|
Toàn cảnh hội thảo |
“Thành phố sáng tạo” (TPST) là một khái niệm mới, được hiểu là nơi mà nguồn tài nguyên chính tạo ra của cải cho xã hội là tính sáng tạo của người dân. UNESCO thành lập mạng lưới các TPST từ năm 2004 (tính đến tháng 10/2023 có 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia tham gia), tập trung vào 7 lĩnh vực: thiết kế, văn học, âm nhạc, thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, ẩm thực, điện ảnh, và nghệ thuật truyền thông. Với yêu cầu tiên phong thúc đẩy khả năng tiếp cận văn hóa và tăng cường sức mạnh sáng tạo của người dân trong phát triển đô thị bền vững, cũng như hợp tác thúc đẩy các biện pháp đối phó những thách thức toàn cầu (biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng, tốc độ đô thị hóa quá nhanh…).
|
Hà Nội được công nhận là TPST về thiết kế (không dừng lại ở kiến trúc mà bao trùm các lĩnh vực đều cần thiết kế như một phương thức sáng tạo). |
Tại Việt Nam, năm 2019, UNESCO đã công nhận Hà Nội là TPST trên lĩnh vực “thiết kế” và công nhận Hội An là TPST trên lĩnh vực “thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian”, Đà Lạt là TPST trên lĩnh vực “âm nhạc” vào tháng 10/2023.
Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch xây dựng đề án phát triển mạng lưới TPST. Theo kế hoạch, TPHCM cũng là địa phương có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững, và cũng đã xây dựng kế hoạch gia nhập mạng lưới TPST của UNESCO trên lĩnh vực "điện ảnh" – một lợi thế, thế mạnh của ngành công nghiệp văn hóa ở TPHCM.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Tiên (chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM), TPHCM với hơn 10 triệu dân, trên 100 trường đại học và cao đẳng, mà hơn 50% đào tạo lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, có tiềm lực rất lớn về nguồn nhân lực sáng tạo. TPHCM cũng là thành phố mở, năng động, phát triển và đi đầu trong mọi công cuộc đổi mới, cũng là địa phương duy nhất cả nước có 9 hội chuyên ngành văn học nghệ thuật hoạt động độc lập.
|
GS.TS Nguyễn Xuân Tiên cho rằng lĩnh vực điện ảnh không phù hợp để TPHCM chọn làm mũi nhọn xây dựng TPST. |
“Tiềm năng phát triển mọi lĩnh vực là rõ ràng nhưng nếu chọn điện ảnh làm lĩnh vực phát triển TPST thì tôi cho rằng sẽ thất bại. Vì thị trường điện ảnh TPHCM rộng lớn, nhưng lại mì ăn liền, không đi vào chiều sâu, khó thể ra thế giới. Công nghiệp điện ảnh lại rất tốn kém, khó thể đi được vào cộng đồng, trong khi yếu tố sáng tạo ở TPST không chỉ dành cho các nghệ sĩ hay giới tinh hoa, mà phải từ cộng đồng” – GS.TS Nguyễn Xuân Tiên lý giải.
TS. Hà Thanh Vân (giảng viên trường Đại học Hùng Vương) cũng bày tỏ băn khoăn và cho rằng, để xác định điện ảnh là lĩnh vực mũi nhọn xây dựng TPST, ngành điện ảnh TPHCM cần trả lời các câu hỏi sau: “Điện ảnh TPHCM đứng ở đâu trên bản đồ thế giới – có những tác phẩm nào tiếp cận thế giới, có những diễn viên nào vươn tầm thế giới, có hoạt động giao lưu nghề nghiệp nào với thế giới hay phải đợi đến Liên hoan phim quốc tế TPHCM vào năm 2024? Và quan trọng hơn, bản sắc điện ảnh TPHCM là gì để khoe với thế giới?”.
|
TS. Hà Thanh Vân đề xuất nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa - nghệ thuật. |
Ngoài ra, dù điện ảnh TPHCM phát triển nhất cả nước, nhưng lại mất cân đối khi chỉ có phim truyện, còn phim hoạt hình hay phim tài liệu rất ít.
“Đã khuyến khích sáng tạo thì phải đồng đều. Nếu TPHCM vẫn muốn xây dựng TPST ở lĩnh vực điện ảnh, thì phải định hướng phát triển theo chiều sâu và hướng đến tương lai. Hiện nay, các cơ sở đào tạo điện ảnh tại TPHCM là không đủ, cần thêm trường đào tạo chuyên ngành điện ảnh, cũng như tổ chức các khóa học ngắn hạn, các chương trình tập huấn mời các chuyên gia quốc tế đến giao lưu, truyền kinh nghiệm…” – TS. Hà Thanh Vân đề xuất.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Tiến Hưng (chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần phim Giải Phóng) cho rằng, TPHCM rất năng động và đa dạng về văn hóa, là điều kiện cho điện ảnh phát triển. Với vị thế trung tâm điện ảnh cả nước cùng doanh thu điện ảnh hàng đầu, TPHCM có đủ cơ sở để phát triển điện ảnh.
|
Liên hoan phim ngắn TPHCM 2023 và sắp tới là Liên hoan phim quốc tế TPHCM 2024 cũng là những nỗ lực của TPHCM trong việc xây dựng TPHCM thành trung tâm điện ảnh - Ảnh: Hương Nhu. |
Tuy nhiên, nếu để điện ảnh là một trong những ngành sáng tạo, cùng kết hợp tạo nên sức sáng tạo cho TPHCM, thì có cơ sở hơn khi đưa điện ảnh thành mũi nhọn phát triển TPST.
“TPHCM chỉ có 1 hãng phim Nguyễn Đình Chiểu thôi mà chút xíu nữa phải giải thể. Có một hãng phim còn không nuôi nổi thì phát triển TPHCM theo hướng điện ảnh phải đặt nền móng từ đâu? Chúng ta cần nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ lưỡng, với tình hình hiện nay, thì phát triển TPHCM theo hướng điện ảnh khó hơn rất nhiều so với các loại hình khác” – ông Nguyễn Tiến Hưng nêu ý kiến…
Đông A