PNO - Bạn có sẵn sàng chi 400 USD (gần 10 triệu đồng) chỉ để mua một quả dứa? Đây không phải là quả dứa thông thường. Nó có tên Rubyglow, được lai tạo để có lớp vỏ màu đỏ hồng với vị ngọt đặc trưng. Quả dứa này được bày bán tại Melissa’s Produce - một công ty bán trái cây và rau củ đặc sản có trụ sở tại California, Mỹ.
Và dù sẵn lòng mua thì chưa chắc bạn có thể sở hữu nó. Thực tế này là những gì đang diễn ra với các dòng trái cây siêu cao cấp - ít ỏi, đắt đỏ và luôn có người chờ đợi đến lượt mua.
Rubyglow - quả dứa gây chấn động thị trường trái cây với mức giá 400 USD
Từ quả dứa gây sốt
Melissa's Produce mô tả Rubyglow trên trang web là một “viên ngọc quý hiếm” và “đỉnh cao của trái cây”. “Đối với những người sành ăn, nó là một món quà khó quên” - trang web nhấn mạnh. Dứa Rubyglow do Del Monte nghiên cứu và phát triển trong suốt 15 năm và được trồng tại Costa Rica, ra mắt lần đầu tại Trung Quốc vào dịp tết Nguyên đán 2024 với số lượng hạn chế. Đây là lần đầu loại trái cây này được giới thiệu tại Mỹ. Mùa xuân năm 2024, Melissa's Produce đã bán 80 quả dứa Rubyglow qua kênh trực tuyến. Hơn 150 người đã đăng ký vào danh sách chờ để nhận lô hàng tiếp theo.
Điều tương tự cũng đang diễn ra với một số loại trái cây phiên bản giới hạn khác. Những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đang vung tiền để mở hộp các sản phẩm độc quyền trên TikTok và các nhà bán lẻ cao cấp như Whole Foods Market hiện đang trưng bày trái cây đắt tiền trên kệ hàng của họ. Một số công ty chuyên cung cấp trái cây như Oishii, Melissa's Produce và Harry & David đang dẫn đầu thị trường siêu cao cấp này. Kỹ thuật trồng trọt, giống cây trồng và đáng chú ý nhất là mức giá đã giúp họ khác biệt so với ngành nông nghiệp truyền thống.
Lê Royal Rivera
Tương tự, một hộp 6 quả lê Royal Riviera - giống lê nổi tiếng ở Pháp - có giá 50 USD, một quả mãng cầu Cherimoya được trồng ở Chile khoảng 1kg có giá 54 USD.
Trong khi vài USD cho 200g dâu tây với nhiều người vẫn là vô cùng đắt đỏ thì một hộp dâu Oishii Omakase từ 6-8 quả có giá khoảng 12 USD được bày bán qua nền tảng trực tuyến FreshDirect vẫn liên tục cháy hàng. Đối với CEO và đồng sáng lập Oishii - Hiroki Koga, hương vị của loại dâu này rất đáng giá. Chúng ngon, ngọt gấp đôi so với dâu tây được bày bán tại các cửa hàng hay siêu thị. Koga đến Mỹ vào năm 2015. Sau khi nếm thử những quả dâu Mỹ, ông bị “sốc” và quyết định giới thiệu các loại trái cây, rau củ chất lượng cao ra thị trường. Ông xây dựng trang trại khép kín ở New Jersey, nơi từng là một nhà máy nhựa. Trang trại có khả năng chống chịu điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mô phỏng điều kiện khí hậu của Nhật Bản. Để có được những quả dâu ngon, gần 200 nhân viên phải nghiên cứu và tìm cách giúp loài ong thụ phấn cho cây dâu luôn vui vẻ trong môi trường không có ánh mặt trời.
Những hộp dâu Oishii Omakase từ 6-8 quả có giá khoảng 12 USD luôn hút khách
Dù giá sản phẩm cao ngất nhưng Koga hy vọng một ngày nào đó giá thành sẽ giảm. Ông nhấn mạnh: “Những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện thực sự không phải là xây dựng một thương hiệu trái cây xa xỉ. Mục tiêu của chúng tôi ngay từ đầu luôn là tạo ra những quả dâu chất lượng cao và nhiều người có thể tiếp cận”.
Xu hướng xa xỉ mới?
Cindy van Rijswick - chiến lược gia sản phẩm tươi sống từ nhóm nghiên cứu toàn cầu của Rabobank - cho biết: “Người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho thứ gì đó đặc biệt”. Khi nói đến các sản phẩm đặc sản, “luôn có một thị trường nhỏ dành cho các nhà hàng cao cấp, những người sành ăn hoặc một số kênh trực tuyến nhất định”.
Chanh Sumo
Tuy nhiên, không chỉ các đầu bếp và người sành ăn mới mua trái cây xa xỉ. Một số người chọn mua chúng để làm nội dung hoặc thể hiện “vị thế” của họ trên các nền tảng mạng xã hội. Greg Sarley - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách bán hàng tại Harry & David - giải thích: “Một loại trái cây độc đáo có thể nhanh chóng phổ biến, khơi dậy sự tò mò và mong muốn sở hữu”.
Melanie Zanoza Bartelme - Phó giám đốc của Mintel Food & Drink - cho biết có thể nhiều người cho rằng một quả dứa Rubyglow không đáng giá 400 USD nhưng vẫn có một nhóm người sẵn sàng chi tiền để sở hữu nó, nếu không phải vì hương vị thì cũng vì bề ngoài rực rỡ. “Tôi nghĩ trên bàn tiệc vào dịp Giáng sinh, lễ Tạ ơn sắp tới, bạn sẽ thấy quả dứa hồng này như một món đồ trung tâm, đặc biệt là trong một ngôi nhà thượng lưu. Nói cách khác, mọi người sẽ chi tiền chỉ để khoe rằng họ đang sở hữu một thứ đặc biệt”- cô nói.
Tờ Modern Farmer khẳng định, xu hướng trái cây siêu cao cấp với sự lai tạo ngốn thời gian để cho ra sản phẩm chất lượng cao không hề mới mẻ. Thế nhưng, thành tựu từ khoa học kỹ thuật đã giúp các loại trái cây ở xứ nhiệt đới xuất hiện tại các cửa hàng của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính điều này khiến giá cả của chúng càng thêm đắt đỏ và càng được khao khát. Ngay cả cam và chanh, cách đây 1 thế kỷ cũng được xem là món hàng xa xỉ. Còn những quả dứa, vào thế kỷ XIX được coi là biểu tượng của sự giàu có và vị trí xã hội. Chúng đắt và quý đến mức không ai nỡ ăn. Thay vào đó, chúng được các gia đình siêu giàu thuê và trưng bày. Một quả dứa ở trung tâm bàn tiệc là biểu tượng sự sung túc, hào phóng và hiếu khách của gia chủ. Họa tiết của những quả dứa thậm chí còn xuất hiện trong các công trình kiến trúc, sản phẩm thời trang, đồ nội thất giai đoạn 1745-1770.
Táo Honeycrisp
Gần đây, trái cây siêu cao cấp lại được ưa chuộng bởi người tiêu dùng ngày càng mong chờ nhiều loại trái mới mẻ hơn. Táo Honeycrisp, nho Cotton Candy, chanh Sumo hay dâu tây Oishii là không đủ đáp ứng. Vượt qua sự phô trương thừa mứa, dứa Rubyglow đại diện cho đỉnh cao của xu hướng này đồng thời mang đến một gợi mở mới về lòng khát khao và mơ ước của loài người. Trước hệ thống lương thực đang gặp khủng hoảng và biến đổi khí hậu đe dọa mùa màng khắp nơi trên thế giới, khi người ta bắt đầu quan tâm đến đạm côn trùng, lạ lùng thay, họ càng mong đợi chứng kiến sự bất ngờ từ những loại thực phẩm từng phổ biến, thành biểu tượng của địa vị, tiến bộ khoa học kỹ thuật và thành quả lao động không ngừng.
Vì lẽ đó, quy mô của thị trường được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường ngách, hướng đến nhóm tiêu dùng siêu giàu. Bởi lẽ, để đảm bảo chất lượng cho từng quả, nhà sản xuất chỉ có thể đảm bảo số lượng hạn chế mỗi năm.
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.