TPHCM yêu cầu tuyệt đối không tạo áp lực kiểm tra cho học sinh tiểu học

30/04/2023 - 21:11

PNO - Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu trường tiểu học tuyệt đối không tạo ra áp lực kiểm tra cuối học kỳ 2 cho học sinh.

Theo kế hoạch thời gian năm học 2022-2024, bậc tiểu học TPHCM sẽ hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5. Kết thúc năm học trước 31/5. Như vậy, ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, học sinh tiểu học thành phố sẽ bước vào kỳ kiểm tra cuối học kỳ 2.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu việc kiểm tra định kỳ cuối học kỳ 2 ở bậc tiểu học cần vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu trường tiểu học tuyệt đối không tạo ra áp lực cho học sinh trong kỳ kiểm tra cuối học kỳ 2
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu tuyệt đối không tạo ra áp lực cho học sinh tiểu học trong kỳ kiểm tra cuối học kỳ 2

"Tuyệt đối không tạo ra áp lực kiểm tra định kì đối với học sinh, chỉ xem như một hoạt động đánh giá thông thường hằng ngày dành cho các em. Thời gian kiểm tra do Phòng Giáo dục hướng dẫn trường tiểu học sắp xếp hợp lý, phù hợp, cân đối giữa các khối lớp, linh hoạt bố trí tránh ngày cận lễ, cần lưu ý công tác phòng, chống dịch COVID-19. Giới hạn nội dung kiểm tra định kì đến trước thời điểm kiểm tra 1 tuần" - ông Quốc nói. 

Đề kiểm tra không đánh đố, làm khó học sinh

Ở môn tiếng Việt, Sở GD-ĐT yêu cầu đề theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh. Sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa với lớp 1, 2 và 3, khuyến khích sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa với lớp 4, 5. Chú trọng thiết kế câu hỏi học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng được học vào giải quyết vấn đề; hình thức câu hỏi, bài tập đa dạng, tránh mang tính lí thuyết hoặc có đáp án không tường minh, gây tranh cãi. 

Ở môn toán, hình thức kiểm tra kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận trong đó trắc nghiệm khoảng 30%, tự luận 70%. Bài kiểm tra thiết kế khoa học, hình ảnh rõ ràng, mang tính giáo dục. Câu hỏi đảm bảo chặt chẽ, logic, câu lệnh rõ ràng, đủ ý. Mỗi mức độ nhận thức phải phân hóa được đối tượng học sinh. Tránh ra nhiều câu hỏi quá dễ/câu hỏi quá khó.

Ở môn khoa học, lịch sử, địa lý, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu đề kiểm tra kết hợp câu hỏi trắc nghiệm khách quan và tự luận, không quá 10 câu cho mỗi bài kiểm tra. Giáo viên cần tập trung vào kiến thức cối lõi và yêu cầu cần đạt, không đánh đố, gây khó cho học sinh.

Đối với môn Tin học ở lớp 1, 2 việc kiểm tra chỉ nhằm theo dõi sự tiến bộ của học sinh, kết quả không sử dụng để đánh giá kết quả học tập. Với môn Tin học lớp 3 là môn học bắt buộc trong chương trình GDPT 2018, điểm kiểm tra để đánh giá kết quả học tập của học sinh, đề xoay quanh các nội dung được học, có liên quan đến những vấn đề thực tế, cuộc sống của học sinh. Các bài tập thực hành mang tính vừa sức, không đánh đố. 

Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu đề kiểm tra các môn không đánh đó, không làm khó học sinh
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu đề kiểm tra các môn không đánh đố, không làm khó học sinh

Môn Tin học lớp 4, 5 là môn học tự chọn nên việc tổ chức kiểm tra lấy điểm, kết quả sử dụng để đánh giá kết quả học tập trong học kì của học sinh. Nội dung kiểm tra bám sát kiến thức, kĩ năng học sinh được học trong học kì. 

Đối với môn Công nghệ lớp 3 là môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018, điểm kiểm tra để đánh giá kết quả học tập trong học kì. Đề chú trọng khả năng vận dụng kiến thức vào xử lí các vấn đề trong thực tế, việc sử dụng các thiết bị công nghệ hằng ngày của học sinh. 

Ở môn ngoại ngữ 1, kiểm tra 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết; chỉ thực hiện việc kiểm tra ở khối lớp 3, 4 và 5; đối với khối lớp 1, 2 là môn tự chọn nên kiểm tra nhằm mục đích theo dõi sự tiến bộ của học sinh, kết quả không để đánh giá kết quả học tập. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI