Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em lấy chồng 4 năm, mới sinh con được 1 năm. Khi hết nghỉ thai sản, em đi làm lại. Công ty sau dịch cắt giảm biên chế, khối lượng công việc tăng nhiều nhưng mọi người đều biết đây là thời điểm khó khăn chung nên đều cố gắng làm thêm ngoài giờ để hoàn thành công việc.
Em ở chung với đại gia đình chồng, tưởng cũng đỡ vì có ông bà giúp chăm cháu cho cả 2 vợ chồng đi làm. Nhưng khi em mở lời nhờ chăm cháu vài tháng, mẹ chồng em ra điều kiện: muốn gửi cháu thì phải trả mỗi tháng 4 triệu đồng, coi như tiền lương cho bà, còn tiền mua thức ăn, nấu cháo, mua sữa… thì phải trả thêm.
Em thấy cũng đúng nhưng hơi buồn vì năm trước đó chị dâu sinh, bà cũng chăm cả năm, đến khi con anh chị hơn 1 tuổi mới phải đưa tiền. Nay em thì ngay tháng đầu đi làm đã phải trả tiền. Em không nói gì, vẫn gửi tiền cho bà, chỉ có đồ ăn, sữa, cháo của con thì em chuẩn bị trước rồi để trong tủ lạnh, khi nào cháu ăn bà chỉ cần hâm lại.
Vậy nhưng mẹ chồng em vẫn không hài lòng. Nhiều bữa bà chê cháo nấu dở, thằng bé không ăn, sữa em mua không “cao cấp” như sữa chị dâu em mua cho con. Nhiều lúc bà mua cho cháu thêm thứ này thứ kia, cứ kể lể, em đưa lại tiền thì không lấy. Em ấm ức mà không biết nói sao.
Thà em thuê người giúp việc trông con, lúc đi làm về còn được nghỉ ngơi, ăn miếng cơm cho thong thả. Bà giữ cháu, chuyện gì cũng gọi điện thoại, em đi làm cứ phải trả lời thường xuyên, không thì bà chửi. Cứ đến chiều về, em vừa dắt xe vào nhà là bà giao cháu cho em liền, coi như xong việc.
Nhiều bữa mưa gió, em về trễ, ướt hết, bà không thông cảm còn khó chịu nói trổng: thấy trời mưa trời gió thì lo mà về với con, chứ đàn đúm gì cho tắc đường, ngập nước.
Em cứ nghĩ hay em thuê người khác, trả lương có cao hơn một chút mà được yên thân đi làm, chứ như hiện giờ, lương thì vẫn phải trả, mà như được ban ơn, em rất mệt mỏi. Xin chị cho em lời khuyên.
Ngân Châu (TPHCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Em Ngân Châu thân mến,
Chuyện em “trả lương” cho mẹ chồng giữ cháu có một khía cạnh khá thú vị: nó chứng tỏ mẹ chồng em không lạc hậu. Hơn nữa, bà còn khá tân tiến, biết quy đổi khối lượng việc nhà thành khối lượng tiền lương, thẳng thắn đặt vấn đề với con trai và con dâu để “lãnh lương” hằng tháng.
Mẹ chồng em không coi việc giữ cháu, giúp con cái rảnh tay đi làm là trách nhiệm, nghĩa vụ hay bổn phận của ông bà. Vậy em cứ mạnh dạn thử xem mình cũng hành xử theo cách đó, tức là thẳng thắn, mạnh dạn trao đổi lại với mẹ một số yêu cầu của mình.
Ví dụ, em thưa với mẹ: con đi làm về, quần áo cả ngày bẩn thỉu, con cần thời gian để tắm giặt, chuẩn bị thức ăn cho cháu, nên mẹ giữ cháu giùm con thêm 1 - 2 tiếng nữa. Đôi khi con em thấy mẹ đi làm về là đòi mẹ, em lại không nỡ không ôm con, nên bà coi việc giao con cho em là chuyện bình thường. Em cứ mềm mỏng nhưng thẳng thắn trình bày rõ ràng, thử xem mẹ có đồng ý.
Về chuyện đồ ăn em chuẩn bị cho con, sữa em mua cho con, em cứ nói mẹ đó là theo khả năng tài chính của em, không thể so sánh với chị hay ai khác.
Con em được bà trông giữ ở nhà, em đỡ được nhiều mối lo. Bây giờ thuê một người lạ về nhà giúp việc, trông con, giữa mẹ chồng em với người lạ đó chưa chắc đã hòa hợp được. Hơn nữa, em có thể phải trả nhiều hơn, đó là chưa tính nghĩa vụ đóng góp nuôi dưỡng ông bà.
Thôi thì, giai đoạn này sẽ qua nhanh, em chịu khó thêm vài tháng nữa, con cứng cáp hơn một chút là có thể đi học. Em cũng đừng nên lấn cấn, phân bì chuyện bà giữ con chị dâu bao lâu không tính tiền, mình đi làm là phải trả tiền giữ cháu ngay. Chuyện đó qua rồi, có nói lại cũng không giải quyết được gì.
Trong trường hợp bức bối quá, em nên tính phương án ra ở riêng. Khi có kế hoạch tốt cho tương lai, mình sẽ kiên nhẫn hơn với hiện tại. Chúc em cân bằng được cảm xúc và vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Hạnh Dung
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Ngọc Châu (Quận 10, TPHCM): Ba mẹ không có trách nhiệm giữ cháu
Sau một đời vất vả, ở tuổi xế chiều, đáng lẽ ba mẹ chúng ta phải được nghỉ ngơi, dành thời gian cho bản thân, đi chơi đây đó cùng hội bạn già. Nhưng vì thương con mà nhiều ba mẹ phải ôm đồm giữ cháu, hết giữ cho đứa này rồi giữ cho đứa khác.
Bạn đã làm mẹ, lẽ ra bạn phải biết rằng giữ một đứa trẻ, nhất là trẻ nhỏ, vô cùng vất vả. Mẹ chồng bạn đã lớn tuổi, thường mắc các bệnh về cơ xương khớp như đau lưng, mỏi gối, cả ngày phải chăm sóc cháu thì chắc bà rất mệt. Bởi thế, khi vừa thấy bạn về nhà, bà chỉ muốn giao con cho bạn liền.
Sau khi đi làm về, bạn nên chủ động giữ con để bà nghỉ ngơi thay vì muốn bà tiếp tục giữ cháu để bạn nghỉ ngơi, ăn cơm cho thong thả. Con là do bạn sinh ra, ba mẹ không có trách nhiệm giữ con cho bạn. Thay vì chỉ trích chi li từng chi tiết, bạn nên thông cảm và yêu thương mẹ chồng nhiều hơn.
Minh Chánh (Quận Bình Thạnh, TPHCM): Ông bà giữ cháu, mang lại nhiều lợi ích
4 triệu đồng bạn trả cho mẹ chồng không đáng là bao so với công sức bà đã bỏ ra để chăm sóc cháu. Trong khi đó, chi phí thuê người giúp việc thường gấp đôi con số này, mà chưa chắc người giúp việc sẽ chăm sóc con bạn chu đáo và tốt như bà chăm cháu.
Hơn nữa, trẻ nhỏ hay vòi vĩnh này kia, sẽ phát sinh một số khoản chi không nhỏ mà bản thân bà không còn dư dả để đáp ứng suốt năm dài tháng rộng như vậy nên mới nhận tiền từ bạn.
Do khoảng cách giữa các thế hệ, đa phần ông bà bị áp lực tâm lý trong vấn đề cho trẻ ăn, cách giáo dục cháu. Việc mẹ chồng bạn hay gọi điện hỏi ý kiến cho thấy bà rất tâm lý và tôn trọng bạn, không muốn áp đặt cách dạy cháu theo ý mình.
Hơn nữa, việc bà thường xuyên gọi điện hỏi ý kiến có thể là do đã rút kinh nghiệm từ việc giữ con cho chị dâu bạn. Có thể thời điểm đó đã xảy ra những bất đồng quan điểm trong cách chăm sóc nên nay có chuyện gì bà cũng hỏi ý kiến bạn. Bạn nên mừng vì điều này.
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn