“Trả lại” vàng son cho tết trung thu

29/09/2023 - 12:17

PNO - Đến nay, nhà nghiên cứu Trịnh Bách, cùng sự song hành của nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình đã phục dựng thành công các loại cổ đăng: con thỏ, con cua sống (màu xanh), con cua luộc (màu vàng), cá chép hóa rồng.

 

Tấm hình trong bảo tàng Pháp ghi lại cảnh trẻ em chơi đèn con cua - Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp
Tấm hình trong bảo tàng Pháp ghi lại cảnh trẻ em chơi đèn con cua - Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp

Vì đau đáu với văn hóa Việt, nghệ sĩ ghi ta Trịnh Bách đã rời xứ cờ hoa trở về Việt Nam, thành nhà nghiên cứu Trịnh Bách. Về nước tròm trèm 3 thập niên, ông đã thành công trong việc phục dựng trang phục cung đình Huế cùng những món đồ của vương triều Nhà Nguyễn. 16 năm nay, ông lại miệt mài để những chiếc đèn lồng vốn chỉ còn hình ảnh trong các bảo tàng trời Âu được trở về, hiện hữu trong đời sống của người Việt.

Từ chiếc đèn lồng con thỏ của tuổi thơ

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nhớ những ngày ông còn bé, trước tết Trung thu mấy hôm, mẹ ông đã lo mua sắm các thứ cần thiết cho mâm cỗ tháng Tám. Tết Trung thu phải có đầy đủ mâm cỗ trông trăng, các món ẩm thực, bánh trái truyền thống, đặc biệt là đèn lồng và các loại con giống bột. Có lẽ bởi sinh ra trong một gia đình dòng dõi (cụ ngoại ông là Tổng đốc Hà Nội), tuổi thơ lại trải ở cả 2 miền Nam, Bắc nên ký ức tết Trung thu trong ông cũng phong phú, lung linh hơn.

Đèn cá chép hóa rồng được nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Trọng Bình phục dựng từ hình ảnh đèn cá chép trong bảo tàng nước ngoài - Ảnh do nhân vật cung cấp
Đèn cá chép hóa rồng được nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Trọng Bình phục dựng từ hình ảnh đèn cá chép trong bảo tàng nước ngoài - Ảnh do nhân vật cung cấp

Trung thu ở Sài Gòn, ông nhớ nhất những lần được cha đưa đến làng Phú Bình (nay thuộc quận 11, TPHCM) mua các loại đèn trung thu cao cấp. Đặc biệt, năm nào cậu bé Bách cũng chọn 1 chiếc đèn con thỏ - đến độ cậu nhớ chính xác từng chi tiết của nó. Năm 2007, ông Bách trở lại Phú Bình để tìm lại đèn con thỏ năm xưa nhưng không thấy.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nổi tiếng nghiêm túc, cẩn trọng, tôn trọng nguyên bản. Những năm phục dựng trang phục cung đình Huế, ông đã đi không biết bao nhiêu chuyến đến các bảo tàng, các nơi sưu tập tư nhân ở Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ để chụp ảnh hiện vật thật; gặp các gia đình dòng dõi vua chúa, những người từng làm việc trong cung… Không có chuyên môn, cũng không được học hành bài bản song ông Bách nghiên cứu, làm việc cẩn trọng như bất kỳ chuyên gia đầu ngành nào.

Ngay với việc tái hiện đồ chơi trung thu truyền thống cho con trẻ, ông cũng mang trọn vẹn tinh thần nghiêm túc hệt như phục dựng trang phục cung đình. Những ảnh chụp đèn lồng cá chép, trẻ con chơi đèn lồng con cua… trong các bảo tàng của Pháp cùng ký ức tuổi thơ của chính mình càng thôi thúc ông trả lại trọn vẹn giá trị tết Trung thu cho con trẻ thời hiện đại. Ông lục tìm tư liệu, trở lại Phú Bình tìm kiếm các gia đình làm đèn lồng, bày cho họ nhưng hầu hết đều ngại, không muốn làm hàng kỹ, chỉ muốn làm hàng chợ cho nhanh. Vài người đồng ý làm nhưng vẫn giữ thói quen qua loa nên lông thỏ họ dán vừa không có thẩm mỹ, vừa không đúng như những chiếc đèn của chính Phú Bình năm xưa. 

“Đây mới đúng là đèn con thỏ”

Phải đến 10 năm sau (cuối năm 2016), tình cờ nhà nghiên cứu Trịnh Bách gặp những chiếc đèn nhìn có hồn hơn hẳn đèn của cả dãy. Ông đã gặp được một gia đình còn giữ được phần lớn phong cách đèn lồng cũ của Sài Gòn - gia đình cụ Nguyễn Trọng Văn (nay đã mất). Không ngờ, gia đình cụ Văn đã có truyền thống làm đèn trung thu nhiều đời ở làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).

Đèn trung thu của làng Báo Đáp nổi tiếng đến độ nhiều bảo tàng ở Pháp hiện vẫn còn giữ nhiều chiếc đèn rất tinh xảo làm từ những thập niên đầu thế kỷ XX do người Báo Đáp làm. Năm 1954, gia đình cụ Văn vào Nam, định cư ở khu Phú Bình. Thế là không ít mẫu đèn lồng theo phong cách Báo Đáp được phục hồi.

Năm đó, cụ Văn đã yếu, phải ngồi xe lăn, ông Bách chủ yếu trao đổi, làm việc với con trai cụ - nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình. Ông Bách kể: “Anh Bình khéo tay, có những kỹ thuật và mẹo uốn tre thành những khung hình vừa phức tạp, vừa giản dị và rất tự nhiên”. Mọi phác họa khung lồng đèn ông Bách đưa ra, nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình đều làm được, có lẽ đó là cái “gen nghề” của người Báo Đáp.

Chất liệu làm nên loại cổ đăng cao cấp chắc chắn không phải giấy hay giấy bóng kính màu thường thấy mà phải căng bằng vải và bằng một loại giấy đặc biệt - vẽ màu nước lên như thế nào cũng không bị mủn. Ông Bách nhớ: “Thông thường, cụ Văn không để ý đến mọi việc xung quanh nhưng riêng việc tôi và anh Bình làm đèn thì cụ tham gia rất kỹ.

Hôm chúng tôi bàn chất liệu dán đèn, cụ Văn nói lớn: “Giấy nhiễu, phải là giấy nhiễu mới chịu được nước”. Rồi cụ sai anh Bình ra chợ Kim Biên hỏi. Nhưng mấy chục năm rồi, không ai nhắc đến giấy nhiễu nên không có. Người bán hàng hẹn sau tết hỏi giúp, vì bản thân họ cũng không biết loại giấy đó ra sao, giờ có còn ai sản xuất”.

May mắn, sau tết, nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình đã mang được về cho cụ Văn giấy nhiễu (loại giấy trộn cùng vụn tơ hoặc sợi vải để chịu nước).

“Căng lên khung đèn, vẽ lên giấy nhiễu xong còn phải quét 1 lớp dầu trẩu để chống thấm nước, 1 lớp dầu bạch tùng để có độ trong. Ngày nghệ nhân già gần đất xa trời ôm chiếc đèn lồng con thỏ ngồi trên xe lăn, cụ cứ thì thầm “Đây mới đúng là đèn con thỏ” - ông Bách nói.

Cổ đăng giữa thời hiện đại

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách bên những chiếc đèn kangaroo - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách bên những chiếc đèn kangaroo - Ảnh do nhân vật cung cấp

Sự thành công của đèn con thỏ dường như đã đánh thức lòng tự hào “người làng Báo Đáp” trong gia đình nghệ nhân Trọng Bình. Những năm sau, ông Bình tiếp tục cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách đưa những chiếc đèn con cua - hình ảnh trong các bảo tàng trời Tây - hiện hữu tại chính nơi nó đã từng làm nên không khí Trung thu. Với chiếc đèn hình con cua xanh, chỉ tính từ khi làm khung đến khi vẽ lên thành phẩm đã mất 3 ngày. Chỉ sai 1 chi tiết là phải làm lại từ đầu. Nhưng, sự cầu tiến, yêu nghề, lòng tự hào mang tên Báo Đáp đã giúp ông Bình nhẫn nại sửa các lỗi kỹ thuật, thậm chí vượt qua những yêu cầu khó khăn, khắt khe ông Bách đặt ra.

Đến nay, nhà nghiên cứu Trịnh Bách, cùng sự song hành của nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình đã phục dựng thành công các loại cổ đăng: con thỏ, con cua sống (màu xanh), con cua luộc (màu vàng), cá chép hóa rồng. Làng đèn lồng Phú Bình cũng đã có nhiều nhà học theo, sản xuất các mẫu đèn xưa cũ. Thời gian đầu, với riêng những mẫu cổ đăng làm từ vải nhiễu, nhà nghiên cứu Trịnh Bách phải mang ra Hà Nội để vẽ. Khoảng 1 năm nay, ông đã dần dần hướng dẫn anh em nghệ nhân Trọng Bình công đoạn này để họ có thể hoàn toàn làm chủ việc sản xuất.

Năm nay, ngoài cổ đăng, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cùng nghệ nhân Trọng Bình còn làm đèn cá sấu, đèn kangaroo, đèn đà điểu, đèn hoa và trái lựu, đèn hoa và trái đào… theo đặt hàng của khách, mở ra hướng đi mới cho nghề làm đèn lồng, cho người Báo Đáp xưa cũng như Phú Bình nay.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nói, trong phục dựng bất kỳ sản phẩm nào, chỉ những người thợ, những nghệ nhân của làng nghề góp phần làm nên sản phẩm ấy mới phục dựng tốt được. Chỉ có họ mới đủ cả tay nghề lẫn cái tâm với nghề để dạy cho các thế hệ sau. Điều đó khiến ông được an ủi và thêm hy vọng.

16 năm miệt mài, nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã phục dựng đồ chơi trung thu cho trẻ em, từ mâm cỗ trung thu, con giống bột đến các loại đèn lồng. Bởi đã đi khắp 5 châu 4 bể, ông thấy nhiều quốc gia cũng có tết Trung thu nhưng chỉ mang ý nghĩa đoàn viên, riêng Việt Nam là nơi duy nhất trên thế giới lấy Trung thu làm tết cho trẻ em. Vậy nên ông muốn thế hệ măng non hôm nay được nhận đúng những giá trị dành riêng - như bao thế hệ con trẻ trước đây đã từng nhận được.

Ông chia sẻ: “Là người Việt, tôi thấy mình có trách nhiệm bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tôi không mong gì hơn là trong khả năng của mình, khôi phục được những gì đẹp đẽ nhất của đất nước để không chỉ người nước ngoài mà chính người Việt biết đến, hiểu được giá trị và đẳng cấp của văn hóa Việt Nam. Tôi không cho phép sự ẩu tả, tùy tiện khiến mọi người, nhất là bạn bè quốc tế hiểu không đúng về non nước mình. Như thế là có tội với cha ông”. 

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI