TPHCM: Xử lý rác chủ yếu vẫn là chôn lấp

23/08/2023 - 19:04

PNO - Thực tế, 70% khối lượng rác được xử lý bằng cách chôn lấp, 30% được tái chế bằng công nghệ cũ.

Chiều 23/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề Giải pháp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn 2023-2025 theo tinh thần Chỉ thị số 19-CT/TU của Thành ủy TPHCM.

Theo tiến sĩ Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường đại học Văn Lang - mỗi năm Việt Nam thải ra 24,5 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt và 8,1 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp. Ước tính, mỗi ngày nước ta xả ra khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa, trong đó có từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn được xả ra đại dương.

Rác thải nhựa do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM thu thập được tại biển Cần Giờ, TPHCM - Ảnh: KMT
Rác thải nhựa do nhóm nghiên cứu Trường đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM vớt tại biển Cần Giờ, TPHCM - Ảnh: KMT

Theo tống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 9.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tức bình quân mỗi người thải 0,98kg/ngày. Cao điểm vào những ngày lễ tết, lượng chất thải lên đến 11.000 tấn/ngày. Khối lượng rác thải sinh hoạt của thành phố dự kiến tăng khoảng 6 - 10% mỗi năm.

Thực tế, việc xử lý rác chủ yếu vẫn là chôn lấp, chiếm 70% khối lượng rác, chỉ có 30% được tái chế và đốt bằng công nghệ cũ. Đặc biệt, trong số 30% rác tái chế thì có tới 50% lượng rác không được xử lý hết, vẫn phải đem chôn lấp.

Một thực tế khác, rác thải hữu cơ như rau, củ, quả và thức ăn thừa… thường được thu gom với rác vô cơ như túi ni-lông, thủy tinh, sắt vụn và các loại chất thải nguy hại như pin hỏng, bóng đèn huỳnh quang, bình ắc quy hỏng, dược phẩm hết hạn sử dụng… Đây là các nguồn gây hại cực kỳ nguy hiểm.

Tiến sĩ Vũ Thị Quyền đánh giá, cho đến nay, nhận thức của người dân về hành vi xả rác, phân loại rác vẫn chưa cao. Thiết nghĩ, việc này cần cơ chế nghiêm minh từ Chính phủ và sự tham gia của cả cộng đồng, đặc biệt là nhận thức của từng cá nhân và gia đình.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa, chuyên gia từ Trường đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM nêu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lợi ích của việc loại bỏ nhựa sử dụng một lần vượt qua chi phí. Nghĩa là chi phí sản xuất nhựa sử dụng một lần mới từ nhiên liệu hóa thạch hầu như luôn rẻ hơn so với việc tái sử dụng hoặc tái chế chúng.

Do đó, bước đầu tiên để hạn chế rác thải nhựa là từ chối sử dụng các sản phẩm nhựa nếu không cần thiết. TPHCM có thể bắt đầu với khuyến nghị hạn chế những vật dụng nhựa dùng một lần trong các cơ sở kinh doanh thực phẩm và sản phẩm vệ sinh khách sạn. Ngoài ra, báo cáo của trường cũng đề xuất áp đặt lệ phí cho túi nhựa không phân hủy và cốc cà phê mang đi. Lộ trình dần dần hướng đến lệnh cấm thị trường đối với ống hút nhựa, túi nhựa không phân hủy và hộp đựng thức ăn.

Hội nghị chuyên đề Giải pháp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn 2023-2025 chiều 23/8 - Ảnh: Quốc Ngọc
Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: Quốc Ngọc

Các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội cũng đã tập trung thảo luận xoay quanh các kinh nghiệm và trao đổi các mô hình, giải pháp, cách làm hiệu quả trong quá trình thực hiện cuộc vận động và đưa ra 8 nhóm giải pháp cơ bản.

Trong đó bao gồm: nhóm giải pháp truyền thông; áp dụng công nghệ kỹ thuật trong thu gom, quản lý, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là chất thải nhựa; sử dụng công nghệ sinh học để tái chế, tái sử dụng chất thải hữu cơ, sản xuất phân compost; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất thải rắn và xử vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; các công nghệ tiên tiến trên thế giới về quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn; quy hoạch đô thị, bố trí phù hợp các điểm trung chuyển chất thải rắn, bố trí thùng rác công cộng hợp lý trên các tuyến đường, tuyến phố đông dân cư; nêu gương, tạo hiệu ứng thu hút tình nguyện viên, người dân tham gia vệ sinh môi trường và nhóm giải pháp phát huy vai trò tự quản của người dân, thực hiện các mô hình tham gia bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng dân cư.

Quốc Ngọc

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI