Trà, cà phê nằm trong nhóm các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, cần được khuyến khích tiêu thụ nhưng lại đang được Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt kể từ năm 2019, “hứa hẹn” mặt hàng này sẽ bị tăng giá.
Cạnh tranh khốc liệt
Hiện, trên thị trường, có đến hàng chục nhãn hiệu và hàng trăm chủng loại trà, cà phê, từ cà phê hạt, cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê viên nén đến trà thô, trà bột, trà túi lọc, trà thảo dược với đủ vị trà xanh, trà sen, trà lài, trà chùm ngây, trà gừng, trà khổ qua...
Tại các siêu thị, có hẳn kệ hàng riêng bày bán trà, cà phê với nhiều mức giá khác nhau, đáp ứng nhu cầu khách hàng bình dân, trung, cao cấp.
Không chỉ cạnh tranh nhau giữa các thương hiệu trong nước, mặt hàng trà, cà phê hiện đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ nước ngoài, với các loại trà đen, trà cỏ ngọt, trà dâu bắp, cà phê sấy lạnh, cà phê Đức, Thụy Sĩ...
Tuy nhiên, giá các sản phẩm (SP) trà, cà phê ngoại cao hơn ít nhất 20-30% so với giá nhiều SP cùng chủng loại trong nước, có loại mức giá đến 400.000-520.000 đồng/hộp.
Đại diện một số siêu thị cho biết, sức tiêu thụ trà, cà phê khá tốt và cán cân vẫn nghiêng về SP trong nước. Đặc biệt dịp cận tết, doanh số nhóm hàng này tăng gấp hai - ba lần so với ngày thường. Ngoài các “ông lớn”, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, tiêu thụ nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Công ty cổ phần Việt Herbs - cho biết, trà ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa chuộng vì tốt cho sức khỏe, đặc biệt các SP trà thảo dược đang rất có triển vọng, doanh nghiệp (DN) đang rất hào hứng đầu tư nâng giá trị gia tăng cho SP để xuất khẩu và hiện đã xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng như các nước lân cận.
Giá tăng, người tiêu dùng lãnh đủ
Theo đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến tại dự án luật sửa đổi năm luật thuế vừa công bố, cùng với các loại nước ngọt thì trà và cà phê sẽ được bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Trà và cà phê là SP nông nghiệp. Việt Nam đang khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, làm nguyên liệu thô thì không nâng được giá trị gia tăng và nước ta khuyến khích xuất khẩu để nâng giá trị gia tăng, mà nay lại đánh thuế TTĐB thì quá bất hợp lý.
|
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện không nước nào đánh thuế TTĐB đối với trà, cà phê. Mặt hàng này đã chịu thuế giá trị gia tăng, nay lại còn đánh thêm thuế TTĐB thì quá bất hợp lý. Nếu Việt Nam áp dụng, sẽ gây nên tình trạng thuế chồng thuế và SP trà, cà phê trong nước sẽ càng khó cạnh tranh với SP ngoại cùng chủng loại.
Hơn nữa, khi DN không gồng nổi chi phí cộng thêm này thì việc cộng mức thuế tăng vào giá thành SP là điều tất yếu và cuối cùng, người tiêu dùng phải gánh mức giá tăng này.
Bà Nga cho rằng, trà và cà phê là SP nông nghiệp. Việt Nam đang khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, làm nguyên liệu thô thì không nâng được giá trị gia tăng và nước ta khuyến khích xuất khẩu để nâng giá trị gia tăng, mà nay lại đánh thuế TTĐB thì quá bất hợp lý.
Chẳng hạn như việc sản xuất trà thảo dược vừa nâng giá trị gia tăng, vừa mang lại sức khỏe cho người sử dụng nhưng áp thuế TTĐB đồng nghĩa với việc hạn chế dùng SP này, trong khi lẽ ra nên khuyến khích.
“Việc áp thuế TTĐB 10% hay 20% theo đề xuất của Bộ Tài chính không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn ảnh hưởng đến chính người nông dân. Cụ thể, chúng tôi sản xuất trà thảo dược, đang hợp tác với nông dân trồng thảo dược, đem lại thu nhập cho họ gấp ba lần so với trồng lúa. Hay như atiso, khổ qua là những món ăn bình thường, nhưng chúng tôi sản xuất thành trà thì xuất khẩu được sang các nước, từ đó vừa mang lại lợi nhuận cho DN, vừa hỗ trợ được nông dân. Tăng thuế sẽ làm giảm tính cạnh tranh trong xuất khẩu. Theo tôi, không nên áp thuế TTĐB đối với trà, cà phê” - bà Nga kiến nghị.
Trà và cà phê nằm ngoài nhóm SP gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dùng như rượu bia, thuốc lá mà đánh thuế cao là không hợp lý.
Tăng thuế thì giá SP sẽ tăng, người tiêu dùng khó chấp nhận và sức tiêu thụ mặt hàng này sẽ giảm, từ đó giảm tính cạnh tranh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
|
Theo bà Kiều Diễm Phương - Giám đốc Công ty TNHH Biotech Foods Việt Nam - SP trà, cà phê đa phần có giá thấp và người tiêu dùng đã quen như vậy, nếu áp thuế TTĐB thì rất khó tiêu thụ trong nước vì DN buộc phải tăng giá SP, người tiêu dùng có thể sẽ chuyển sang uống các loại nước khác thay cho trà, cà phê. Tiêu thụ trong nước sẽ khó khăn và việc xuất khẩu sẽ càng khó khăn hơn.
“Để xuất khẩu, đối tác kiểm tra tận nơi trồng, nhà máy và ép giá thấp, còn yêu cầu đủ loại giấy tờ theo quy định của từng nước mới xuất được hàng, nhất là thị trường châu Âu; chi phí giấy tờ cũng rất tốn kém. Giờ cộng thêm thuế nữa thì DN không thể trụ nổi, trong khi nước ta đang đẩy mạnh xuất khẩu và hỗ trợ DN vừa, nhỏ” - bà Phương phân tích.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trà và cà phê nằm ngoài nhóm SP gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dùng như rượu bia, thuốc lá mà đánh thuế cao là không hợp lý.
Tăng thuế thì giá SP sẽ tăng, người tiêu dùng khó chấp nhận và sức tiêu thụ mặt hàng này sẽ giảm, từ đó giảm tính cạnh tranh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Một số nước phát triển, đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu mạnh rất cao, có nơi lên tới 100%, 150% để hạn chế sử dụng vì ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dùng, nhưng họ không đánh thuế TTĐB đối với trà, cà phê.
Nguyễn Cẩm