Trả tiền thuê em ruột chăm má

06/10/2020 - 05:00

PNO - Chị Hai và em trai bỏ tiền ra thuê tôi chăm má, coi như cứ có tiền bỏ ra là xong. Chứng kiến cảnh chị em trong nhà giờ xào xáo nhau về vụ này chắc má buồn lắm

Kính gửi chị Hạnh Dung, 
Gia đình tôi có ba chị em, chị Hai là con gái đầu, đến tôi và em trai Út. Ba má nuôi các con ăn học, lớn khôn nên người, ai cũng đều đã lập gia đình. Em trai và chị Hai tôi đều thành công trong kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp, có tài sản lớn. Vợ chồng tôi thì an phận đi dạy học.

Khi các con ra riêng, ba má tôi vẫn ở căn nhà cũ. Rồi ba mất, má sống một mình không chịu về ở với đứa nào. Nay tuổi má đã cao, cần có người chăm lo, ba chị em bàn nhau đóng góp nuôi má. Tiền thì thống nhất mỗi tháng góp một khoản nhưng thời gian về ở với má để chăm sóc má thì chị Hai và em trai không sắp xếp được.

Chị Hai nói thôi nhờ vợ chồng tôi giúp chăm má, hằng tháng chị Hai trả cho tôi một khoản tiền, coi như tôi làm giùm, chị Hai trả lương. Em trai tôi cũng nói vậy. 

Hồi đầu, tôi nghĩ cũng không có cách nào khác nên đồng ý. Coi như tôi cũng có thêm khoản thu nhập, bớt làm thêm những việc khác để tập trung thời gian lo cho má. Tôi thu xếp ở với má bốn ngày, về nhà một ngày, rồi lại chạy qua ở với má.

Tuy nhiên sau một thời gian, chồng tôi không đồng ý, nói tôi thu xếp đưa má về ở chung, chứ tôi về ở với má rồi bỏ con cái nhà cửa không ai chăm lo. Thêm nữa, lâu lâu chị Hai với em trai về thăm, không đồng ý chuyện sao cho má ăn uống vầy, sao để má bệnh, sút ký… nhiều khi nói năng như thể tôi là đứa làm thuê.

Tôi nghĩ bây giờ mình không làm thì tội má nhưng làm thì chị Hai và em trai bỏ tiền ra thuê tôi chăm má, coi như cứ có tiền bỏ ra là xong. Chứng kiến cảnh chị em trong nhà giờ xào xáo nhau về vụ này chắc má buồn lắm, tôi chưa biết tính cách nào cho êm thấm… 

Nguyên Xuân (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Nguyên Xuân thân mến, 
Chăm sóc cha mẹ già yếu là câu chuyện của mỗi gia đình. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không có công thức chung nhưng có một điều mà mọi thành viên gia đình đều phải thống nhất: mọi người đều phải có trách nhiệm.

Vì vậy, việc trước đây quyết định theo cách này, nay thay đổi cách khác cũng là chuyện bình thường, nên họp mặt các anh chị em để cùng thống nhất. Ý kiến của chồng chị cũng rất quan trọng về phía gia đình chị. Mình cũng phải thu xếp để giữ gìn, trông nom nhà cửa, quan tâm đến các thành viên trong gia đình của mình. Gia đình nhỏ có yên ổn, chị mới có thể chăm nom má lâu dài. 

Cho dù có bận rộn, chị và em trai của chị cũng không nên “khoán” hết toàn bộ việc chăm sóc má cho chị, rồi trả một khoản tiền coi như tiền công. Chị cũng không nên nhận hết công việc này bởi nếu không thực sự tận tay chăm sóc, khó mà hiểu được hết cái vất vả tỉ mỉ trong việc chăm lo cho cuộc sống của người cao tuổi, nhất là khi người già sống một mình, tách biệt khỏi cuộc sống gia đình, càng đơn độc, càng dễ sinh bệnh, không tốt cho tinh thần, sức khỏe.

Chị nên bàn với chị em trong nhà hướng thuyết phục má về ở với một người hay luân phiên ở với các con để các con có thể chăm lo cho má. Nào chỉ có những ngày má khỏe mạnh, ở nhà, còn có lúc ốm đau vô ra bệnh viện. Nếu không bàn kỹ trước mọi việc, đến lúc gặp chuyện lại lúng túng, người này trông vào người kia. 

Người ta thường nói nhìn vào cha mẹ già yếu để thấy hình ảnh tương lai của mình ở đó. Chị đừng nên biến việc chăm lo cho má thành việc chỉ có một mình chị làm, việc của riêng chị, mà nên chủ động để các anh chị em và các cháu cùng tham gia vào cuộc sống tuổi già của má. Có vậy, thế hệ sau mới chia sẻ được tình cảm và trách nhiệm với thế hệ trước.

Chuyện chăm má là chuyện dài ngày, cần thật nhiều bàn tay cùng chung sức. Chúc chị khéo léo thu xếp để má chị không buồn lòng, mà gia đình mỗi đứa con đều được gần gũi tuổi già của má. 

Hạnh Dung

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC:

Đan Thy (Q.1, TP.HCM): Đừng để nuối tiếc!
Chào chị, đọc thư chị chợt cảm thấy buồn. Viễn cảnh tuổi già của hầu hết chúng ta lại hiện lên mồn một. Cô đơn và bị hắt hủi, gần như sống lệ thuộc hoàn toàn vào con cái. Chuyện nhà chị cũng tương tự chuyện gia đình tôi. Điểm khác biệt là anh chị em chúng tôi còn xử lý tệ hơn nữa là hùn nhau và thuê người nuôi bệnh chứ không trực tiếp chăm mẹ.

Đến khi mẹ mất, lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy đau đớn đến thế. Có lẽ, điều tiếc nuối lớn nhất của tôi cho đến giờ phút này là đã không gần mẹ thật nhiều trong những ngày mẹ cần mình bên cạnh nhất. Cảm giác ấy thật đau. Vậy nên bằng cách nào đó, gia đình chị phải nghĩ ra giải pháp để sớm ổn thỏa mọi thứ.

Nếu chị và em của chị không đồng thuận trong chuyện chăm mẹ thì đó là việc của họ. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ chị cũng đừng nên so bì với chị, em trong nhà. Nên nghĩ rằng chăm mẹ là việc mình phải làm để những ngày sau này trong đời mình sẽ thanh thản vì đã làm hết sức. Nếu không, cảm giác day dứt sẽ đeo bám mình mãi không thôi.

Theo tôi, chị nên bàn với chồng. Nếu không quá lỉnh kỉnh, cả nhà chị có thể dọn về ở cùng nhà má chị để chị tiện chăm sóc má cũng như chồng con. Hãy tâm sự với anh nhẹ nhàng mà cương quyết. Còn về chị và em của chị, hãy cho họ biết rằng chị đã rất vất vả để chu toàn hai bên gia đình. 

An Hòa (Tiền Giang): Hãy chia đều thời gian cho tất cả mọi người

“Hãy chia đều thời gian cho tất cả mọi người” là câu nói tôi nghĩ ngay trong đầu khi đọc thư của bạn. Đó là việc cần làm nhất trong lúc này. Có thể điều này sẽ gây phản ứng gay gắt trong nhà nhưng bạn đừng cam chịu nữa. Cảm giác mình ít tiền hơn người khác thường biến mình yếu đi dù trong gia đình hay ngoài xã hội.

Tôi nghĩ bạn có thể chia thế này: mỗi nhà chăm mẹ một tháng, tùy họ sắp xếp. Như nhà tôi, mẹ tôi nằm một chỗ sáu năm nay. Đến lượt mình, vợ chồng tôi lại thay phiên nhau. Có đợt, tôi phải thuê người ngoài. Cực bội phần nhưng mọi việc vẫn suôn sẻ. Cái cảnh cha mẹ ở quê còn con cái lập nghiệp nơi khác không hiếm quanh mình. Nhiều nhà, con cái ở đô thị cứ ngóng mãi về cha mẹ ở quê, chẳng thể yên tâm khi cha mẹ già yếu lủi thủi một mình.

Dù sao ta vẫn may mắn khi được cận kề cha mẹ. Gia đình bạn còn có đến ba người con. Còn những trường hợp con một thì sao? Ta cũng phải cố thôi, đúng không bạn? Giờ là lúc họp bàn gia đình và thống nhất bạn nhé! 

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI