Trả lại vành tai xinh

10/10/2022 - 06:43

PNO - Ngoài phẫu thuật tạo hình vành tai bằng sụn tự thân, trên thế giới và ngay tại Việt Nam còn có nhiều phương pháp hỗ trợ bệnh nhân bị dị tật vành tai.

 

Dị tật vành tai tuy không gây nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người bệnh, khiến bệnh nhân khó hòa nhập với cộng đồng. Do đó, phẫu thuật tạo hình vành tai có ý nghĩa vô cùng lớn lao, giúp bệnh nhân hết mặc cảm, có thể tự tin hơn trong giao tiếp. Tuy nhiên, tạo hình vành tai là một kỹ thuật khó, đòi hỏi nhiều yếu tố từ kinh nghiệm, tay nghề của bác sĩ lẫn trang bị y tế phù hợp. 

Giúp trẻ tự tin hòa nhập 

Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hữu Thịnh - quản lý và điều hành Khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết đơn vị mình đã tạo hình thành công vành tai bị khiếm khuyết, đem lại sự hài lòng cho không ít bệnh nhân, giúp người bệnh hòa nhập với cuộc sống bình thường.

Điển hình là trường hợp nữ sinh L.T.D. (sinh năm 2005, quê quán An Giang) được chẩn đoán bị khuyết tai bên phải do dị tật bẩm sinh. Bệnh nhân D. đã trải qua hai lần phẫu thuật. Lần phẫu thuật thứ nhất, các bác sĩ tạo hình khung sụn tai bằng sụn sườn tự thân của người bệnh, sau đó cấy ghép dưới da và tạo hình vành tai. Ở lần phẫu thuật thứ hai, bệnh nhân được tách vành tai, ghép da rời và vạt da tại chỗ. 

Trường hợp thứ hai là một bé trai sinh năm 2011, tên L.T.Đ., ngụ tại TPHCM. Đ. được chẩn đoán bị khuyết nhỏ vành tai phải. Ca này dự tính cũng sẽ phẫu thuật hai lần. Hiện nay, bệnh nhân đã trải qua lần phẫu thuật thứ nhất, được chỉnh sửa, tạo hình vành tai bằng sụn tự thân và vạt da cân tại chỗ. Dự kiến năm sau bé Đ. sẽ trải qua một lần phẫu thuật nữa để vành tai được tạo hình hoàn chỉnh.

Theo bác sĩ Thịnh, đối tượng được tạo hình thẩm mỹ vành tai gồm hai nhóm: dị tật bẩm sinh và khiếm khuyết do tai nạn. Trong đó, các bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình vành tai chủ yếu là nhóm dị tật bẩm sinh.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, kỹ thuật tạo hình vành tai đã được triển khai từ cách đây khoảng 10 năm. Bệnh nhân đến khám có nhu cầu được điều trị rất nhiều nhưng không phải trường hợp nào cũng có chỉ định phẫu thuật bởi chưa đúng thời điểm. Những trường hợp quá nhỏ tuổi sẽ không đủ sụn sườn để lấy. Hơn nữa, đây lại là ca mổ lớn, chăm sóc vết thương cho trẻ nhỏ khó, nguy cơ cao đối với sức khỏe.

Vì thế, các bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật tạo hình vành tai khi trẻ 13 - 14 tuổi. Ở độ tuổi đó, các bộ phận khác trên cơ thể vẫn còn phát triển nhưng vành tai gần như không to thêm nữa. Đây là thời điểm phù hợp để chỉnh sửa.

Kỹ thuật mổ khó, bác sĩ phải kỳ công như nghệ sĩ

Vị trí cấy ghép khung sụn tai bằng sụn sườn của một bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình vành tai tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - ẢNH: M.T.
Vị trí cấy ghép khung sụn tai bằng sụn sườn của một bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình vành tai tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Ảnh: M.T.

Dị tật vành tai được chia làm nhiều dạng: một bên tai nhỏ hơn bình thường, không có dái tai, hoàn toàn không có tai… Phẫu thuật tạo hình vành tai tốt nhất nên có sự phối hợp của chuyên khoa tai mũi họng và chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ, bởi bác sĩ không chỉ chỉnh sửa hình dáng bên ngoài của tai mà còn liên quan đến cả chức năng tai.

Khi phẫu thuật tạo hình vành tai, các bác sĩ thường ưu tiên dùng vật liệu tại chỗ. Nếu tai của bệnh nhi không bị mất quá nhiều sụn thì có thể sử dụng vạt da tại chỗ hoặc lấy một ít sụn của tai đối diện. Trung bình một ca phẫu thuật tạo hình vành tai sẽ tiến hành hai lần (hai thì). Lần thứ nhất, bác sĩ lấy sụn sườn để tạo khung sụn dựa trên tai lành đối diện rồi cấy lên gần phần da ở tai đang muốn chỉnh sửa. Sau 6 tháng theo dõi và chờ đợi cho sụn dính vào, bác sĩ sẽ tách ra, đưa ra loa bên ngoài. Ở lần đầu mổ để lấy sụn sườn, bệnh nhân được gây mê; lần thứ hai thì chỉ cần gây tê. 

Theo bác sĩ Thịnh, khó nhất khi phẫu thuật tạo hình vành tai là khâu tìm kiếm vật liệu phù hợp. Cấu tạo vành tai con người rất đặc biệt. Vùng da nơi đó chỗ dày, chỗ mỏng. Sụn ở vành tai cũng có độ gồ, góc độ nhô ra và có độ dẻo, đàn hồi. Thế nhưng sụn sườn lại là sụn cứng, dù thay thế cũng không thể có tính chất như sụn của vành tai thật. Việc tạo hình vành tai không chỉ tác động mỗi tai mà còn liên quan đến khung xương mặt của bệnh nhân.

Chăm sóc vết thương sau phẫu thuật tạo hình vành tai cũng rất phức tạp, phải tạo áp lực hút để ép sụn sát vào da thì vành tai mới có độ sắc nét. Bác sĩ có thể đẽo mỏng sụn nhưng không thể đẽo mỏng da để vùng da vành tai có chỗ dày, chỗ mỏng như tự nhiên. Nếu đẽo mỏng da sẽ gây thiếu máu nuôi. Trong trường hợp da vùng vành tai bị thiếu, bác sĩ sẽ phải kéo da từ xung quanh tới. Khi đó cần phải triệt lông, bởi da ở vành tai không có lông.

Phẫu thuật tạo hình vành tai cũng như tất cả phẫu thuật khác đều có rủi ro. Rủi ro điển hình có thể gặp là sụn sườn sau khi cấy không đủ máu nuôi nên teo đi.

Ngoài phẫu thuật tạo hình vành tai bằng sụn tự thân, trên thế giới và ngay tại Việt Nam còn có nhiều phương pháp hỗ trợ bệnh nhân bị dị tật vành tai. Chẳng hạn, đối với trẻ chưa tới tuổi chỉ định mổ, nhiều nơi trên thế giới đã sản xuất những chiếc tai giả bằng silicon để gài lên lỗ tai bị khiếm khuyết. Dù tai giả không thể y như thật nhưng cũng giúp trẻ đỡ mặc cảm, không bị bạn bè hiếu kỳ trêu chọc.

Tuy nhiên, tai giả có một số bất tiện khi đeo vào tháo ra, vật liệu bị hư hỏng gây tốn kém và trông không thể tự nhiên như được phẫu thuật tạo hình bằng sụn tự thân. Được biết, chi phí một ca phẫu thuật tạo hình vành tai bằng sụn tự thân khoảng 20 triệu đồng. 

Ngày 29/9, trong hội nghị Khoa học kỹ thuật năm 2022 nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, đơn vị này đã công bố một nghiên cứu liên quan đến phẫu thuật tạo hình vành tai bằng sụn sườn tự thân trong dị tật tai nhỏ.

Cụ thể, nghiên cứu được tiến hành trên 259 bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình vành tai bằng sụn sườn tự thân tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM từ tháng 12/2009 - 6/2022. Đối tượng được nghiên cứu là những bệnh nhân bị dị tật tai nhỏ một hoặc hai bên ở độ tuổi từ 8-45. Tất cả bệnh nhân này đều rất mặc cảm với bệnh lý của mình và mong muốn được phẫu thuật. 

Đây là một trong những phẫu thuật khó, thời gian phẫu thuật dài. Thời gian phẫu thuật thì 1 và thì 2 trung bình là 3 giờ 55 phút và 2 giờ 35 phút, phải thực hiện nhiều giai đoạn. Phẫu thuật tạo hình ở bệnh nhân nhỏ tuổi (8 - 14 tuổi) thường dễ hơn với người lớn vì ở bệnh nhi, thành ngực mỏng, sụn sườn mềm, dễ bóc tách và dễ gọt tạo hình khung sụn. Bởi thế, thời gian phẫu thuật đối với trẻ em chỉ dưới 4 tiếng đồng hồ.

Ngược lại, với những bệnh nhân lớn tuổi, mập mạp, thành ngực dày, sụn sườn cứng nên việc khâu bóc tách, đẽo gọt khung sụn rất khó. Thời gian phẫu thuật của nhóm bệnh nhân lớn tuổi cũng vì thế mà kéo dài hơn, trung bình trên 4 tiếng đồng hồ. 

Các bệnh nhân đau sau mổ tại vùng lấy sụn sườn rất nhiều và kéo dài khoảng bốn ngày. Các biến chứng thường gặp của ca mổ là hoại tử đầu xa vạt da (6,2%) do nhiễm trùng vết mổ hoặc do thao tác phẫu thuật. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật tạo hình vành tai nhỏ là 61,1%. Thống kê trên 259 bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình vành tai nhỏ cho thấy 141 bệnh nhân hài lòng với kết quả, 86 bệnh nhân cho biết kết quả chấp nhận được và 4 trường hợp không hài lòng. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI