Trái cây Đồng bằng sông Cửu Long cần giảm tình trạng chỉ đưa ra thị trường thứ mình có

20/12/2022 - 15:17

PNO - Trái cây Đồng bằng sông Cửu Long cần chuyển hướng phát triển theo nhu cầu thị trường, giảm tình trạng đưa ra thị trường chỉ những thứ mình có.

Ngày 20/12, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo về “Chuyển đổi chuỗi trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp”. 

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), diện tích cây ăn trái ở vùng ĐBSCL khoảng 390.000 ha, chiếm 33,1% diện tích cả nước, cung cấp khoảng 4 triệu tấn trái cây cho thị trường. Trong đó, có một số loại cây ăn trái chủ lực như: xoài, chuối, thanh long, nhãn, sầu riêng, măng cụt, vú sữa...

Những năm gần đây, ĐBSCL không chỉ là vùng sản xuất trái cây lớn, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp trái cây nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu tươi. Thêm thuận lợi là khi chúng ta hội nhập quốc tế thành công, có khoảng 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương được ký kết; trong đó có một số FTA thế hệ mới, nổi bật là CPTPP và EVFTA đã và sẽ tiếp tục mở đường cho nông sản, đặc biệt là trái cây, thâm nhập thị trường thế giới.

Điều này cho thấy, ngành trái cây của ĐBSCL có cơ hội rất lớn trong sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc sản xuất trái cây phải đáp ứng được vấn đề thị hiếu, nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn, chất lượng và các cam kết quốc tế.

Thu hoạch và phân loại chuối phục vụ xuất khẩu ở An Giang
Thu hoạch và phân loại chuối phục vụ xuất khẩu ở An Giang

Tuy nhiên, Tiến sĩ Bùi Hồng Quân – Phó chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit lưu ý, nhiều nơi ở ĐBSCL còn sản xuất trái cây dạng nhỏ lẻ khiến chi phí giá thành cao.

Chỉ tính riêng trái sầu riêng nếu muốn xuất sang thị trường Trung Quốc thì phải có mã số vùng trồng, trong khi thực hiện mã số vùng trồng cần ít nhất 10ha trở lên mới làm được. Ngoài ra, các loại trái cây khác khi muốn sản xuất dạng trang trại thì cũng đòi hỏi từ 60-70 ha trở lên… Giải quyết bài toán này, các địa phương cần tính đến phương án “dồn điền đổi thửa” nhằm tiến tới mô hình sản xuất lớn.

Bên cạnh đó, trái cây ĐBSCL cần chuyển hướng phát triển theo thị trường cần loại nào, chất lượng ra sao, thời điểm thu hoạch… nhằm đáp ứng kịp theo nhu cầu; giảm tình trạng đưa ra thị trường những thứ mình có. “Giải pháp cấp thiết hiện nay là xem xét thành lập các liên hiệp ngành hàng cho từng loại trái cây khác nhau; từ đó xây dựng các chuỗi giá trị, gắn việc liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với nông dân, nhà khoa học, chính quyền địa phương… Có như vậy, việc sản xuất trái cây mới đáp ứng được tình hình mới, giảm phát thải và hướng tới sự bền vững”, tiến sĩ Bùi Hồng Quân đề xuất. 

Huỳnh Trọng 

 

                                                       

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI