Đó là ý kiến đề xuất của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các ban ngành Trung ương - tại chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề về ngành y tế của Đoàn ĐBQH TPHCM ngày 9/10.
Theo ông Phan Văn Mãi, TPHCM là nơi hội tụ rất nhiều nguồn lực, vấn đề là làm sao tháo gỡ các “điểm nghẽn” để huy động được nguồn lực xã hội tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Cụ thể, mới đây, UBND TPHCM đã cho thí điểm cơ chế y tế tư nhân tham gia điều trị COVID-19, cũng như các chính sách cho y tế công lập tiếp tục phát huy nguồn lực. Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến báo cáo với Quốc hội và các cơ quan Trung ương, thúc đẩy triển khai các vấn đề theo thẩm quyền.
TPHCM đã tiếp thu và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong ứng phó với dịch bệnh. TP cam kết không lơ là, chủ quan trước những kết quả bước đầu mà tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, cảnh báo dịch. TP sẽ sơ kết tình hình, kết quả của công tác phòng, chống dịch và khẩn trương hoàn thiện kế hoạch phòng, chống dịch song song với phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
|
Chương trình tiếp xúc cử tri ngành y tế của Đoàn ĐBQH TPHCM nhận được rất nhiều ý kiến của các cử tri là lãnh đạo bệnh viện, lực lượng tuyến đầu chống dịch của TP |
Ông Phan Văn Mãi cho biết, trong kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sắp tới, TP đặt trụ cột đầu tiên và quan trọng nhất là củng cố hệ thống y tế với cả y tế cộng đồng, y tế điều trị và y tế phục hồi, cùng với phát huy hiệu quả mô hình điều trị 3 tầng, trong đó quan tâm củng cố y tế cơ sở.
“Thời gian qua, ở một đô thị lớn như TPHCM thì tổ chức, bộ máy, biên chế, cơ chế chính sách cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, các mảng của y tế cộng đồng… chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức, dẫn đến bất cập và khi dịch bệnh diễn ra ở mức độ rất cao thì những bất cập này bộc lộ rất rõ”, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết. Đồng thời nói TP đã kịp nhận ra và có kế hoạch khắc phục hạn chế, quan tâm đầu tư các trung tâm điều trị bệnh nhiễm, trung tâm cấp cứu xứng tầm một đô thị lớn, phát huy mô hình quân - dân y kết hợp, mô hình y học gia đình…
Sau vấn đề y tế là vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là việc quan tâm người lao động, tổ chức đưa người lao động về quê và đón người lao động trở lại TP, triển khai tiêm vắc xin cũng như quan tâm vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động, người có thu nhập thấp… TP cũng tập trung chăm lo các đối tượng bị tác động nặng nề do COVID-19, như người già neo đơn, trẻ em mồ côi, các đối tượng bị sang chấn tâm lý…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại điểm cầu Hà Nội
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia sẻ với đồng bào, cử tri TPHCM những đau thương mất mát vừa qua cũng như cảm thông sâu sắc với những vất vả, khó khăn của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ ngành y tế đã thầm lặng hy sinh vì sức khỏe và sự bình yên của nhân dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập việc thay đổi chiến lược trong phòng, chống dịch từ mục tiêu “Zero COVID-19” sang “thích ứng an toàn với COVID-19”, vừa kiểm soát dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Đồng thời yêu cầu TPHCM tiếp tục nâng độ phủ vắc xin, nâng cao năng lực điều trị cho người dân, kiểm soát rủi ro ở quy mô rộng hơn trong bối cảnh mở cửa trở lại. Phát huy vai trò của y tế dự phòng, y tế cơ sở trong việc hướng dẫn người dân để họ không sợ hãi, không lo lắng mà bình tĩnh thích ứng, sống an toàn với COVID-19.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu TPHCM, đặc biệt là hệ thống y tế, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác không để bất trắc xảy ra khi toàn bộ 30.000 y bác sĩ tăng cường cho TPHCM rút đi.
“Đảng, Nhà nước không chỉ quan tâm đến kinh tế mà còn quan tâm đến văn hóa, xã hội, đời sống của người dân TPHCM. Vì vậy, cần khắc phục nhanh các vấn đề của y tế cộng đồng về con người, trang thiết bị, cách thức tổ chức, huy động nguồn lực để chăm lo tốt hơn đời sống, sức khỏe người dân trong thời gian tới”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh,
Tam Bình