Trà Vinh quen mà lạ

11/07/2015 - 07:00

PNO - PN - Thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh thu hút du khách bằng một kiểu rất riêng: cổ kính, thâm trầm, nguyên sơ qua sức sống của hàng ngàn cây cổ thụ, những mái chùa và nét văn hóa đặc trưng của người Khmer.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đã có cơ hội đến những khu rừng nguyên sinh như Cúc Phương, Nam Cát Tiên, được tận mắt ngắm nhìn và tựa vào những cây cổ thụ cao vút, nhưng chúng tôi thấy, không nơi đâu cổ thụ lại có hình dáng lạ lùng như “khu rừng” cổ thụ xung quanh khu vực ao Bà Om (khóm 3, P.8, TP.Trà Vinh). Rừng ao Bà Om có những gốc cây to trên năm người nắm tay nhau ôm mới giáp vòng, rễ cuồn cuộn trên mặt đất, tạo thành muôn hình vạn trạng khác nhau.

Tra Vinh quen ma la

Ao Bà Om trong ánh chiều tà

Chúng tôi được nghe người địa phương kể câu chuyện về sự tích ao Bà Om. Có nhiều dị bản khác nhau, song đều chung một điểm là các chị, các mẹ ngày xưa đã thắng được các cha, các anh trong một cuộc đấu đào ao. Tôi nghĩ, đây có lẽ là cách mà người dân tôn vinh phụ nữ, những người chịu thương, chịu khó và đầy bản lĩnh. Sau một cơn mưa, mây vẫn kéo dày, nhưng ánh nắng cố gắng xuyên qua tán cây cổ thụ, qua màn hơi nước bốc lên từ mặt hồ, tạo nên một khung cảnh kỳ ảo mê hoặc lòng người.

Tra Vinh quen ma la

Rễ cây cổ thụ với những hình thù kỳ dị

Tra Vinh quen ma la

Du khách chụp hình lưu niệm ở ao Bà Om

Tra Vinh quen ma la

Nghe kể chuyện về sự tích ao Bà Om

Dấu hiệu nhận biết rất đặc trưng của thành phố này là nơi nào có nhiều cây, ở đó có chùa. Chùa luôn nằm sâu trong những hàng cây cổ thụ. Cách ao Bà Om chỉ vài trăm mét là ngôi chùa cổ kính nhất Trà Vinh, chùa Âng (tiếng Khmer là Angkorajaborey). Tương truyền, chùa được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ X và đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần. Chùa không chỉ mang kiến trúc của chùa Khmer Nam bộ mà còn là một trung tâm văn hóa nghệ thuật, tôn giáo độc đáo.

Cũng nằm trong quần thể du lịch này, đến với bảo tàng Khmer, du khách còn được biết thông tin về những nét đặc trưng tôn giáo, tín ngưỡng; văn hóa cuộc sống; ngành nghề truyền thống; nghệ thuật Khmer. Chúng tôi thật may mắn được tận mắt chứng kiến bộ kinh Satra cổ 1.000 năm tuổi chép trên lá buông; ngắm nhìn các tác phẩm điêu khắc do những nhà sư thực hiện; xem các mô hình tái hiện những phong tục truyền thống trong ma chay, cưới hỏi của người dân Khmer…

Tra Vinh quen ma la

Tra Vinh quen ma la

Du khách tham quan bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer

Thưởng thức ẩm thực truyền thống khi khám phá một vùng đất luôn là điều khiến du khách say mê. Chúng tôi được mách rằng, tới Trà Vinh, bánh canh Bến Có là món không nên bỏ qua. Quán nằm ở ấp Bến Có, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, cách TP.Trà Vinh khoảng 5km. Theo lời kể của chị Muối, chủ quán, món bánh canh này có từ thời cha mẹ chị mới lập nghiệp, năm 1990. Ban đầu đó chỉ là một gánh hàng rong nhỏ, sau đó lên sạp và trở thành quán như hiện nay. Cha mẹ chị Muối đã dùng chính cái tên mảnh đất mình lập nghiệp - Bến Có - để đặt tên cho quán và đồng thời là tên món ăn.

Tra Vinh quen ma la

Tra Vinh quen ma la

Bánh canh Bến Có

Có lẽ chỉ riêng ở Bến Có tôi mới được thử loại bánh canh lạ miệng đến thế. Hơn chục nguyên liệu khác nhau tụ hội trong một món ăn, mỗi loại mỗi vị song lại rất hài hòa. Nước dùng ngọt thanh, sợi bánh vừa đủ mềm, đủ dai, vừa bùi bùi và đậm đà, kết hợp với vị béo, vị ngọt của phèo, của tim, gan, cật, bao tử… heo, trong hương thơm ngạt ngào của hành ngò khiến bạn đã ăn rồi lại muốn được ăn thêm cho đã cơn thèm. Chị Muối tiết lộ bí quyết, nguyên liệu phải được chọn từ khuya, khi con heo vừa được mổ, mọi thứ vẫn tươi nguyên. Loại phèo tiết dịch vàng, sờ vào thấy mềm thì sẽ đắng; phải chọn loại màu vàng ngả sắc đỏ, không lỏng, bóp cứng, bột nhiều mới ngon. Gan chọn loại màu đỏ ngà, bột mềm mới đúng heo “tươi”.

Tạm biệt Trà Vinh, chúng tôi còn mãi luyến lưu với những bóng cây cổ thụ, với dáng mái chùa cong vút và dư vị ngọt ngào của món bánh canh...

AN HÀ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI