Trái cây ngoại “độc, lạ”: ăn một lần cho biết vì... đắt

11/07/2020 - 07:31

PNO - Trái cây trong nước ê hề, giá rẻ bèo thậm chí phải… giải cứu; trong khi trái cây ngoại gắn thêm mác “độc, lạ” có giá tiền trăm, tiền triệu vẫn được không ít chị em móc hầu bao mua về “ăn thử một lần cho biết”.

Hàng ngoại giá chát

Góc chợ bên hông bến xe chợ Lớn (Q.6, TPHCM) luôn đầy ắp các loại trái cây nội lẫn ngoại. Khệ nệ ôm hai thùng thơm chi chít chữ Thái Lan, bà Minh (bán trái cây) chào mời: “Mua thơm mini Thái Lan mới nhập về ăn thử đi em. Thơm giòn, ngọt thanh, không lõi; ăn bao nhiêu cũng không bị rát lưỡi như thơm mình. Hàng bao ngon!”.

Quýt Hàn xuất xứ... Trung Quốc
Quýt Hàn xuất xứ... Trung Quốc

Thơm mini Thái Lan tuy quả nhỏ nhưng giá khá “chát” so với thơm Việt: 120.000 đồng/kg. Một ký thơm khoảng 15-20 trái. “Giá này là rẻ rồi, lúc hàng mới có ở Việt Nam, giá 180.000 - 200.000 đồng/kg mà không có để mua” - người bán cho hay. 

Theo lời người bán, thơm mini gọt sẵn vỏ, đóng bịch được gửi theo các xe hàng chở trực tiếp từ Thái Lan về Việt Nam. Khi đến tay tiểu thương trong nước, họ chỉ cần khui thùng và bán lẻ. “Bên Thái, thơm mini được coi như “nữ hoàng” vì ngoài vị ngon ngọt xuất sắc, nó còn rất giàu vitamin, đặc biệt là vitamin B1, B6, chất xơ và folate. Loại trái này sắp hết mùa rồi…” - chị Xuân (bán trái cây ở chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) quảng cáo.

Mới đây, trang facebook Nông sản ngoại nhập giá rẻ vừa đăng thông tin về 2 thùng dứa ngoại “siêu to, khổng lồ” lớn gấp 2-3 lần dứa Việt, giá 150.000 đồng/kg. Chỉ sau vài giờ, khách hàng đã đăng ký mua sạch.  

Chủ facebook trên cho biết, đây là dứa Đài Loan, mỗi thùng có 6 trái. Dứa này đã có mặt ở Việt Nam gần 2 năm nay nhưng vẫn chưa hết “sốt” do số lượng có hạn, nhiều khách hàng vẫn chưa được ăn thử nên hàng về bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Mỗi trái dứa ngoại nặng từ 1,4-1,6kg, có trái nặng tới 2kg. Như vậy, mỗi trái dứa đến tay khách hàng có giá tầm 300.000 đồng.

Hơi chậm tay khi đặt mua vài trái nho Nhật Bản đắt nhất thế giới có tên Ruby Roman, chị Thanh Hoa (nhân viên văn phòng, Q.1, TP.HCM) tiếc rẻ: “Vừa thấy fanpage của cửa hàng trái cây nhập khẩu đăng lên, tôi liền đặt vài quả ăn thử nhưng đợt này hàng đã có người đặt trước nên tôi đành chờ lần khác”.

Theo tìm hiểu, loại nho Ruby Roman này từng được bán đấu giá 1,2 triệu yen (11.000 USD - khoảng 250 triệu đồng) cho 24 trái, tính trung bình mỗi trái có giá hơn 10 triệu đồng. Khá bất ngờ khi loại nho thuộc hàng đắt nhất thế giới này được một hệ thống cửa hàng nổi tiếng về trái cây cao cấp ở Hà Nội và TP.HCM đưa về Việt Nam. Hiện tại, chùm nho đang được rao bán với giá 6,5 triệu đồng. Nếu bán lẻ từng trái, nho Ruby Roman có giá 350.000 đồng.

“Loại nho này có kích thước khá to, tương đương trái bóng bàn, căng mọng, vỏ đỏ. Hương vị của loại nho cao cấp này được miêu tả là sự hòa quyện giữa hương vị của nho mẫu đơn và loại nho Pioneer có hương rượu khá độc đáo” - một nhân viên cửa hàng cho biết.

Nho Ruby Roman, mỗi trái tới 350.000 đồng
Nho Ruby Roman, mỗi trái tới 350.000 đồng

Việt Nam đang vào mùa vải, giá vải khá rẻ (từ 25.000 - 50.000 đồng/kg) mà nhiều nơi vẫn “ế”. Trong khi đó, thị trường vừa xuất hiện loại vải không hạt của Nhật Bản, giá 990.000 đồng/200g (8 trái) mà vẫn có những vị khách chi gần chục triệu đồng để thưởng thức.

Đẹp chưa chắc ngon

Lần đầu ra mắt gia đình chồng, chị Mai Hân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) được giao đi chợ bày mâm trái cây đặt lên bàn thờ ông bà. Muốn tạo ấn tượng dâu đảm, chị Hân dạo nhiều chợ, tìm mua các loại hoa trái tươi ngon, lạ mắt nhất để bày biện. 

Nào quýt Hàn vàng ươm, lựu đỏ Mỹ, lê Nam Phi… trái nào cũng to cồ, bóng bẩy giá vài trăm ngàn đồng/kg. Mâm trái cây của chị Mai Hân khiến ai cũng trầm trồ, ngạc nhiên vì nhiều loại quả mới thấy lần đầu. Sau khi cúng, mọi người chờ đợi thưởng thức trái lạ. Tuy nhiên, lột vỏ quýt Hàn, múi nào cũng xốp; lựu Mỹ ăn nhạt nhẽo... “Lần ấy tôi cứ ngỡ sẽ ghi điểm trong mắt gia đình chồng, không ngờ trái cây ngoại lại hại mình” - chị Hân buồn thiu nói.

 Thơm mini Thái Lan bán ở nhiều chợ lẻ Sài Gòn
Thơm mini Thái Lan bán ở nhiều chợ lẻ Sài Gòn

Ở nhiều khu chợ tại TP.HCM như Hòa Bình, An Đông (Q.5), Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân), Tân Định, Bến Thành (Q.1)… trái cây ngoại được bày bán ngay trên vỉa hè. Tại góc đường Phú Hữu (Q.5, TP.HCM), chúng tôi được giới thiệu lựu, quýt “ngoại” to đẹp, màu sắc bắt mắt nhưng cầm khá nhẹ tay. Khách mua hàng không biết chất lượng thế nào vì người bán không cho thử, cũng rất ít tiết lộ thông tin về sản phẩm. Theo tìm hiểu tại một cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây nhập khẩu uy tín, lựu Mỹ giá từ 400.000 đồng/kg nhưng số lượng về Việt Nam rất hạn chế trong khi lựu Mỹ bán ở vỉa hè giá chưa đến 100.000 đồng/kg, mua bao nhiêu cũng có (?!).

Gần đây, nhiều bà nội trợ thường đặt mua cả thùng đào dẹt Tây Ban Nha - loại đào được mệnh danh ngon nhất thế giới được rao bán khá nhiều trên chợ mạng với giá dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, mua thùng 2,3-2,5kg giá chỉ 210.000 đồng/thùng.

“Trước kia trên mạng bán đào dẹt Tây Ban Nha giá toàn trên nửa triệu đồng/kg nên tôi không dám mua. Dạo này thấy các cửa hàng bán giá rẻ, mua lẻ chỉ khoảng 100.000 đồng/kg, mua cả thùng giá còn rẻ hơn nên tôi mua cả thùng về ăn”, chị Minh (ngụ Q.3, TP.HCM) chia sẻ.

Tuy nhiên, anh Long Trần, một đầu mối chuyên cung cấp nông sản phía Bắc tại TP.HCM, tiết lộ: đào dẹt Tây Ban Nha với đặc điểm vỏ quả màu vàng óng mà trên mạng đang bán thật ra xuất xứ từ Trung Quốc. “Đào dẹt Tây Ban Nha không có loại nào dưới 200.000 đồng/kg. Loại giá rẻ là đào Trung Quốc nhưng vì là giống đào Tây Ban Nha nên người đăng bán trên mạng thường gọi là đào Tây Ban Nha”.

Lý giải vì sao trái cây ngoại đắt đỏ vẫn có người mua, tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết: “Có thể các sản phẩm nhập khẩu hấp dẫn người tiêu dùng Việt Nam bởi sự mới lạ, hình dáng đẹp, bắt mắt. Còn về chất lượng, chưa chắc bên nào hơn vì các sản phẩm nhập khẩu bày bán trên thị trường ít khi được người bán trưng đầy đủ giấy tờ kiểm dịch hoặc các chứng nhận về đạt chuẩn chất lượng của sản phẩm”.

Theo bà Mai, đối với nông sản trong nước, sở dĩ giá quá rẻ vì người dân thường trồng theo trào lưu. Trong khi đó, cơ quan quản lý tại Việt Nam chưa xây dựng được kế hoạch đầu ra và đầu vào phù hợp để định hướng người dân theo quy luật thị trường hoặc phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.

Ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng (ấp Tân Phong, xã Tân Lập 2, H.Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) cho biết, có thể các giống trái cây ngoại hấp dẫn người tiêu dùng trước hết do lạ. Tiếp đó, nhờ chúng được bao bọc đẹp mắt, trọng lượng đồng đều, có thể bảo quản được lâu.

“Để giúp người dân thoát khỏi tình trạng sính trái cây ngoại, lơ trái cây nội, cơ quan quản lý cần giám sát và khảo sát nhu cầu thị trường; đưa ra định hướng cho người trồng sát với thực tế. Song song đó, các doanh nghiệp cần vào cuộc để phát triển công nghệ sau thu hoạch, đặc biệt khâu chế biến cần được đẩy mạnh để tạo đầu ra cho nông dân…” - tiến sĩ Võ Mai đề xuất. 

Phương Vy

“Cơ thể chúng ta sẽ có đáp ứng tốt hơn với lượng vitamin, khoáng chất và các chất chống ô-xy hóa trong các sản phẩm có sẵn ở trong nước hơn là nước ngoài”, tiến sĩ Bhavi Mody - Trung tâm Sức khỏe và Vi lượng đồng căn Vrudhi, Ấn Độ cho biết. “Thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta nhiều loại thực phẩm cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch, sức khỏe và điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như khí hậu, chất đất… Các loại vi-rút cũng như vi khuẩn, môi trường chỉ phù hợp nhất với từng miền đất khác nhau. Tất nhiên, chúng ta vẫn có thể nhận được các lợi ích từ các loại trái cây nhập khẩu đắt tiền nhưng không nhiều bằng trái cây địa phương. Bạn phải luôn ghi nhớ một nguyên tắc: đừng bao giờ thay thế hoàn toàn rau quả địa phương bằng rau quả nhập ngoại, không có lợi cho sức khỏe” - tiến sĩ Mody khuyến cáo. 

(Theo Thehealthsite)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI