Tháng 9, 10 hằng năm là thời điểm chim tự nhiên bắt đầu vào mùa di cư. Từng đàn chim trời từ biển bay vào đất liền đậu trên các cánh đồng, lùm cây ven biển. Trong đó cò, cói… lâu nay được nhiều người dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh ưa chuộng làm thực phẩm, mồi nhậu dẫn đến nạn đánh bắt trở nên phổ biến.
Dọc các cánh đồng ven biển ở Hà Tĩnh, những năm trước đây trên các cánh đồng không khó bắt gặp người dân dựng lán để bẫy chim. Thậm chí, không ít người xem việc đánh bắt chim trời là một nghề chính để kiếm thu nhập, cha truyền con nối suốt nhiều năm liền.
|
Chim mồi bị khâu mắt để nhử đồng loại |
Giữa cánh đồng lúa lắp xắp nước sau cơn mưa lớn kéo dài, từng túp lều tạm bợ bằng tranh tre được những tay săn chim dựng lên để làm nơi trú ẩn, hàng ngàn con cò, vạc... làm bằng xốp được bố trí xung quanh. Xen lẫn trong “trận địa” này là chi chít những que tre nhỏ đã được tẩm một loại nhựa có độ dính rất cao.
Tùy đặc tính của từng loài chim, thợ săn sẽ bố trí đồ nghề và cách thức bẫy khác nhau. Cò, vạc thì bẫy bằng que quết nhựa; cuốc, gà lôi thì bẫy bằng lưới; chim én, chim sẻ thì bẫy bằng sập...
Tuy nhiên, hiện những nơi được coi là “thủ phủ” của nạn bẫy bắt chim ở Hà Tĩnh cũng rất khó để bắt cảnh “thiên la địa võng” được bày đặt trên các cánh đồng. Tình trạng bày bán chim trời công khai trên các tuyến đường, chợ cũng hiếm khi xuất hiện.
|
Hàng loạt dụng cụ bẫy chim trời thu giữ được đốt bỏ ngay tại ruộng |
Ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, tình trạng đánh bắt chim tự nhiên giảm hẳn từ năm 2020, kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với công an các địa phương tuyên truyền, ra quân xoá bỏ các “trận địa” săn bắt chim trời.
Gần 2 tháng qua, lực lượng chức năng đã phối hợp tổ chức hàng chục cuộc kiểm tra, truy quét và xử lý tịch thu, tiêu hủy hơn 12.000 chim mồi giả, 52.000 que nhựa, 17.000m2 lưới, 100kg nhựa, 50 bộ loa máy phát tín hiệu, hàng trăm chiếc chòi… Hơn 600 chim mồi, cò, vạc… dính bẫy của người dân cũng đã được lực lượng chức năng Hà Tĩnh thả về tự nhiên.
Theo ông Huấn, đây là thời điểm chim trời di cư từ biển vào đất liền, trải dài trên 137km đường bờ biển ở Hà Tĩnh, lực lượng kiểm lâm còn mỏng nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát. Hiện kiểm lâm vẫn đang chủ yếu tuyên truyền, ký cam kết với các hộ dân, nhà hàng không đánh bắt, tiêu thụ chim trời.
|
Hàng trăm cò, cõi được thả về tự nhiên sau khi sập bẫy |
Hơn nữa, do nhiều người dân vùng biển xem đánh bắt chim trời là một nghề, đem lại thu nhập cho gia đình bao lâu nay nên việc yêu cầu người dân chuyển nghề khác vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Không ít lần lực lượng kiểm lâm bị người dân phản ứng mạnh khi xuống ruộng thu giữ đồ nghề đánh bắt chim.
“Việc xử lý các hành vi tàng trữ, mua bán, giết mổ thì dễ vì đã có luật. Nhưng còn hành vi bẫy bắt chim thì khó. Bởi anh phải chứng minh được đây là động vật từ rừng, nhưng đây họ chủ yếu đánh bắt ở giữa ruộng. Đối với cơ quan chức năng, để chứng minh động vật có nguồn gốc từ rừng thì rất nan giải” - ông Huấn giải thích.
Phan Ngọc