edf40wrjww2tblPage:Content
Facebook có thể ra tòa
Cuối tháng Bảy vừa qua, Hiệp hội Phụ huynh học sinh Ý đã chính thức làm đơn khiếu nại Facebook vì cho phép nạn ức hiếp hoành hành trên hệ thống của mình, khiến nữ sinh Carolina Picchio, 14 tuổi, gieo mình từ cửa sổ phòng ngủ xuống đất, chết thảm vào rạng sáng 5/1/2013.
Theo chủ nhiệm hiệp hội, ông Antonio Affinata, đây là lần đầu tiên ở châu Âu, một hiệp hội phụ huynh học sinh khiếu nại Facebook. Nội dung khiếu nại là luật pháp nước Ý cấm ký mọi thể thức hợp đồng với thiếu niên dưới 18 tuổi, nhưng Facebook đã làm điều được cho là xâm hại sự riêng tư của vị thành niên mà cha mẹ không biết.
Cái chết của Carolina là “giọt nước tràn ly” sau khi một nam sinh 15 tuổi ở thủ đô Roma chỉ được biết đến với cái tên AS tự tử hồi cuối năm 2012 vì bị trêu chọc và kỳ thị là dân đồng tính trên Facebook, điều mà mẹ nạn nhân phủ định hoàn toàn.
Francesco Saluzzo, ủy viên công tố ở Novara, thủ phủ tỉnh Novara miền Bắc nước Ý, nơi Carolina Picchio đã sống, cho biết không loại trừ khả năng sẽ điều tra hình sự nhân viên Facebook ở Ý vì không đáp ứng yêu cầu của gia đình nạn nhân là gỡ bỏ những tin nhắn và bình luận có ác ý. Điều này vi phạm nội quy của chính Facebook.
Ông Francesco tiết lộ, Talita, chị của Carolina và bạn bè nạn nhân cho biết đã từng báo cáo sự việc đến Facebook, yêu cầu ban quản trị mạng gỡ bỏ nội dung mang tính khủng bố tinh thần nạn nhân nhưng đã bị phớt lờ, khiến cô bé tuyệt vọng, tìm cái chết để được giải thoát. “Nếu chuyện này được xác minh, chúng tôi sẽ thẩm vấn nhân viên Facebook vì nó cũng tác động đến cái chết của Carolina” - ông Francesco nhấn mạnh.
Carolina từng là thiếu nữ 14 tuổi đầy sức sống
Tôi phải trả giá mấy lần đây?
Cũng như các bạn đồng lứa, nữ sinh Carolina thường xuyên chia sẻ hình ảnh, cảm xúc và suy nghĩ riêng tư trên mạng Facebook.
Carolina có bạn trai nhưng sau đó chủ động chia tay. Cậu này trả thù bằng cách tung lên mạng clip video quay cảnh người yêu say khướt trong phòng tắm của nhà bạn, nơi tổ chức một bữa tiệc bạn bè. Tiếp theo, cậu ta cùng bảy nam sinh tuổi từ 15 đến 17 tra tấn tinh thần Carolina bằng những lời lăng mạ thô tục và đe dọa trên Facebook. Ngày cô bé tự tử, cảnh sát thống kê có cả thảy 2.600 tin nhắn như vậy trên ứng dụng Whatsapp. Chiến dịch khủng bố này đã làm Carolina mất tinh thần nhưng không biết chia sẻ và cầu cứu với ai, kể cả mẹ ruột.
Uất ức, Carolina gửi thư đến bạn trai cũ: “Trả thù như vậy đủ chưa? Anh cảm thấy hài lòng chưa? Tôi phải trả giá mấy lần nữa đây?”. Đó là lá thư cuối cùng của Carolina trước khi quyết định gieo mình từ lầu bốn xuống đất. Trước khi nhảy, Carolina còn cập nhật trên trang Facebook: “Hãy thứ lỗi vì tôi không phải là một cô gái mạnh mẽ. Tôi không thể chịu nổi nữa”.
Đáng nói là sau khi Carolina chết, những dòng chữ thóa mạ vẫn tiếp tục phát tán trên Facebook. Tám gã trai bị triệu tập để thẩm vấn. Bạn trai cũ của nạn nhân không nhận trách nhiệm về vụ phát tán băng hình, đổ lỗi cho những người bạn khác của Carolina.
Bà Valentina Sellaroli, ủy viên công tố ở Novara, tuyên bố đang điều tra những gã này theo hướng xúi giục tự tử và truyền bá tài liệu dâm ô trẻ em trên internet mà cơ quan điều tra tìm thấy trên máy tính cá nhân. Nếu có bằng chứng xác đáng, viện công tố sẽ khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với những nam sinh ác mồm ác miệng này.
Không phải lần đầu
Năm 2010, ba nhà quản lý mạng Google ở Ý đã bị một tòa sơ thẩm tuyên án sáu tháng tù treo về tội cho phát trực tuyến trên Google một cuộn băng ghi hình mang tính chất lăng mạ một nam sinh mắc bệnh tự kỷ vào năm 2006. Gia đình cậu này đã làm đầy đủ các thủ tục yêu cầu nhà mạng gỡ bỏ băng ghi hình nhưng không thành. Chàng trai quá uất ức nên đã tự tử. Với những bằng chứng đã được xác minh, viện công tố khởi tố vụ án và khởi tố bị can về tội bỏ qua khiếu nại, cho phép người khác xâm phạm sự riêng tư, góp phần vào cái chết của nạn nhân.
Google kháng án với lý do đã thực hiện nhanh yêu cầu của gia đình chàng trai trong khi thẩm phán tòa án nhận định là quá chậm. Tháng 12/2012, Google được xử trắng án. Tuy nhiên, phán quyết này đang được Tòa án Tối cao Ý xem xét lại.
Trong trường hợp vụ án Carolina Picchio, công tố viên Saluzzo tuyên bố đang điều tra theo hướng nói trên đối với “Người khổng lồ” Mỹ Facebook. Nếu khiếu nại của gia đình nạn nhân được xác minh là có thật thì các nhà quản lý Facebook ở Ý sẽ phải hầu tòa. Người phát ngôn Facebook tại Ý đã từ chối bình luận về đơn khiếu nại của gia đình nữ sinh Carolina Picchio và chỉ tuyên bố: “Chúng tôi vô cùng thương tiếc và đau buồn về cái chết của Carolina Picchio, xin chia buồn với gia đình và bạn bè của cô”.
Trước đó, ngày 28/5, bà Marne Levine, Giám đốc điều hành Facebook, cho biết sẽ xét lại chính sách tháo gỡ những lời nói mang tính bắt nạt, thù hận.
Tuy nhiên, theo bà Cristina Zocca, mẹ của Carolina Picchio, Facebook và các trang mạng xã hội khác luôn phản hồi quá chậm. Bà nhấn mạnh: “Họ cần phải hành động nhanh hơn trong việc đối phó với nạn ức hiếp trên mạng. Cuộc đấu tranh của tôi nhằm làm tăng trách nhiệm của các mạng xã hội, có như vậy mới bảo vệ được thanh thiếu niên”.
Báo chí và công luận nước Ý đang theo dõi sát sao vụ khiếu kiện này. Nó đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nạn bắt nạt, quấy rối trên mạng gia tăng mạnh. Theo số liệu của cảnh sát Ý, từ đầu năm đến giờ đã có 54 vụ khiếu nại hình sự liên quan đến tệ ức hiếp qua mạng, tăng 24 vụ so với cả năm 2012.
Một trong những nguyên nhân làm gia tăng nạn bắt nạt trên mạng là ngày càng có nhiều người tham gia các mạng xã hội, thu hút cả người lớn lẫn học sinh tuổi vị thành niên. Cuộc khảo sát mới nhất về an ninh mạng của tổ chức Open Eyes observatory cho thấy, gần 90% thiếu niên Ý thường dùng Facebook để kết nối bạn bè nhưng có đến 2/3 số phụ huynh chưa bao giờ dòm ngó đến trang Facebook của con.
Chiến dịch xóa bỏ bạo lực học đường ở Ý trong những năm gần đây đạt nhiều thành tích khích lệ, nhưng chính điều này lại làm gia tăng tệ bắt nạt, ức hiếp trên các trang mạng xã hội vì sự quản lý chiếu lệ chính sách bảo vệ sự riêng tư người dùng của chính những trang mạng đó đặt ra.
TRỌNG NGHĨA