Trả lại chức năng cho vỉa hè

21/02/2017 - 06:00

PNO - Dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng việc lắp barie trên vỉa hè ở một số tuyến đường TP.HCM cho thấy quyết tâm lập lại trật tự đô thị của các cơ quan chức năng.

Tại một số đoạn dọc vỉa hè khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7), đơn vị chức năng đã tiến hành lắp các thanh chắn theo kiểu so le. Theo người dân địa phương, việc lắp đặt rào chắn như trên có thể ngăn được xe máy chạy lên vỉa hè nhưng sẽ gây bất tiện trong việc di chuyển của người dân và gây mất mỹ quan đô thị.

Anh Nguyễn Thanh Tùng (42 tuổi, ngụ P.Tân Phong, Q.7) cho hay: “Tôi thấy việc lắp rào chắn ở một số nơi trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng vẫn chưa đảm bảo. Như đoạn đường trước khu căn hộ Sky Garden 2 người ta có làm một hàng rào chắn với tám thanh cây hình trụ cắm so le nhau. Việc làm rào chắn như vậy khiến người đi bộ gặp khó khăn và nhìn rất phản cảm”.

“Thay vì lắp so le như hiện nay, Sở GTVT nghiên cứu điều chỉnh tạo khoảng hở chừng 1m sát bên trong tường cho người đi xe lăn, người khiếm thị, nếu phù hợp chúng ta sẽ chuyển phần đường chỉ dẫn cho người khiếm thị vào bên trong”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đã chỉ đạo tại buổi làm việc ngày 17/2 với Sở GTVT TP.HCM cùng các sở, ban ngành, quận huyện triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2017 về tình hình an toàn giao thông.

 Chưa bao giờ, chuyện cái barie lại thu hút sự quan tâm của dư luận như thế...

Tra lai chuc nang cho via he
Nhiều người vẫn cố tình điều khiển xe vượt qua barie ở quận 1- Ảnh: Sơn Vinh

Gần đây, trên vỉa hè đường Pasteur, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) xuất hiện các thanh barie để ngăn người dân chạy xe máy lên vỉa hè. Việc thí điểm lắp barie do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM thực hiện.

Cụ thể, hai-ba thanh inox đường kính 8cm được lắp so le suốt chiều rộng vỉa hè, ngăn xe máy vượt qua. Trên thanh barie còn gắn phản quang để người đi bộ dễ nhận biết khi đi lại vào ban đêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước thời điểm lắp barie thí điểm ở Q.1, một số nơi khác trong TP.HCM cũng đã có “chướng ngại vật” để ngăn cản việc chạy xe trên vỉa hè. Tại bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đường Trường Sa - Hoàng Sa, Q.Bình Thạnh), rất nhiều barie lắp chắn ngang các lối ra vào. Những thanh này nằm song song với mép đường. Mỗi lối ra vào được đặt hai thanh sắt song song, cách nhau khoảng 0,5m.

Tra lai chuc nang cho via he
Một barie trên đường Lý Tự Trọng được chắp vá bằng thanh gỗ

Đường Hoàng Minh Giám (Q.Gò Vấp), các thanh barie được lắp kéo dài, nằm song song gần suốt tuyến, bao bọc gần như toàn bộ rìa vỉa hè công viên Gia Định. Các barie bằng sắt, hình trụ tròn, được sơn hai màu đỏ và trắng, cao khoảng 20cm. Nhiều đoạn, người bán hàng tận dụng làm nơi để đồ đạc, chỗ ngồi…

Tương tự, tại trước lối vào công viên Lê Văn Tám (Q.1), ngoài đặt bảng kêu gọi người dân gửi xe đi bộ thì ở đây cũng lắp barie để xe không chạy vào. Vỉa hè đường Võ Văn Kiệt (Q.5) được gắn dải phân cách cao khoảng 1,3m, kéo dài từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đến đường Huỳnh Mẫn Đạt.

Mới đây, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành lắp đặt một hàng rào chắn kiên cố dọc vỉa hè đường An Dương Vương (dọc công viên Phú Lâm, Q.6) để ngăn chặn việc bán hàng rong và điều khiển phương tiện lên vỉa hè.

Theo người dân địa phương, từ khi có hàng rào kiên cố, nhiều người bán hàng rong không thể bán hàng trên vỉa hè nữa, thay vào đó họ bán tràn luôn xuống dưới lòng đường. Ngoài ra, tuy có barie chắn hai đầu, nhưng nhiều người vẫn cố tình điều khiển phương tiện, thậm chí là dựng xe ngay trên vỉa hè đã có rào chắn.

Tra lai chuc nang cho via he
Rào chắn gây mất mỹ quan trên vỉa hè Phú Mỹ Hưng

Theo ông Khoa, ý tưởng gắn các barie trên vỉa hè tại một số tuyến đường ở Q.1 là tốt, nhưng điều này gây nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có gây khó khăn cho người đi bộ nên cần xem xét lại cách làm để đừng ảnh hưởng đến người đi bộ, nhất là người khuyết tật, người khiếm thị.

“Chúng ta cầu thị, mục đích gắn barie nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hình thành dần văn minh trong giao thông, gắn barie là vì cái chung, mục đích tốt, nếu có sự không phù hợp thì điều chỉnh, còn hơn là không làm gì cả”, ông Khoa nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Hội trưởng Hội người mù Trường chuyên biệt Nguyễn Ðình Chiểu: Mất an toàn cho người khiếm thị

Giáo trình học hiện nay chưa cập nhật những chướng ngại vật mới (barie) nên khó tránh mất an toàn cho người khiếm thị. Việc TP xem xét điều chỉnh barie trên vỉa hè theo hướng tạo khoảng hở hoặc nâng cao lên ngang thắt lưng là ý tốt nhằm hỗ trợ người khuyết tật, khiếm thị, tuy nhiên vấn đề cốt lõi là phải nâng cao ý thức người dân, phải tăng cường xử phạt, thậm chí nâng mức phạt lên gấp mấy lần đối với người vi phạm “leo lề”, phạt nghiêm thì họ sẽ sợ và không tái phạm. TP.HCM có biết bao nhiêu cái vỉa hè, nếu gắn hết barie sẽ lãng phí và tốn kém, chưa kể lâu dài nảy sinh tình trạng mất cắp.

Bà Lưu Thị Ánh Loan - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD: Thay vì gắn barie, nên xử phạt thật nghiêm người vi phạm

Đa số anh em khuyết tật đi xe lăn, khiếm thị… cho rằng, nếu chừa khoảng hở 1m cho xe lăn qua lại thì khi ùn ứ xảy ra, xe máy vẫn chạy vào được; người đi xe lăn, người khiếm thị và người đi bộ vẫn thiếu an toàn, như vậy rõ ràng chưa đảm bảo mục tiêu ban đầu của việc lắp barie. Thực tế nếu đi một mình, người di chuyển bằng xe lăn cũng vất vả để bẻ lái qua đoạn hở 1m này, chưa kể người khiếm thị không biết đoạn nào có khoảng hở để đi. 

Chúng tôi cho rằng, hãy tăng cường xử phạt thật nghiêm những người vi phạm leo lề thay vì lắp barie, vừa tốn kém lại không mỹ quan, gây cảm giác mất thân thiện. Tương tự như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm, ban đầu thì còn manh mún nhưng khi có chế tài, xử phạt rốt ráo thì người đi đường phải tuân thủ. Nếu không đủ lực lượng giám sát, chính quyền có thể dùng camera hỗ trợ, bên cạnh đó phải giải quyết tình trạng kẹt xe, bởi chỉ khi kẹt xe người đi xe máy mới leo lên vỉa hè, đường thông thoáng thì không ai leo vỉa hè cả.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu 
- Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM:

Bản chất là thực thi pháp luật chưa nghiêm

Nhìn nhận ở góc độ pháp luật, bản chất của vấn đề là các cơ quan công quyền thực thi pháp luật chưa nghiêm. Bởi Luật giao thông đường bộ đã quy định rõ, lòng đường dành cho phương tiện lưu thông, còn vỉa hè dành cho người đi bộ và phải thông thoáng, những gì cản trở phải được tháo gỡ. Nghị định 46 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định mức chế tài từ 300-400.000đ đối với các trường hợp điều khiển mô tô, xe máy đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc đi trên hè phố (vỉa hè) và Nghị định này cũng nêu rõ nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt gồm: chủ tịch UBND các cấp, CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, trưởng công an phường, xã…

Rõ ràng luật đã có và quy định rất rõ, không lý do gì cơ quan thực thi không thực hiện được, mà lại tạo ra rào cản cho người đi bộ, ảnh hưởng đến việc đi lại của người khuyết tật, người khiếm thị và những người có con nhỏ phải dùng xe đẩy... Chưa kể, việc lắp barie không đồng bộ, nơi làm nơi không cũng không phát huy hiệu quả mà gây tốn kém, lãng phí.

Kiến trúc sư Trương Song Trương - ÐH Kiến trúc TP.HCM:

Barie thiết lập dần trật tự giao thông

Hiện nay, vỉa hè đang bị các phương tiện cơ giới chiếm dụng, nhất là những lúc kẹt xe dưới lòng đường. Nhưng không phải vì kẹt xe mà để cho tình trạng này tiếp diễn. Khi TP đang nỗ lực phát triển giao thông công cộng (metro, buýt) thì vỉa hè càng phải được trả lại đúng chức năng, dành cho người đi bộ. Vì nếu đi bộ không thuận tiện thì người ta cũng đâu muốn đi giao thông công cộng làm gì.

Vì vậy, hiện nay việc lắp các barie để cản trở các phương tiện cơ giới là phù hợp với bối cảnh hiện tại, đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên, về lâu dài thì phải kết hợp nhiều giải pháp và có những hình thức barie phù hợp hơn. Và khi mọi thứ đạt được trật tự cần thiết thì có thể gỡ bỏ barie, trả lại sự xuyên suốt vỉa hè cho người đi bộ.

Thu Hồng - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI