TPHCM xác định 7 lĩnh vực chuyên sâu để phát triển kinh tế số

26/04/2024 - 14:30

PNO - TPHCM tập trung phát triển kinh tế số và chuyển đổi số ở 7 lĩnh vực chuyên sâu là: giáo dục, y tế, du lịch, lao động thương binh xã hội, logistics, tài nguyên môi trường và nông nghiệp phát triển nông thôn.

Sáng 26/4, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp với Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức hội thảo “Nghiên cứu giải pháp phát triển kinh tế số TPHCM”.

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - cho biết, hiện nay TPHCM đang tập trung tìm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, để đạt được những chỉ tiêu của quốc gia nói chung và của TPHCM nói riêng. Trong quá trình thực hiện, rất cần sự phối hợp của các đơn vị, doanh nghiệp, chuyên gia trí thức cùng tham gia để đưa ra những định hướng và giải bài toán đầy thách thức của thành phố.

Ông Lâm Đình Thắng thông tin, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định phương hướng của TPHCM đến năm 2030 phải trở thành đầu tàu về kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chỉ tiêu về kinh tế số của TPHCM phải chiếm 40% vào GRDP của thành phố, và các chỉ tiêu từ đây đến năm 2030 đều cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước từ 5-10%.

Riêng năm 2024 chỉ tiêu về kinh tế số của TPHCM phải đóng góp là 22%, đến năm 2025 là 25% vào GRDP của TPHCM.

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM

Để đạt được mục tiêu này, ông Lâm Đình Thắng nhấn mạnh, TPHCM xác định đã có các giải pháp trọng tâm trong năm 2024 là thúc đẩy kinh tế số trong các ngành quan trọng, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, du lịch, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số, thúc đẩy 2 cụm phát triển rất quan trọng của thành phố là khu công nghệ cao và khu công nghệ phần mềm Quang Trung.

"Hiện nay, TPHCM tập trung phát triển kinh tế số ở các ngành, lĩnh vực. Chính các ngành và lĩnh vực này sẽ đóng góp 70-80% cho sự tăng trưởng kinh tế số" - ông Lâm Đình Thắng nhấn mạnh.

Ông nói, trong thời gian tới, để phát triển kinh tế số, TPHCM cần giải quyết 3 vấn đề lớn: thứ nhất là bộ đo lường kinh tế số định kỳ.

Thứ hai tập trung phát triển kinh tế số và chuyển đổi số ở 7 lĩnh vực chuyên sâu: giáo dục, y tế, du lịch, lao động thương binh xã hội, logistics, tài nguyên môi trường, nông nghiệp phát triển nông thôn.

Thứ ba, là chính sách để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Ông Lâm Đình Thắng thừa nhận, về vấn đề chính sách này thành phố còn chậm.

“Đối với các doanh nghiệp lớn, họ có nguồn lực, có điều kiện có chuyên gia, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỉ trọng lớn lại chưa đủ điều kiện, nguồn lực và chính sách thúc đẩy để chuyển số nhanh, nếu khối này chuyển đổi số nhanh sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế số của TPHCM rất lớn” - ông nêu khó khăn.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Tiến sĩ Trịnh Tú Anh - Viện trưởng Viện đô thị thông minh và Quản lý (ISCM) - cho rằng, vấn đề quan trọng nhất để tiếp cận kinh tế số của TPHCM là xác định được bộ khung đánh giá, xây dựng được chiến lược kinh tế số và làm sao đánh giá được giá trị lan tỏa của kinh tế số cho tất cả các lĩnh vực khác.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Giải pháp Miền Nam, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel - đề xuất, để đạt được những chỉ tiêu đề ra, TPHCM phải xây dựng được một kế hoạch tổng thể, trong đó từng ngành cụ thể sẽ làm việc gì, đóng góp bao nhiêu, cách làm như thế nào, có chỉ tiêu cụ thể và có văn bản chính thức từ UBND TPHCM ban hành. Lúc đó, tất cả các ngành sẽ thấy chỉ tiêu, cách tính, phương pháp của mình trong đó để cùng chạy, thì TPHCM mới có thể đạt được chỉ tiêu đề ra.

Khuê Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI