Trả lại tuổi thơ cho con trẻ: hi vọng mong manh!

01/11/2018 - 13:00

PNO - Nghe chị nói đang tìm giáo viên đến nhà dạy cho đứa con đầu lòng, đang học mầm non 5 tuổi, học chữ vào buổi tối, tôi ngăn cản chị quyết liệt. Nhưng bất thành.

Chị khệ nệ cái bầu bảy tháng, thận trọng tìm chỗ ngồi đợi đến giờ tan học của con. Đều là những bà mẹ "bỉm sữa", chúng tôi nhanh chóng quen nhau. Chị nói đang tìm giáo viên đến nhà dạy cho đứa con đầu lòng, 5 tuổi, đang học mầm non, học chữ vào buổi tối.

Nghe chuyện một đứa trẻ lên 5 đã bắt đầu đi vào guồng quay học hành do chính người lớn đặt ra, tôi cản chị quyết liệt: “Cháu còn nhỏ quá, đi học cả ngày còn chưa đủ sao mà chị còn nhồi thêm ở nhà?”.

Nhưng chị bình tĩnh: “Mình biết là không nên cướp đi tuổi thơ của con. Có rất nhiều người cũng nghĩ như mình để rồi phải hối hận vì con đến lớp không theo kịp bạn bè”.

Tra lai tuoi tho cho con tre: hi vong mong manh!
Chuyện học hành nhồi nhét đang lấy mất tuổi thơ của trẻ con. Ảnh minh họa

Để chứng minh mình đang làm điều mà bản thân không hề muốn, chị nói thêm: “Đó cũng không phải là ý của mình. Ngày nào đến đón con, các cô giáo đều nhắc như vậy. Các cô nói ở trường chỉ dạy các cháu đọc chữ, không có thời gian để các cháu tập viết nên gia đình phải rèn thêm ở nhà. Nếu không, khi vào lớp Một, trẻ không theo kịp các bạn”.

Tôi nhớ mới tháng 9 đây thôi, nhiều học sinh từ Mầm non chuyển lên tiểu học đã phải bật khóc vì những đòi hỏi quá đáng của cô giáo dành cho học sinh lớp Một. Điều này cũng khiến nhiều phụ huynh khóc ròng. Sau giờ cơm tối, lẽ ra trẻ được thư giãn, trò chuyện với bố mẹ... thì lại nhanh chóng vào giờ học. Nhiều phụ huynh dù ý thức được rằng không nên gây áp lực cho con ở độ tuổi bắt đầu đến trường nhưng cũng không vượt qua sức ép từ phía giáo viên và nhà trường. Và thực tế là đến giờ ra chơi mà các con còn phải ở lại lớp để gò chữ, làm toán.

Chẳng những phụ huynh thông thường mà ngay cả một nhà quản lý giáo dục, là hiệu trưởng tại một trường tiểu học trong thành phố cũng nói rằng việc cho trẻ học chữ sớm như vậy là sai, vì quy định của ngành thì vào lớp Một mới bắt đầu tập viết những nét cơ bản đầu tiên. Tuy nhiên, cô cũng cho biết thêm, quy định là như vậy, nhưng thực tế thì các con phải học trước. Bản thân cô cũng cho con học chữ trước khi con bước vào lớp Một, để không bị “lệch trình độ” với bạn bè.

Bạn tôi, một giáo viên dạy lớp Hai, cũng bảo: chẳng thể làm khác được khi giáo viên đang phải chạy theo các chỉ tiêu tiên tiến, trong đó thước đo là điểm số học trò. 45- 50 học sinh mà sau 45 phút tất cả đều phải viết được chữ cái các em chưa từng viết là một nhiệm vụ bất khả thi. Để đảm bảo “chất lượng” dạy học, giáo viên phải “đẩy” bớt trách nhiệm “dạy chữ” về phía gia đình.

Vậy thì, vẫn là câu chuyện bất nhất và mâu thuẫn giữa quy định của Bộ GD-ĐT và thực tế dạy học ở các trường. Bộ cứ đưa ra quy định và đến hẹn lại lên, Bộ thực hiện những cuộc kiểm tra, tổng kết. Phần lớn kết luận từ những đợt thanh tra, đánh giá đó không bắt nguồn từ thực tế trường học mà dựa trên những báo cáo hình thức.

Trước sự kêu gào của xã hội, Bộ GD-ĐT đang nỗ lực để giảm tải chương trình hòng trả lại tuổi thơ cho con trẻ. Nhưng với mỗi lần thay sách thì chương trình vốn đã nặng càng thêm nặng như hiện nay, hi vọng trẻ con được trả lại tuổi thơ trở nên mong manh!

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI