Trả lại tên đường Lê Văn Duyệt, hay trả lại vẻ đẹp nội sinh của TP.HCM

16/09/2020 - 07:02

PNO - Từ nay, thành phố có thêm một câu chuyện văn hóa. Lịch sử 322 năm thành lập Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM (1698 -2020) được nhắc nhớ thêm một lần nữa.

Dù ngày 16/9 mới diễn ra lễ giỗ lần thứ 188 Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (1832 - 2020) đồng thời cũng công bố quyết định đổi tên đường chính thức, nhưng từ ngày 14/9, những ai đi qua đoạn đường Đinh Tiên Hoàng (từ cầu Bông phía đường Trường Sa đến đường Phan Đăng Lưu, thuộc P.1 và 3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), đều thấy tên đường được thay bằng Lê Văn Duyệt - tên trước kia của đoạn đường này.

Đây cũng chính là đoạn đường có lăng mộ của Đức Tả quân, dân gian thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu.
Khởi đi từ đề xuất của ban quý tế lăng Ông Bà Chiểu hồi năm ngoái, câu chuyện đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt (hay nói chính xác là trả lại) thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân thành phố.

Ngã 3 Lê Văn Duyệt - Phan Đăng Lưu nhìn về phía Dinh Tỉnh trưởng Gia Định cũ, nay là trụ sở UBND quận Bình Thạnh - Ảnh: Lê Minh Hạ
Ngã 3 Lê Văn Duyệt - Phan Đăng Lưu nhìn về phía Dinh Tỉnh trưởng Gia Định cũ, nay là trụ sở UBND quận Bình Thạnh - Ảnh: Lê Minh Hạ

Không chỉ là câu chuyện riêng của khu vực văn hóa đó, việc đổi tên lần này được xem như mốc mở đầu trong việc đánh giá lại triều Nguyễn. Cũng là một bước để những nghiên cứu về triều đại này (đã có nhiều thay đổi, bước tiến về mặt khoa học lịch sử trong thời gian qua) có cơ hội đưa ra chính thức với cộng đồng, không bó hẹp trong giới chuyên môn nữa.

Và thế là, từ nay, thành phố có thêm một câu chuyện văn hóa. Lịch sử 322 năm thành lập Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM (1698 -2020) được nhắc nhớ thêm một lần nữa. Khi thành Gia Định bị san bằng vào năm 1859, dấu ấn về vùng đất “đầu não” một thời cũng theo cuộc bể dâu biến thiên của thời cuộc mà rơi vào tăm tích. Thời gian, chiến tranh, và quên - nhớ của người đời, tất cả… góp phần “hóa vàng” một phần lịch sử 322 năm kia. 

Nhưng Gia Định xưa vẫn còn chút này. Ngoài Lăng Ông, còn có chợ Bà Chiểu - một trong những ngôi chợ lâu đời của đất Sài Gòn - vẫn còn đó cùng tuế nguyệt. Dinh Tỉnh trưởng tỉnh Gia Định, chính là trụ sở UBND quận Bình Thạnh ngày nay. Rạp Cao Đồng Hưng - rạp lớn nhất Gia Định trước năm 1975, nơi diễn ra các tuồng cải lương của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga… cũng là sân khấu cuối cùng mà cố nghệ sĩ Thanh Nga biểu diễn trước khi bị ám sát; nay là nhà sách Fahasa nằm trên đường Bạch Đằng gần đó.

Đi vào chợ Bà Chiểu, vẫn nhác thấy rạp Huỳnh Long xưa. Cách chợ Bà Chiểu vài trăm mét có trường đại học Mỹ thuật TP.HCM - thành lập từ năm 1913, là một trong những ngôi trường cổ nhất đất Sài Gòn - Gia Định… Dù còn giữ hoặc đã thay đổi công năng sử dụng, thì những dấu tích và sự hiện tồn của chúng như muốn nhắc ta rằng, dù muốn hay không, đó cũng là một phần rất hữu cơ và “máu thịt” với thành phố này.

Kể ra như vậy, để thấy có một hệ sinh thái di sản bao quanh tên đường Lê Văn Duyệt. Trả lại tên gọi cũ của nó, cũng đồng thời với việc trả nó về không gian cảnh quan, lịch sử, văn hóa sum vầy vốn có của nó. Với di sản, còn điều gì tốt hơn nữa? Đó cũng là điều mà TP.HCM đang thiếu, khi quá trình phân lô bán nền diễn ra mạnh mẽ, “cắt xẻ” nhiều không gian di sản, “bứng” di sản ra khỏi lãnh địa của nó. 

Việc trả lại tên đường Lê Văn Duyệt là một tin vui trong năm chủ đề đẩy mạnh hoạt động văn hóa và văn minh đô thị từ phía chính quyền TP.HCM. Sự trở lại của một tên đường cùng với không gian sinh thái của di sản, cũng là sự trở lại với một vẻ đẹp nội sinh của thành phố này. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI