Kính gửi chị Hạnh Dung,
Chồng em có tính hay nói lý lẽ. Từ nhỏ anh đã vậy, mọi người trong nhà đều biết tính anh nên hễ anh nói mọi người đều tìm cách không tranh cãi.
Hồi còn yêu nhau, anh hay nhường em nên thường để cho em thắng. Từ khi cưới nhau, em thấy tính này ngày càng trở lại. Nhiều lúc em không thể chịu đựng nổi, phải nói lại, rồi tự nhiên bị cuốn vào cuộc cãi nhau rất nặng nề, mệt mỏi.
Bất kỳ chuyện gì trong nhà không như ý, không được kết quả như mong muốn, anh đều trách ngược em. Con đi học bị điểm kém, con đau ốm, thâm hụt tiền chợ hay ngay cả em bệnh, cảm cúm ho sù sụ, anh phân tích một hồi đều là nguyên nhân từ em.
Tháng rồi, có một chuyện thật tệ. Hôm đó, em về trễ nhờ anh nấu cơm trước, về nhà vẫn thấy nồi cơm điện trống không, anh nói hết gạo rồi nên không nấu cơm được. Em đã tính nhịn cho lành nhưng sau đó anh cứ nói đàn bà phải biết lo xa, nhà có hũ gạo coi gần hết thì mua, đừng để đến khi hết sạch hũ… Rồi anh phân tích rằng cái tính hay ỷ lại vào người khác là tính xấu, không sửa mai mốt con sẽ học theo… Riêng việc anh có thể chạy xuống dưới nhà mua gạo cho em thì anh không hề nhắc tới.
Đến khi em nấu cơm xong, cả nhà ăn cơm trễ, anh vẫn còn trách ngược. Vừa mệt vừa giận, không chịu nổi, em đã gây lại, nói anh là thứ người nhỏ mọn, mọi chuyện đổ hết lên đầu vợ con mà không biết xấu hổ. Vậy là vợ chồng em giận nhau.
Em biết anh vẫn đang trách ngược em, kiểu như tiền anh đã đưa, việc mua gạo là của vợ, cũng vì vợ không biết lo nên mới xảy ra chuyện, không phải lỗi của anh ấy. Vợ chồng em ở riêng, cãi nhau cũng không có ai hòa giải. Em rất mệt mỏi nhưng cũng muốn làm một lần cho rõ chuyện. Chị thấy em làm vậy có đúng không?
Thanh Trân (TP.HCM)
Em Thanh Trân thân mến,
Thật khổ tâm khi phải nghe những lý lẽ trách ngược của chồng, nhất là lúc mình vừa cạn kiệt cả sức lực lẫn thời gian. Nhưng cũng phải thấy là trong những lúc như vậy, mình lớn tiếng gây gổ cũng không mang lại lợi ích gì. Tiếng nói của mình lúc đó là tiếng nói của cơn nóng giận, chỉ đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa hai vợ chồng mà thôi.
Thực tình, ai trách móc người khác cũng có một cảm giác rất “bề trên”, cảm thấy lẽ phải nằm hết về phía mình, cảm thấy mình “dạy dỗ” điều hay mà sao người ta không chịu nghe…
Những điều này lâu dần tạo nên cảm giác “nghiện”, khiến người ta đụng đâu cũng buông lời trách móc. Xét về bản chất, trách móc chỉ là cách để trốn tránh trách nhiệm. Đó chỉ là cách để đẩy mọi thứ sang phía người khác, chối bỏ phần việc của mình. Vì vậy, em xác định đương đầu với tật này của chồng là đúng.
Tuy nhiên, làm thế nào cho đạt hiệu quả thì mình phải suy nghĩ thật kỹ. Mình không thể tay không đương đầu với người hay lý lẽ mà phải chuẩn bị lý lẽ của mình. Phải có phương pháp thì mới thay đổi được. Vài lời trong cơn nóng giận không làm được gì đâu.
Em nên nghiêm túc đề nghị một cuộc nói chuyện riêng giữa hai vợ chồng. Hãy chuẩn bị trước, phân công mọi việc trong nhà cho thật rõ ràng, việc nào của chồng, việc nào của vợ, thống nhất luôn trong cuộc nói chuyện ấy. Khi phân công rõ như vậy, có thể em thấy việc của vợ nhiều hơn nhưng mình không thèm hơn thua chỗ này mà chỉ phân định trách nhiệm rõ ràng. Cần làm rõ với chồng là từ đây về sau, những việc nào em không làm trọn, em nhận trách nhiệm, không cần anh phải phân tích, trách ngược trách xuôi, gây căng thẳng vô ích trong gia đình.
Tất nhiên đối với chồng em cũng vậy. Sự phân công này sẽ bước đầu hạn chế chuyện chỉ trích, trách móc lẫn nhau. Cứ sau một thời gian, vợ chồng em ngồi lại với nhau cùng điều chỉnh bản phân công sao cho phù hợp. Hy vọng cách này sẽ giúp người ta bớt nói, làm nhiều hơn, từ đó bớt đi những lời trách ngược gây phiền não trong nhà.
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Anh Nguyễn (Đồng Nai): Đừng để đến lúc mọi chuyện không thể cứu vãn!
Tình cảnh của bạn giống hệt chuyện nhà tôi. Nhưng rốt cuộc, chúng tôi đã đường ai nấy đi rồi bạn ạ. Có lẽ do tôi không như bạn, không quyết tâm làm một trận cho ra lẽ. Tôi cứ cố gắng chống chọi để rồi mâu thuẫn giữa chúng tôi lên đến đỉnh điểm, không thể cứu vãn được nữa. Giờ ngẫm lại, đôi khi tôi cảm thấy vô cùng nuối tiếc.
Nên, từ câu chuyện của gia đình tôi, mong bạn mau chóng chấn chỉnh mọi việc trước khi quá muộn dù những gì thuộc về bản chất thực sự khó thay đổi. Bạn phải nhanh tay làm cách mạng cho cuộc đời mình. Ngày ấy, bất kể chuyện gì tôi làm cũng đều bị anh ấy bắt lỗi từng ly từng tí. Với anh, mọi sự đều do tôi mà ra.
Từng ngày cãi nhau đến mệt nhọc khiến tôi chẳng còn chút niềm vui với cuộc hôn nhân này nên đành buông. Hy vọng bạn còn đủ thời gian để điều chỉnh bản thân và chồng. Dù sao, tôi vẫn tin rằng hôn nhân luôn cần những luật lệ và người trong cuộc phải tuân thủ những luật lệ đó, mới mong vững bền.
Linh Huyền (Ninh Thuận): Hôn nhân là đồng thuận, sẻ chia
Sự thay đổi của đàn ông sau kết hôn đôi khi khiến phụ nữ khủng hoảng. Mới ngọt ngào chiều chuộng đó, đùng một cái, họ thay đổi 180 độ. Có nhiều thay đổi khiến chính mình còn ngỡ đã cưới lầm người chứ sao mà xa lạ quá đỗi. Nên có lẽ chồng bạn cũng không ngoại lệ. Và quả thật, ai cũng muốn sống đúng bản chất của mình thay vì cứ phải gồng lên để diễn cho tròn một vai quá khó.
Nhưng thái độ của chồng bạn có vẻ cũng hơi quá. Bạn còn bình tĩnh nhờ tư vấn trước khi “làm ra lẽ” trong khi nhiều người chưa chắc đã hành xử được như bạn, đặc biệt từ chuyện nhà hết gạo. Kiểu người ưa lý sự và cãi nhau như chồng bạn không hiếm. Tôi nghĩ có lẽ bạn cũng đôi lần cảm thấy mắc cỡ khi đi cùng chồng.
Vậy thì sao phải đắn đo khi quyết tâm làm cho ra lẽ vì đây là một quyết định đúng dù hơi muộn. Ít ra nên cho chồng bạn hiểu rằng hôn nhân là một sự đồng thuận, sẻ chia chứ không phải dùng lý lẽ để áp đảo người khác. Bạn cần thỏa thuận cùng chồng về sự phân công và trách nhiệm trong gia đình trước, sau đó dần đến việc dùng lý lẽ vô tổ chức.
|
HẠNH DUNG
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.