Trái cây Việt khó “lớn” nếu thiếu chế biến sâu

27/04/2025 - 14:58

PNO - Sang quý I/2025, xuất khẩu rau quả Việt vướng cú sốc với kim ngạch xuất khẩu toàn quý chỉ đạt hơn 1,1 tỉ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, ngành hàng rau quả Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 7,1 tỉ USD, tăng hơn 27% so với năm 2023. Xuất khẩu rau quả không chỉ xác lập kỷ lục mà còn khẳng định vị thế ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

Tuy nhiên, bước sang quý I/2025, xuất khẩu rau quả Việt vướng cú sốc với kim ngạch xuất khẩu toàn quý chỉ đạt hơn 1,1 tỉ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân không chỉ nằm ở các thị trường lớn, thị trường khó tính tăng cường kiểm tra về an toàn thực phẩm mà còn xuất phát từ những yếu kém nội tại. Một trong những “nút thắt” lớn là hệ thống logistics và chuỗi cung ứng lạnh còn manh mún, thiếu đầu tư đồng bộ, dẫn đến tình trạng rau quả dễ hư hỏng, chi phí vận chuyển cao và không đảm bảo chất lượng để đến tay người tiêu dùng quốc tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thiếu chế biến sâu, trái cây Việt “khó lớn”. Phần nhiều chủng loại hàng trái cây xuất khẩu của Việt Nam ở dạng tươi, phụ thuộc mùa vụ, giá trị gia tăng thấp, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ các nước có nền công nghiệp thực phẩm hiện đại.

Xuất khẩu rau quả đầu năm nay có sự tăng trưởng ở một số thị trường như Mỹ (tăng 65,5%), Anh Quốc (tăng 77,8%) nhưng cũng đang đối mặt rào cản thuế quan và cuộc chiến thương mại, từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết về tái cơ cấu thị trường và định hướng sản phẩm phù hợp.

Trong khi đó, liên kết trong chuỗi giá trị trái cây còn lỏng lẻo. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết dẫn đến sản lượng không ổn định, chất lượng không đồng đều, khó đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu. Truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế là “giấy thông hành” bắt buộc, nhưng chưa được chúng ta thực hiện đồng bộ trong toàn ngành.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững, Việt Nam cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp chiến lược. Trước hết, cần tái cấu trúc thị trường xuất khẩu theo hướng giảm phụ thuộc vào 1 thị trường trọng điểm.

Muốn vậy, cần mở rộng và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng. Điều này không chỉ đòi hỏi sự chủ động từ phía doanh nghiệp mà còn cần đến vai trò xúc tiến thương mại, đàm phán song phương từ phía các cơ quan chức năng, trong đó có việc tận dụng quan hệ đối tác và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới FTA.

Thứ hai, cần tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng chế biến và logistics để đảm bảo chất lượng và nâng giá trị sản phẩm. Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến sâu như sấy lạnh, cấp đông, đóng hộp kết hợp với phát triển các trung tâm sơ chế, kho lạnh ngay tại vùng nguyên liệu để đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt, tối ưu hóa chi phí và chất lượng sản phẩm.

Thứ ba, cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu tập trung, ứng dụng công nghệ số trong quản lý nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi, từ người trồng đến người tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò điều phối, quy hoạch vùng trồng, kiểm soát chất lượng và hỗ trợ kỹ thuật, doanh nghiệp dẫn dắt thị trường và đầu tư vào công nghệ, thương hiệu.

Bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu, không thể bỏ quên thị trường nội địa gần 100 triệu dân Việt. Người dùng trái cây trong nước ngày càng ưa chuộng nông sản sạch, an toàn và chế biến tiện lợi.

Cần tăng cường đưa rau quả Việt vào siêu thị, trung tâm thương mại, trường học, khu công nghiệp và thông qua các sàn thương mại điện tử. Cùng với thương mại, cần đầu tư tương xứng cho công nghiệp chế biến, hỗ trợ xây dựng thương hiệu rau quả vùng miền, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Bài toán “gỡ khó” và tạo môi trường phát triển bền vững cho nông sản không chỉ nằm ở từng khâu riêng lẻ mà phải là sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách, doanh nghiệp và nông dân.

Tiến Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI