trái đắng” khi đến mùa thu hoạch. Không ít lần trái cây Việt Nam ồ ạt lên cửa khẩu sang Trung Quốc, bị ép giá, rồi ứ đọng, hư hỏng phải đổ bỏ.

Bảo quản, chế biến sâu: Chờ…

Vì sao ta không đẩy mạnh công nghệ chế biến sâu (nước trái cây đóng lon, sấy khô…) để nâng giá trị sản phẩm, lại tiêu thụ được nguồn hàng đang dồi dào? Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng: “Cái khó chung khi muốn đầu tư chế biến là khó kêu gọi doanh nghiệp, vì thường mùa vụ của những sản phẩm này diễn ra trong vòng một tháng, sau đó thì doanh nghiệp hết nguyên liệu để làm”. Ông Nguyễn Quang Úy - Trưởng phòng Kinh tế huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cho hay: “Huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để sản xuất, chế biến các sản phẩm từ chuối và dứa như làm nước đóng lon, chuối dẻo… nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tham gia”.

Phát biểu của đại diện Bộ Công thương và thái độ dè dặt của doanh nghiệp cho thấy sự thiếu chiến lược lâu dài cho trái cây Việt. Nếu xác định “mùa nào thức ấy”, cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp đều có thể chung sức để tiêu thụ hàng, đồng thời mở rộng thị trường. Thực tế đã có doanh nghiệp chủ động kế hoạch xuất khẩu, kinh doanh.

Đại diện Công ty TNHH thực phẩm Thông Tấn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) - đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm chế biến, cho biết để giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, công ty chủ động ngay từ vùng nguyên liệu.

Đối với vải thiều đóng lon, công ty trực tiếp liên hệ với các cơ sở trồng vải ở Bắc Giang để không phụ thuộc vào trung gian. Hết mùa vải, đơn vị này làm dưa chuột bao tử, ngô bao tử, dứa đóng hộp… chủ yếu xuất sang Nga, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Mông Cổ… “Với các quốc gia không nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới thì quả vải, dứa hay dưa chuột… là những mặt hàng đặc biệt có giá trị. Cái chính là xác định được thị trường, linh hoạt với sản phẩm - theo mùa, không thụ động trông chờ hỗ trợ”, vị này nói.

Trai dang mua thu hoach

Trái cây đóng hộp xuất khẩu- một trong những đầu ra của nông sản Việt. Ảnh internet

Theo một số đầu mối kinh doanh vải thiều, từ đầu vụ đến nay đã có nhiều chuyến hàng chở sang Campuchia với giá khá cao và sản phẩm được ưa chuộng. Tuy nhiên, do vải chỉ giữ được độ tươi trong vài ngày nên muốn đẩy mạnh lượng hàng xuất đi cũng rất khó vì rủi ro cao. Giải pháp dùng xe bảo quản lạnh vận chuyển tới các tỉnh phía Nam và TP.HCM tiêu thụ tươi với mức giá phải chăng vẫn là tối ưu trong giai đoạn hiện nay. Còn công nghệ bảo quản trái cây tươi lâu để tránh rớt giá, bao giờ được triển khai?

Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, Bộ NN-PTNT cho biết: “Ta đang học hỏi công nghệ đông lạnh tế bào của Nhật (CAS), có thể giúp giữ tươi trái cây tới 10 năm. Nếu công nghệ này được áp dụng, sẽ giúp người trồng vừa tránh được áp lực thị trường, các nhà máy chế biến có được nguồn nguyên liệu quanh năm. Điều quan trọng là giá trị những sản phẩm này có thể tăng gấp nhiều lần.

Hiện nay Việt Nam đang sử dụng công nghệ cấp đông, lạnh nhanh IQF, nhưng so với CAS thì không hiệu quả bằng. Viện nghiên cứu và phát triển vùng của Bộ KHCN vẫn đang trong quá trình triển khai nghiên cứu nên chưa thể xác định được thời gian áp dụng, chuyển giao tại Việt Nam".

 Thư Hùng - Huyền Anh

GS Võ Tòng Xuân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long: Phải tính tới đường chính ngạch

“Việt Nam cần quyết liệt tìm kiếm thị trường nước ngoài. Ví dụ, Trung Đông là thị trường mà Trung Quốc, Singapore đang xuất khẩu nông sản rất lớn. Để thâm nhập thị trường này, Tổng công ty Rau quả, nông sản Việt Nam phải đặt chi nhánh tại các nước trong khu vực và tìm đầu ra, sau đó chuyển hàng trong nước sang các chi nhánh để phân phối. Xuất khẩu theo đường “tiểu ngạch” là kiểu làm ăn xổi, ở thì. Thị trường tiểu ngạch dễ tính về mặt chất lượng, chỉ chú trọng về giá, do đó, giá nông sản của Việt Nam luôn bị dìm tới đáy. Khi xuất khẩu bằng đường chính ngạch, các đơn hàng đều được thực hiện theo hợp đồng nên không lo ngại đối tác làm giá, lại nâng cao được giá trị hàng xuất khẩu. Quan trọng là doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI