TPHCM yêu cầu tăng cường mạnh mẽ Chỉ thị 16 ngay từ hôm nay

24/07/2021 - 20:26

PNO - UBND TPHCM vừa ban hành văn bản khẩn về tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể:

Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi: cấp cứu, mua thực phẩm thiết yếu tại những nơi cung cấp theo quy định và đi làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động.

Người dân trong khu phong tỏa chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc hình thức “đi chợ thay”.

Định kỳ thực hiện đánh giá mức độ an toàn tại khu phong tỏa và kịp thời gỡ bỏ phong tỏa từng phần đối với những khu vực đảm bảo các điều kiện an toàn nhằm giảm tâm lý cho người dân và giảm áp lực cho các lực lượng quản lý.

TPHCM hướng dẫn cụ thể về tăng cường Chỉ thị 16
TPHCM hướng dẫn cụ thể về tăng cường Chỉ thị 16

Đối với các khu cách ly: người dân không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ cấp cứu y tế).

Đối với các gia đình có ca F0, F1 thực hiện cách ly tại nhà tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu y tế); lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tại nhà.

Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Riêng lực lượng vũ trang, ngành y tế Thành phố đảm bảo 100% quân số và các đơn vị đặc thù có văn bản gửi Sở Nội vụ trình UBND TPHCM quyết định.

Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất tối thiểu để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể tổ chức hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách; khuyến khích các đơn vị áp dụng phương thức "3 tại chỗ".

Các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu: y tế (trừ các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa), dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn công nghiệp cho các bệnh viện, các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị, các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ", các bếp ăn từ thiện, cung cấp điện, nước, xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, duy tu các lĩnh vực giao thông đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ, các đơn vị đang phục vụ công tác hậu cần trong phòng, chống dịch; các cơ sở lưu trú (khách sạn) đang thực hiện hỗ trợ các đội ngũ y bác sĩ lựu trú và phục vụ cách ly cho các chuyên gia và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và công tác phòng chống dịch bệnh, vận tài nguyên vật liệu, thành phẩm, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp dịch vụ logistic, các doanh nghiệp sản xuất đã đăng ký và bảo đảm công tác an toàn, tuân thủ nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ" hoặc "một cung đường - 2 địa điểm".

Các loại hình giao thông vận tải được phép lưu thông: vận chuyển hàng hóa đường thủy (hàng hải, đường thủy nội địa), bến phà, các bến thủy (Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Thạnh - Thạnh An, Thịnh An - Thiềng Liêng); giao thông đường bộ: xe công vụ, các loại phương tiện vận tải có giấy nhận diện (có QR code) được phép lưu thông vào Thành phố hoặc lưu thông xuyên qua Thành phố, xe ô tô, xe mô tô, xe 2 bánh của tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan nhà nước (công chức, viên chức, người lao động), lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân Thành phố về quê theo kế hoạch; xe đưa rước công nhân, chuyên gia đối với các doanh nghiệp dụng thực hiện phương án “một cung đường - 2 địa điểm"; xe taxi (được cấp phép hoạt động) chở hàng thiết yếu cho siêu thị và chở người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế và trong trường hợp cần thiết; xe mô tô công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hoá thiết yếu được doanh nghiệp đăng ký hoạt động; xe vận chuyển (được cấp phép hoạt động hoặc có giấy vận chuyển của Bộ Tư lệnh TP, Sở Y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế) đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch, người dân kết thúc thời gian cách lý y tế tại các khu cách lý tập trung, người bệnh COVID-19, người xuất viện từ các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 về nơi cư trú.

Các hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm (hình thức như chợ truyền thống) chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy mô giảm còn khoảng 30%, chỉ cho phép kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu được hoạt động, có quy định nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ, có màng ngăn giữa người mua và bán, niêm yết giá và khuyến khích bán hàng vào túi sẵn; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẽ để giảm tối đa tương tác. Người đi chợ thực hiện quản lý ra vào chợ bằng mã QR để phục vụ công tác quản lý, truy xuất dữ liệu khi có yêu cầu.

UBND TPHCM chỉ cho phép triển khai thi công đối với các công trình đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ" hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm". Chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại các công trình triển khai thi công.

Lưu ý: Các loại hình kinh doanh dịch vụ, cơ quan, đơn vị, tổ chức không đề cập trên dân tạm ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, cho phép các đơn vị duy trì chế độ trực cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ, duy trì các hệ thống thông tin...

UBND TPHCM quy định chi tiết phương thức làm việc của các cơ quan, doanh nghiệp
UBND TPHCM quy định chi tiết phương thức làm việc của các cơ quan, doanh nghiệp

Về công tác điều trị bệnh nhận COVID-19: áp dụng kết hợp cả đông và tây y, vận động các cơ sở y tế tư nhân cùng tham gia điều trị; tăng cường hệ thống trang thiết bị; nhân lực để đảm bảo luôn làm chủ trong mọi tình huống; trong đó chú trọng huy động đội ngũ y bác sỹ đã nghỉ hưu, lương y, các chức sắc tôn giáo, Hội Chữ thập đỏ tham gia phòng, chống dịch.

Tăng cường quản lý việc điều trị và theo dõi tại nhà với mục tiêu không để lây nhiễm tại cộng đồng và quan tâm, động viên, hướng dẫn, chia sẻ để người bệnh có tâm lý tốt nhất và sớm hồi phục sức khỏe.

UBND TPHCM giao Sở Tài chính chủ trì, tham mưu UBND TPHCM, cơ chế hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp phân phối, sản xuất hàng thiết yếu và các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế để mua dự trữ hàng hóa, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch và nhu cầu dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm của người dân Thành phố.

Công an TPHCM chủ trì tổ chức các chốt trạm kiểm soát cấp Thành phố, chỉ thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện có dấu hiệu vi phạm quy định về phòng, chống dịch và an toàn giao thông.

Chỉ đạo công an địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để hoạt động phạm tội hoặc xuyên tạc, kích động, chống phá trên địa bàn Thành phố.

Các địa phương được yêu cầu nắm chắc người dân, hộ gia đình có ca F0, F1 thuộc dạng nghèo, khó khăn, neo đơn, khuyết tật, tôn giáo, dân tộc... kể cả người nghiện, để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp; giải quyết các nhu cầu cấp thiết của các trường hợp F0, F1 cách ly tại gia; giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của người dân về công tác an sinh.

Thời gian thực hiện các nội dung trên từ nay đến hết ngày 1/8.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI