Trái cau được lùng mua, người dân vẫn không dám trồng nhiều

27/08/2024 - 12:47

PNO - Do chỉ có thị trường Trung Quốc nhập loại trái này, giá lại lên xuống thất thường nên những người trồng cau không mấy mặn mà mở rộng diện tích.

Thu hoạch những buồng cau cuối cùng trong lứa cau đầu mùa, anh Nguyễn Văn Toản (trú xóm Nho Phong, xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) cho biết, năm nay cau không được mùa nhưng lại được giá. Đầu vụ giá cau 45.000 đồng/kg rồi tăng dần, hiện đã đạt 55.000 đồng/kg.

Nhiều người dân ở huyện Thanh Chương chỉ trồng cau làm cảnh, không mặn mà trồng số lượng lớn vì thường xuyên mất giá - Ảnh: Phan Ngọc
Nhiều người dân ở huyện Thanh Chương chỉ trồng cau làm cảnh, không mặn mà trồng số lượng lớn vì thường xuyên mất giá - Ảnh: Phan Ngọc

Gia đình anh Toản có hơn 300 cây cau. Với gần 200kg quả cau lứa đầu tiên, anh Toản thu được gần 10 triệu đồng. Theo anh, cau sẽ cho thu hoạch từ tháng Bảy đến cuối năm, trung bình 20-25 ngày/lứa. Trong điều kiện chăm sóc tốt, trung bình mỗi gốc cau cho sản lượng từ 18-20kg quả mỗi năm.

Xóm Nho Phong là một trong những địa phương trồng cau nhiều nhất ở Nghệ An. Từ đầu xóm đến cuối xóm đi đâu cũng thấy cau, những vườn cau trải dài khá đẹp mắt. Trung bình mỗi nhà có hàng chục cây cau, nhà nhiều sở hữu cả vườn cau hàng trăm cây. Tuy nhiên, giá cau nhiều năm qua dao động thất thường nên diện tích cau ở đây không được mở rộng.

“Năm 2022, giá cau có thời điểm lên đến đỉnh điểm 95.000 đồng/kg. Nhưng năm ngoái giá cau lại rớt thê thảm, chỉ ở mức 7.000-12.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm không ai thu mua nên người dân để cau chín rồi tự rụng chứ không thu hoạch. Cau chủ yếu bán cho thương lái là chính, chứ nếu đem ra chợ bán thì may chỉ bán được vài kg thôi” - anh Toản nói.

Cau tăng giá mạnh, nhiều thương lái từ khắp nơi đổ về các xã trồng cau ở huyện Thanh Chương để thu mua - Ảnh: Khánh Trung
Cau tăng giá mạnh, nhiều thương lái từ khắp nơi đổ về các xã trồng cau ở huyện Thanh Chương để thu mua - Ảnh: Khánh Trung

Chị Nguyễn Thị Hòa - một thương lái thu mua cau ở xã Thanh Nho - cho biết, năm nay giá cau tăng mạnh do nhu cầu của các lò sấy cau để xuất sang thị trường Trung Quốc cao. Chỉ riêng tại xã Thanh Nho, hiện có hơn 10 thương lái chuyên đi thu mua cau tươi để bán cho các lò sấy. “Vì cau dịp này mất mùa, lại nhiều người thu mua quá nên chúng tôi phải chia vùng, mỗi người thu mua một ít cho có việc làm” - chị Hòa nói.

Theo chị Hòa, cây cau dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, chi phí phân bón thấp. Cau bắt đầu cho quả khi 5 năm tuổi, thời gian cho quả có thể kéo dài hàng chục năm. Nếu giá cau ổn định, người trồng cau có thể thu lợi cao gấp nhiều lần các loại cây trồng khác.

Ông Trần Đình Truyền - Chủ tịch UBND xã Thanh Nho - cho biết, toàn xã hiện có hàng ngàn cây cau, phần lớn người dân đều trồng ít cây cau trước nhà, chỉ khoảng 30 gia đình trồng cau số lượng lớn. Giá cau năm nay tăng gấp nhiều lần so với năm ngoái, nên người dân cũng bất ngờ có thu nhập cao.

Sau sau khi thu mua được bán cho các chủ lò sấy để sấy khô trước khi xuất sang Trung Quốc - Ảnh: Khánh Trung
Cau sau khi thu mua được bán cho các chủ lò sấy để sấy khô trước khi xuất sang Trung Quốc - Ảnh: Khánh Trung

Tuy nhiên, trước diễn biến bất ngờ của giá cau, UBND xã Thanh Nho vẫn khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích chạy theo giá cả. “Do giá cau thất thường nên xã cũng không khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cau mà chỉ nên trồng một ít cây trước nhà, hoặc xen kẽ những khu đất trống quanh nhà thôi” - ông Truyền nói.

Hơn 5 năm làm nghề sấy cau, anh Nguyễn Hữu Đông (trú xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) cho biết, giá cau năm nay tăng mạnh là do mất mùa, nhu cầu thị trường Trung Quốc tăng. Trung bình mỗi tháng anh Đông thu mua hơn 200 tấn cau tươi để sấy. 1 tấn cau tươi sau khi sấy sẽ thu được 250kg cau khô.

Cau sau khi được sấy khô được anh Đông bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo anh Đông, cau khô là nguồn nguyên liệu để sản xuất kẹo cau, chuyên phục vụ thị trường các nước xứ lạnh. Trong đó thị trường chính là Trung Quốc. Thường năm nào cau mất mùa, Trung Quốc thu mua nhiều thì giá cau sẽ tăng mạnh.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI