Đến họp phụ huynh, thầy chủ nhiệm gặp riêng tôi: “Chị nán lại vài phút để em trao đổi thêm về cháu nhé”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory |
Tôi gượng cười, biết thầy muốn nói gì. Con tôi học kém, hay đánh nhau, lần nào mẹ đi họp cũng bị nhắc nhở. Tôi khuyên bảo rát họng mà con không nghe. Nhiều lần tôi định gọi cho ba cháu, nhưng lại sĩ diện nên thôi. Ngay từ đầu, tôi đã giành quyền nuôi con, nên tốt hay xấu thì cũng đành chịu.
Chuyện tôi được nuôi con là kết quả của quá trình đấu tranh dai dẳng, cãi nhau từ nhà ra tòa. Khi đó con tôi đã mười tuổi, có thể tự trình bày nguyện vọng sống cùng ba hay mẹ. Cháu hướng về mẹ, nhưng vì chồng cũ cũng muốn nuôi con, anh lại có khả năng kinh tế nên tôi sợ con sẽ nghiêng về ba. Tôi phải dùng tình cảm mẹ con thuyết phục, cháu mới chịu về ở với tôi.
Chúng tôi bắt đầu cuộc sống mới với quan điểm “thiếu một người vẫn hạnh phúc”. Không còn vướng bận nhà chồng lại có con sống cùng, tôi thấy vui. Chồng cũ muốn phụ chi phí nuôi con, tôi từ chối vì công việc tôi ổn định, thu nhập khá. Anh muốn cho tiền con thì cứ đưa, nhận hay không là tùy con. Mỗi tháng con về nhà ba ở vài ngày, thời gian còn lại con ở với tôi.
Tôi toàn quyền quyết định chuyện của con, từ chọn trường cho đến học thêm, vui chơi. Chồng cũ ban đầu cũng muốn cả hai cùng dạy dỗ con, nhưng tôi tự ái nên không thèm liên lạc với anh. Tôi muốn chứng tỏ mình mạnh mẽ, không cần anh vẫn sống tốt, nuôi con nên người.
Thời gian đầu sau ly hôn, con vẫn học khá, ngoài giờ học biết phụ mẹ làm việc nhà. Con ngoan khiến mẹ cũng tự tin. Nhưng niềm vui thật ngắn ngủi. Từ khi lên cấp III, con học kém dần, lại có nhóm bạn thích đánh nhau nên suốt ngày la cà ngoài đường. Tôi khổ tâm mà không dám nói với ai, sợ người ta cười con hư vì cha mẹ ly hôn. Tiêu chuẩn tôi mong mỏi cứ hạ dần, từ học giỏi thành học bình thường, rồi xuống “chỉ cần lên lớp là được”.
Sau cùng, tôi nản đến mức không mong cháu học gì nữa cả, chỉ cần đừng tụ tập đánh nhau là được rồi. Tháng nào tôi cũng bị mời lên trường, viết cam kết, rồi đâu lại vào đấy. Giám thị và phụ huynh quen mặt đến… chán, tôi biết họ gọi mình như một thủ tục, chứ không hy vọng gì cháu thay đổi.
Tôi giờ đã hiểu cảm giác bất lực của những bậc cha mẹ khi con không nghe lời. Thực ra con tôi ở nhà vẫn rất ngoan, đi thưa về trình, cháu vẫn lễ phép với người lớn, cư xử lịch sự. Chỉ có việc học và tụ tập bạn bè là tôi nói không được, tốn bao nhiêu tiền học thêm thì điểm số vẫn ngày càng tệ. Chuyện đánh nhau cũng là do ở trường bị bắt nạt nên con đánh trả, ban đầu là tự vệ, sau đó nhập hội bênh vực người yếu.
Tôi đã làm đủ mọi cách, từ trò chuyện nhỏ nhẹ đến cấm đoán, cắt tài chính, nhưng tình hình vẫn vậy. Con tôi không thiếu tiền, mẹ không cho thì xin ba. Vì tôi không liên lạc với chồng cũ, con lại giấu ba chuyện đánh nhau nên anh không biết gì.
Nhìn lại cách giáo dục, tôi thấy mình cũng có sai. Dù tôi luôn hướng con theo những điều tốt, nhưng ở vào tuổi con nổi loạn bướng bỉnh, một mình tôi quả thật không đủ sức. Việc tôi không bao giờ gọi hay nhận điện thoại của anh, khiến con trai tận dụng điều này để vắng nhà mà cả ba mẹ đều không biết. Có những tối con nhắn mẹ là sau giờ học sẽ ghé ba ăn cơm, nhưng thật ra là tụ tập đánh nhau. Nhiều khi còn ngủ nhà bạn, tôi tưởng con qua nhà ba, anh lại nghĩ cháu về mẹ. Cứ thế, con nói dối mà tôi không hề biết.
Tôi từng tự hỏi, nếu lúc ra tòa tôi không giành nuôi con, mà để con sống với ba thì có tốt hơn không? Dù sao đàn ông vẫn cứng rắn hơn phụ nữ trong vấn đề giáo dục, con sẽ biết sợ. Khi ly hôn, tôi vẫn giữ quan niệm “mẹ đâu con đó” nên quyết giành quyền nuôi dưỡng. Và thực tế thì tôi không chu toàn được. Ở với ba chưa biết như thế nào, nhưng tôi đã sai khi suy nghĩ phiến diện, cho rằng con sống với mẹ mới là tốt nhất. Tôi thậm chí chưa từng đứng ở góc độ người cha, để thấy rằng con là của chung, tôi yêu thì chồng cũ cũng thương.
Sau buổi họp đầu năm học, tôi thấy chuyện này không thể kéo dài mãi. Với kết quả kém, việc con phải học lại một năm là điều không bất ngờ, nhưng thầy nói tôi nên khuyên cháu đừng kết nhóm đi đánh nhau nữa. Tuy tình hình hiện tại chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng nếu cứ tiếp tục thì sẽ sớm đến ngày đó.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Trước khi con nghĩ lại, tôi biết mình cần thay đổi. Tôi phải bỏ sự cố chấp, liên lạc với chồng cũ để cả hai cùng tìm giải pháp. Từ sau ly hôn, lần đầu tiên chúng tôi ngồi lại với nhau, không nhắc chuyện đã qua chỉ nói về tình hình hiện tại. Đồng hành cùng con không nhất thiết phải chung một mái nhà, chỉ cần chung mục đích nuôi dạy con. Từ khi có sự giám sát của ba, con tôi đã giảm chuyện theo bạn bè đi đánh nhau, cũng không còn về khuya.
Tôi không hoàn toàn giao việc dạy dỗ con cho chồng cũ. Chúng tôi thường xuyên liên lạc để kiểm tra khi cháu nói về nhà ba hoặc mẹ. Có sự cứng rắn của anh làm hậu thuẫn, tôi cương quyết với con hơn trong chuyện học hành, mỗi ngày đều nhắc con làm bài tập, môn nào yếu thì nhờ gia sư kèm. Dưới sự giám sát của cả ba lẫn mẹ, tình hình của con đã tốt hơn rất nhiều. Tôi không ép cháu học quá sức, cứ từng bước mà thay đổi thôi.
Tôi với chồng cũ tính cách khác biệt, nếu quay lại thời gian trước, chúng tôi vẫn sẽ chia tay. Nhưng dạy dỗ và yêu thương con không chỉ thuộc về mẹ hay cha, mà là quyền và trách nhiệm của cả hai.
Phương Nguyên