Trách nhiệm của người cầm bút

24/09/2022 - 07:17

PNO - Trong sáng tạo nghệ thuật, đạo văn hay đạo ý tưởng là một cách tự mình “đào hố chôn mình”.

Trong số các truyện ngắn tham dự cuộc thi viết “Truyện ngắn hay năm 2022” của Tạp chí Văn nghệ TP.HCM, nhiều người phát hiện ra truyện ngắn Đừng đi!… của tác giả ký tên J.S.13 (đăng trên Tạp chí Văn nghệ TP.HCM số 17) khá giống truyện ngắn Một cuộc đua của nhà văn Quế Hương.

Ảnh chụp màn hình hai truyện ngắn Một cuộc đua và Đừng đi – hai tác phẩm giống nhau về ý tưởng, giọng văn…
Ảnh chụp màn hình hai truyện ngắn Một cuộc đua và Đừng đi – hai tác phẩm giống nhau về ý tưởng, giọng văn…

Gần 20 năm trước, truyện ngắn Một cuộc đua từng được trao giải cao nhất trong cuộc thi “Truyện ngắn cho thanh niên học sinh, sinh viên” (do Nhà xuất bản Giáo Dục phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức). 

Một cuộc đua là câu chuyện về 2 người trẻ với 2 hoàn cảnh, 2 môi trường xuất thân khác nhau. Nhân vật Phượng, 21 tuổi, sinh viên một trường đại học, vừa mồ côi cha mẹ vừa nghèo, phải đi làm đủ việc để có tiền ăn học. Còn nhân vật “gã” thuộc thành phần “cậu ấm cô chiêu” nhưng bị tai nạn vì đua xe, phải cắt cụt đôi chân.

Phượng nhận công việc chăm sóc người bệnh, với nhiệm vụ mỗi ngày chỉ cần “trò chuyện, chịu đựng người bệnh, giảm áp lực buồn chán vì nằm một chỗ”. Vượt qua những thách thức mà “gã” bày ra, cuối cùng Phượng cũng cảm hóa được “gã”.

Truyện ngắn Đừng đi!… có mô-típ tương tự. Minh, một nữ sinh không có đủ cha mẹ, nghèo, làm gia sư để kiếm tiền ăn học. Còn nhân vật “nó” cũng là cậu ấm thuộc hàng phá gia chi tử. Trong một lần đua xe, “nó” gặp tai nạn phải nằm viện. Chuỗi ngày sau đó, trong vai trò gia sư, Minh đã dần cảm hóa, giúp “nó” trở nên tốt hơn… 

Mới đây, một truyện ngắn được in báo cũng bị phát hiện có chi tiết giống hệt tình tiết, lời thoại của 1 mẩu chuyện hạt giống tâm hồn được dịch từ nước ngoài.

Ranh giới giữa “trùng ý tưởng” và “đạo ý tưởng” đôi khi rất khó phân định. Trong văn chương, sự giống nhau về mô-típ hoặc trùng ý tưởng cũng khá phổ biến, nhưng sự tương đồng về giọng văn, cách kể chuyện, cùng nhiều chi tiết trùng hợp thì thật khó lý giải. Với những tác phẩm, chi tiết đắt/đặc biệt vốn đã in đậm dấu ấn trong lòng người đọc, bạn đọc càng có quyền nghi ngờ.

Truyện ngắn và Đừng đi – giống Một cuộc đua về ý tưởng, giọng văn…
Truyện ngắn và Đừng đi – giống Một cuộc đua về ý tưởng, giọng văn…

Tại buổi sơ kết cuộc thi “Truyện ngắn hay năm 2022” (vừa được Hội Nhà văn TP.HCM và Tạp chí Văn nghệ TP.HCM tổ chức), nhà văn Bùi Anh Tấn - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ TP.HCM - cũng đã có lời nhắn nhủ đến những người cầm bút. Vì trong quá trình chọn lọc tác phẩm dự thi để in trên tạp chí, ban biên tập đã nhận ra nhiều trường hợp tác giả mượn ý tưởng từ những truyện ngắn nổi tiếng, sau đó phù phép thành truyện của mình.

“Nếu tác giả lấy nguyên truyện ngắn hoặc đoạn văn thì dễ dàng bị phát hiện, nhưng việc lấy chi tiết, ý tưởng thì thực sự không dễ” - nhà văn Bùi Anh Tấn nói. Vì vậy, ông cũng đã phải nhấn mạnh để các thành viên ban giám khảo có sự thẩm định kỹ lưỡng, đồng thời để các tác giả lưu tâm. Điều này chứng tỏ có không ít người viết đã và đang chọn cách sáng tạo bằng việc vay mượn chất liệu của người khác.

Trong sáng tạo nghệ thuật, đạo văn hay đạo ý tưởng là một cách tự mình “đào hố chôn mình”. Từng có những vụ việc bị phát hiện, phê phán và hệ lụy của nó là rất lâu/hoặc sẽ không bao giờ tác giả đó có thể tạo dựng lại được niềm tin trong lòng giới cầm bút cũng như bạn đọc. Nhìn nhận lại bản thân, nhận thức nghiêm túc về nghề nghiệp, tôn trọng chữ nghĩa, tôn trọng sáng tạo và bạn đọc mới là thái độ của một người cầm bút chân chính.

Thy Đúng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI