Trái cây lề đường “lên đời” thành trái cây ngoại

18/08/2016 - 07:03

PNO - Gần đây, nhiều tuyến đường ở TP. HCM xuất hiện tràn ngập các xe đẩy bán trái cây dán tem nhập ngoại, giá chỉ bằng phân nửa giá trong siêu thị. Người tiêu dùng thấy có dán tem, giá lại rẻ nên dễ dàng tin tưởng.

Dọc đường CMT8 (đoạn trước sân khấu Lan Anh đến công viên Lê Thị Riêng) xuất hiện nhiều xe đẩy bán táo đỏ, táo xanh, giá chỉ 35.000đ/kg. Dù bị phơi mưa nắng cả ngày nhưng táo vẫn rất bóng, tươi ngon, lại được dán tem bắt mắt. Nhiều người thắc mắc: “Táo Trung Quốc hay sao mà rẻ vậy?”, người bán khẳng định, táo của Mỹ, có tem đàng hoàng, trên tem ghi rõ “Euroecofood” (trái cây sạch từ châu Âu), làm sao của Trung Quốc được! Do lấy tại chợ đầu mối, lại là hàng dạt, trái nhỏ nên giá rẻ. Nghe vậy, nhiều người yên tâm mua. Tuy nhiên, quan sát kỹ sẽ thấy tem được dán rất nham nhở, chồng lên nhau, ngoài dòng chữ “Euroecofood” thì không còn bất kỳ thông tin nào.

Trước làng SOS (đường Tân Sơn, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM), trên một đoạn đường chỉ vài chục mét nhưng có đến hàng chục xe trái cây, bán đủ loại nho, táo, mận. Cũng là loại nho đỏ giống nhau nhưng có xe để bảng “nho đỏ Ninh Thuận”, có xe lại ghi “nho đỏ Mỹ”, bảng ghi khác nguồn gốc nhưng lại cùng một giá là 50.000đ/ kg. Chỉ có khác là “nho Mỹ” thì trên mỗi chùm nho có dán một cái tem nhỏ xíu “Eurogoodfood”, hình dạng tương tự loại tem dán táo bán trên đường CMT8.

Trai cay le duong “len doi” thanh trai cay ngoai
Trái cây lề đường “lên đời” bằng cách dán tem, nhãn để tạo lòng tin cho người tiêu dùng

Các xe bán dưa lưới thì xuất hiện nhiều ở tuyến đường Tô Hiến Thành (Q.10), Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp), đại lộ Đông Tây (Q.2), Phan Văn Hớn (Q.12)… Không để trần như lúc trước, hiện dưa nhìn rất “sang chảnh” vì được bọc bằng lưới xốp và có tem đàng hoàng. Một người bán trên đường Tô Hiến Thành cho biết, dưa nhập từ Úc, tem dán có chữ “Euroecofood”. Tại đường Phạm Văn Bạch (Q.Gò Vấp) dưa lưới lại hóa thành của Thái Lan, tem có chữ “Qecofood” (người bán giải thích là trái cây chất lượng Thái Lan, “Q” là ký hiệu cho biết sản phẩm đạt chất lượng), nhưng giá chỉ 30.000đ/kg.

Tại khu bán trái cây Trung Quốc ở chợ đầu mối Thủ Đức, trên các thùng nho, táo, cam, mận, kiwi… đều có dán tem, nhãn mác Trung Quốc. Tuy nhiên, tại các chợ nhỏ khắp TP.HCM, không hề thấy bóng dáng các loại tem này. Ghé sạp B.T. tại chợ đầu mối Thủ Đức, chúng tôi được một nam thanh niên chào mời mua: “Một thùng 7kg giá 220.000đ. Em bán sạp hay lề đường, nếu bán sạp và lấy nhiều anh sẽ khuyến mãi luôn tem dán”. Các dây tem “khuyến mãi” này in hình chùm nho, bên dưới có chữ “USA”. “Tem Trung Quốc anh cũng có, nhưng người mua giờ ngại Trung Quốc, nên bạn hàng toàn lấy tem ngoại dán lên. Em nên chịu khó như vậy, bảo đảm hút hàng” - anh này khuyên. Hỏi nguồn gốc các con tem này, những người bán cho biết, họ đặt in tại các tiệm in tem, nhãn.

Chúng tôi tìm đến một công ty in ấn trên đường Điện Biên Phủ (Q.3), ở đây khách muốn in tem gì thì chỉ cần đưa mẫu, bốn ngày sau là có. Lấy lý do mới ra kinh doanh, muốn có tem ngoại nhưng không biết mẫu nào, cô nhân viên gợi ý chúng tôi vào siêu thị mua vài loại trái cây ngoại nhập, gỡ lấy tem rồi đem mẫu đến, bảo đảm công ty sẽ làm tem y hệt, trên tem muốn có thông tin mã vạch, mã số đều được.

Các cụm từ “Ecofood”, “Goodfood”, “Zonefood”… dùng chỉ thực phẩm sạch, là các nhãn hàng thực phẩm hữu cơ hoặc công ty nhập khẩu thực phẩm ngoại. Các công ty này có cơ sở ở Hà Nội, một số còn nằm trong danh sách các điểm tham gia tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội. Vì thế, người tiêu dùng thấy các dòng chữ trên thì biết là thực phẩm sạch, nên những người bán trái cây dạo đã lấy cụm từ trên, gắn thêm chữ “Euro” (châu Âu) để tăng lòng tin cho khách là trái cây sạch ngoại nhập.

Có thể khẳng định, các loại tem trái cây lề đường đều là tem giả, vì tại các hệ thống siêu thị không hề thấy loại tem này. Tem trái cây trong siêu thị đều có mã số (giúp người tiêu dùng biết được cách thức trồng trọt), tên đất nước xuất trái cây đó, thông tin về công ty…; trong khi tem trái cây lề đường không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm. Ví dụ, tem trái táo, trái cam ngoại nhập trong siêu thị, cho biết trái được trồng bằng phương pháp hữu cơ 100%, trên tem có năm chữ số, bắt đầu bằng số 9 như: 94285 (cam), 94131 (táo), có ghi xuất xứ như Organic Fuji (Nhật), Organic USA (Mỹ)…

Về tình trạng tràn lan tem nhập khẩu trái cây giả, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết, việc tiểu thương dán tem nhập khẩu giả lên trái cây xuất hiện đã lâu, quản lý thị trường đã kiểm tra và bắt nhiều vụ. Tuy nhiên, dẹp bỏ vấn nạn này rất khó, vì khi kiểm tra thì đơn vị kinh doanh giấu sạch, đợi quản lý thị trường “đi khuất” mới đem ra bán. Để bảo vệ thương hiệu của mình, các nhà nhập khẩu phải tự tìm cách thay đổi nhận diện cho người tiêu dùng phân biệt. Người tiêu dùng cũng nên chọn mua tại các điểm kinh doanh uy tín, phải quan sát kỹ tem trước khi mua, không nên mua trái cây lề đường không rõ nguồn gốc.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI