TPHCM xác định kiều hối đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

27/09/2024 - 19:33

PNO - Trong 11 năm, nguồn kiều hối chuyển về thành phố ước đạt hơn 65 tỉ USD, với mức tăng trung bình từ 3% đến 7% mỗi năm.

UBND TPHCM vừa phê duyệt Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM từ nay đến năm 2030.

Theo thống kê của UBND thành phố, có khoảng 2,8 triệu trên tổng số khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên hệ với thành phố, chiếm khoảng gần 50% số lượng này của cả nước. Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, ước khoảng hơn 2 triệu người, tiếp theo là Anh, Úc, Canada. Ngoài ra, còn các thị trường xuất khẩu lao động chính như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có đông người Việt.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

TPHCM là trung tâm thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước với số kiều hối hằng năm chiếm 38-53% tổng mức kiều hối chuyển về Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM cho biết, từ năm 2012 đến 2023, nguồn kiều hối chuyển về thành phố thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế, công ty kiều hối trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ ước đạt hơn 65 tỉ USD, với mức tăng trung bình từ 3% đến 7%/năm.

So với các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI), nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) thì nguồn kiều hối có giá trị ổn định cao.

Còn nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) tuy đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và thành phố. Nhưng việc huy động vốn ngày càng trở nên khó khăn khi các nhà đầu tư thận trọng với quyết định giải ngân vốn FDI. Chưa kể, sản phẩm đầu ra của dòng vốn FDI ngoài xuất khẩu lại sẽ cạnh tranh với hàng hóa cùng loại sản xuất trong nước. Đối với nguồn vốn ODA, hơn 75% đi kèm theo các điều kiện trong đầu tư, gánh nặng trả nợ trong tương lai.

Trong khi đó, nguồn kiều hối đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngoại tệ. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào năm 2020, kiều hối chuyển về TPHCM đạt kỷ lục 6,1 tỉ USD, tăng 15% so với năm 2019. Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp vào năm 2021, kiều hối gửi về thành phố tiếp tục thiết lập kỷ lục mới khi đạt hơn 6,6 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2020. Và mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây khi đạt 9,5 tỉ USD vào năm ngoái.

Kiều hối còn hỗ trợ giảm căng thẳng cho thị trường ngoại hối. Với đặc tính là nguồn thu ngoại tệ ổn định, không hoàn lại, nó tạo ra nguồn vốn ổn định cho phát triển kinh tế, hỗ trợ giảm rủi ro trong quá trình huy động vốn, giảm phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài.

Nguồn ngoại tệ từ kiều hối không cần điều kiện đầu tư so với các lĩnh vực tạo ra nguồn thu ngoại tệ khác cho thành phố. Hiện các lĩnh vực tạo ra nguồn thu ngoại tệ như xuất khẩu hoặc du lịch phải đầu tư khá lớn về cơ sở hạ tầng, chính sách.

Ngoài ra, kiều hối đóng góp cho sự gia tăng tiết kiệm, được sử dụng cho các hoạt động đầu tư trực tiếp, được gửi bằng ngoại tệ hoặc bản tệ vào các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác và một phần có thể được dự trữ dưới dạng tiền mặt, vàng... Bên cạnh được dùng một phần đầu tư trực tiếp, kiều hối được gửi vào các tổ chức tài chính sau đó được cho vay tài trợ vào các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế.

Nhìn chung, UBND TPHCM xác định kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, kiều hối chuyển về thành phố lại từng bước dịch chuyển vào thị trường chứng khoán, đầu tư trái phiếu, hợp tác sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bất động sản. Đây là xu hướng tích cực, góp phần trực tiếp vào việc mở rộng đầu tư trong nước, tạo việc làm trong nền kinh tế và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ các hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Theo quyết định của UBND TPHCM, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố được giao chủ trì triển khai đề án. Các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách phối hợp ủy ban thực hiện đề án gắn kế hoạch công tác hằng năm đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI