“Vài năm gần đây, những cửa hàng bán trái cây rộ lên ngày càng nhiều khắp mọi tuyến đường ở TP.HCM; nhưng mặt hàng chủ lực lại là trái cây... ngoại. Chỉ riêng đoạn đường khoảng 2-3km gần nhà tôi, từ đầu năm đến nay đã có thêm 3 cửa hàng mới mở” - chị Linh (Q.3, TP.HCM) nói.
Tiện và gọn
Không chỉ cửa hàng (CH) bán trái cây ngoại mới mở ngày càng nhiều, mà không ít CH còn đang “ăn nên làm ra” thấy rõ, chuyển mình từ CH nhỏ thành CH lớn hoặc liên tục mở thêm 3-4 chi nhánh, cụ thể như các chuỗi CH 141, Greeny house, Fruits and Greens…
Một CH trái cây trên đường An Dương Vương (Q.5), cách đây 7-8 năm chỉ có mặt bằng kinh doanh khoảng 35m2, nay đã mở rộng gấp đôi, các mặt hàng theo đó cũng phong phú hẳn lên.
Từ chỉ 1-2 người phụ bán; mặt hàng cao cấp chỉ có nho Mỹ, táo New zealand, bòn bon Thái Lan và vài loại nhãn, xoài Việt Nam có giá xấp xỉ 200.000 đồng/kg; nay CH có cả chục nhân viên, lượng hàng bày bán giờ đã khoảng 70-80 loại, xuất xứ từ đủ các quốc gia; có loại giá thậm chí lên đến 2 triệu đồng/kg.
Tại một CH trái cây trên đường Trương Định, Q.3, người bán chia sẻ: “Khoảng 1-2 năm nay, khách hàng rất chuộng trái cây ngoại vì ngon, lạ và an toàn cho sức khỏe. Nổi tiếng về sản phẩm sạch nên trái cây Nhật bán chạy nhất; mỗi ngày CH chúng tôi tiêu thụ khoảng 30-50kg”.
Điểm sơ trên các quầy kệ, trái cây Nhật đang bày bán ở đây xấp xỉ 20 loại: cherry, dâu anh đào, dưa hấu Luna Piena, dưa lê trắng, dưa lưới Higo green, nho đen Kyoho, nho mẫu đơn Shine Muscat, biwa, đào, hồng giòn, xoài đỏ Miyazaki…
Giá các mặt hàng này cao gấp 10-20 lần so với trái cây Việt Nam cùng loại; thậm chí những loại “thượng phẩm” như nho mẫu đơn Nhật có giá đến 1,25 triệu đồng/kg; đảm bảo sản phẩm luôn tươi ngon; lại có cả dịch vụ giao tận nhà, gói quà... đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
Hàng có xứng với giá?
Tuy nhiều người tiêu dùng nhận định, trái cây của Nhật, Mỹ, Úc… có quá trình sản xuất và bảo quản rất an toàn; nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý: “Nếu nhập tiểu ngạch thì chất lượng khó được kiểm soát”.
Thực tế, việc trái cây ngoại tại các CH nhập chính ngạch hay tiểu ngạch thì chỉ… người bán mới biết! Chị Mỹ (Q.3) kể, tháng rồi chị có mua táo từ Trung Quốc, dù đi bằng máy bay nhưng về đến Việt Nam vẫn bị hư hết 1/2.
Thế nhưng, chị mua 1kg táo tàu tại một CH trái cây ở Việt Nam, về để ở nhiệt độ bình thường suốt 1 tuần mà vẫn cứ tươi.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước đã chi 852 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. |
Chị thắc mắc: “Táo mua tại vườn Trung Quốc đã có giá 130.000 - 180.000 đồng/kg, nhưng tại sao giá bán trong các CH ở Việt Nam chỉ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Nếu nhập “đường bay” như quảng cáo, lại từ nguồn hàng uy tín, còn khấu trừ hao hụt, thì làm sao có giá rẻ đến đáng ngờ như vậy? Liệu táo có bị tẩm chất bảo quản “mạnh tay” để giữ cho tươi lâu?”.
“Đã có tình trạng một số CH lấy hồng Hàn Quốc, thậm chí hồng Trung Quốc nhập tiểu ngạch, rao bán với giá hồng Mỹ để tăng chênh lệch.” - chủ một CH trái cây trên đường Hậu Giang, Q. Tân Bình, "bật mí". Hồng giòn có xuất xứ từ nhiều quốc gia như Nhật, New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ… nhưng chỉ có loại của Mỹ đắt nhất (giá 599.000 đồng/kg) vì tốn nhiều chi phí vận chuyển bằng đường hàng không.
Chủ siêu thị S.M., một nơi bán hàng nhập chính ngạch theo đường hàng không cho biết: “Nhiều người bán niêm yết giá trái cây nhập về theo đường hàng không với giá còn chưa tới giá... vốn. Thật ra, đó là hàng vận chuyển đường tàu. Suốt một tháng lênh đênh trên biển, hàng sạch đến mấy cũng bị tẩm chất bảo quản”.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, trước khi thông quan trái cây nhập khẩu phải qua hai bước kiểm tra: kiểm dịch thực vật (phát hiện mầm bệnh) và kiểm tra an toàn thực phẩm (chủ yếu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản).
Thực tế, một số cửa khẩu không đủ thiết bị kiểm tra, phải gửi mẫu về các trung tâm kiểm định, vài ngày sau mới nhận lại kết quả. Trong quá trình này, lô hàng vẫn được thông quan. Cho nên, kết quả sau đó dù không đạt, cơ quan chức năng cũng chẳng biết đi đâu để thu hồi. Nếu tìm ra điểm để thu hồi thì hàng cũng đã tiêu thụ hết. Do đó, khả năng hàng ngoại không đảm bảo an toàn hoàn toàn có thể xảy ra.
"Để tự bảo vệ, khi mua trái cây ngoại người tiêu dùng có thể yêu cầu nơi bán xuất trình một số giấy tờ như: giấy chứng nhận nguồn gốc do nước xuất khẩu cấp, giấy chứng nhận kiểm dịch lô hàng, tờ khai hải quan... Đặc biệt, nếu nghi ngờ cơ sở sản xuất kinh doanh có hành vi lừa dối, người tiêu dùng cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý " - một cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM nói.
Trong khi các CH trái cây bành trướng mạnh về chủng loại, số lượng hàng nhập khẩu thì các siêu thị như BigC, Co.opmart, Lotte Mart tuy vẫn có tình trạng trái cây ngoại áp đảo trái cây nội, nhưng cũng chỉ bày bán khoảng 10 chủng loại quen thuộc nho, táo, kiwi… và 1-2 năm nay có thêm lê Hàn Quốc, lê Mỹ, lê Nam Phi, cam Úc, quýt Úc. Độ tươi, ngon của trái cây trong siêu thị cũng không được như khách hàng mong muốn.
Mới đây, tại một siêu thị trên đường Nguyễn Văn Linh (Q.7), chúng tôi thấy có khoảng hơn chục hộp nho Mỹ đã héo cuống, trái đã rụng gần hết; sờ vào có cảm giác thịt đã mềm chứ không chắc như hàng mới.
Giải thích lý do các siêu thị có vẻ không “mặn mà” với trái cây ngoại, ông Đoàn Diệp Bình - Trưởng phòng Truyền thông Lotte Mart Việt Nam - cho biết: “Bên cạnh việc đáp ứng thị hiếu, siêu thị phải chú trọng đến an toàn thực phẩm; nên chúng tôi phải thận trọng chọn nhà cung cấp sản phẩm có xuất xứ rõ ràng. Nếu chọn phải nhà cung cấp thiếu uy tín, thì không chỉ ngành hàng này bị ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng chung đến tất cả các ngành hàng khác trong siêu thị.
|
Thanh Hoa