Thu hút người tài hay nuôi dưỡng nhân tài?

30/08/2022 - 13:10

PNO - Nếu những người tài trong nước được trọng dụng để toàn lực, toàn tâm, tận tụy làm việc, lo chi không có người tài về quê hương cống hiến.

 

 

Chúng ta không chỉ thu hút người tài mà cần nâng cao, đổi mới để nuôi dưỡng nhân tài. 

Nhiều bạn bè tôi nỗ lực làm việc để con cái được đi học ở nước ngoài. Đa số chúng đều thành đạt, đã định cư nước ngoài. Bọn trẻ chỉ về quê hương làm đám cưới, rồi lại kéo nhau quay lại nước ngoài sinh sống.

Không phải như “thời xa vắng”, “thư đi tin lại” hàng tháng, hàng năm, giờ nhớ con cháu, bạn tôi chỉ cần gọi video call là ông bà đã có thể bi bô với cháu. Dăm ba năm chúng cũng đưa nhau về thăm cha mẹ vài tuần vì đang làm việc đâu thể nghỉ lâu. Lúc bình thường, hai vợ chồng già thui thủi với nhau, thấm thía nỗi cô đơn, nhất là khi giỗ quải, tiệc tùng, tết nhất.

Tôi rất thông cảm cho hoàn cảnh các bạn mình, họ đã tốn bao nhiêu công sức mới có những đứa con lớn lên biết sống độc lập, biết khẳng định mình, dù xa cha mẹ. Tất nhiên, bọn chúng chọn con đường học rồi ở lại nước ngoài sinh sống không chỉ vì môi trường làm việc tốt mà còn nhiều lý do khác, không thể đại diện cho vấn đề "chảy máu chất xám" mà lâu nay nhà nước ta luôn trăn trở. 

Người ta thường bàn về chính sách đãi ngộ nhân tài. Đối với các bạn trẻ vừa học xong đại học về nước, hiện có nhiều doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân có các phương pháp quản lý nhân lực phù hợp săn được chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, không khó để các cháu tìm chỗ đứng tại những nơi đó. Còn cơ quan, doanh nghiệp nhà nước dù đã có nhiều cơ chế đãi ngộ nhân tài nhưng có lẽ sức hấp dẫn chưa đủ lớn.

Đối với những người đã có vị thế ở nước ngoài, việc thu hút về quê hương càng khó hơn. Khó hơn nữa là việc tạo điều kiện để họ phát huy khả năng cống hiến. Nhiều năm qua Nhà nước đã tích cực đổi mới cơ chế thu hút nhân tài, đãi ngộ các nhà khoa học nhưng con số ấy chưa đủ. Ưu đãi bằng tài chính, bằng chức vụ… e rằng chưa phải là chính sách tối ưu, bền vững.

Tôi nhớ chuyện thời Chiến quốc bên Trung Hoa. Khi Yên Chiêu Vương muốn chiêu hiền bèn hỏi Quách Ngỗi tiên sinh. Quách Ngỗi trả lời vua hãy trọng dụng ông ta. Tài cán như ông mà còn được đãi ngộ thì người tài hơn sẵn sàng về nước Yên. Quả nhiên Yên Chiêu Vương đón được nhiều người tài. Một thời gian sau, nước Yên trở thành một nước cường thịnh.

Nói chuyện xưa để nhắc nhở chuyện nay, muốn có người tài về nước phục vụ, trước tiên cần trọng dụng người thực tài trong nước. Nhân tài là nguyên khí quốc gia, chân lý này đã có tuổi đời hàng ngàn năm. 

Để bài toán nhân tài được giải quyết tận gốc thì chúng ta cần thu hút nhân tài hay nuôi dưỡng nhân tài? Tôi cho rằng 2 vấn đề này cần bước song hành: "trải thảm đỏ" 1 cách hiện thực và tiếp tục đẩy mạnh đổi mới giáo dục. Khi có được những trường học tốt, đẳng cấp quốc tế thì nhân tài chẳng phải khăn gói ra nước ngoài học tập. Bởi 1 nền giáo dục tiên tiến đủ sức trở thành nơi hội tụ của giới tinh hoa thì ắt sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”.

Nếu những người tài trong nước hạnh phúc để toàn lực, toàn tâm, tận tụy làm việc, lo chi không có người tài về quê hương cống hiến. Lịch sử hơn bốn ngàn năm đã bao lần chứng minh người Việt Nam vốn giàu lòng yêu nước.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI