TPHCM: Vướng mắc khi triển khai sổ sức khỏe và lý lịch tư pháp trên VNeID

02/10/2024 - 17:01

PNO - TPHCM thấy còn những tồn tại cần khắc phục, để việc triển khai sổ SK và LLTP trên VNeID phục vụ người dân được thuận lợi hơn nữa.

Khó khăn xác minh cho người sinh sau 1/7/1996

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai sổ sức khoẻ (SK) điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) thông qua ứng dụng VNeID, diễn ra vào chiều ngày 2/10, bà Trần Thị Diệu Thuý – Phó Chủ tịch UNBD TPHCM - cho biết, hiện nay TPHCM đã sẵn sàng để cấp sổ khám SK trên ứng dụng và phiếu LLTP trên VneID. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thí điểm, TPHCM thấy còn những tồn tại cần khắc phục để việc triển khai phục vụ người dân được thuận lợi hơn nữa.

Là một đô thị lớn, dân cư đông, TPHCM tiếp nhận và giải quyết lượng hồ sơ cấp phiếu LLTP rất lớn, khoảng 650 - 800 hồ sơ/ngày, có ngày tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ và có xu hướng gia tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, TPHCM đã cấp 109.513 phiếu LLTP, tăng 20.627 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 23%).

Để phấn đấu cắt giảm thời gian cấp phiếu LLTP, TPHCM tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu LLTP của Thành phố, Sở Tư pháp. Đến nay, TPHCM đã sẵn sàng để triển khai cấp LLTP trên VNeID.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thuý tại Hội nghị trực tuyến triển khai sổ SK điện tử và cấp phiếu LLTP qua ứng dụng VNeID. Ảnh: Thanh Huyền.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thuý tại Hội nghị trực tuyến triển khai sổ SK điện tử và cấp phiếu LLTP qua ứng dụng VNeID. Ảnh: Thanh Huyền.

Tuy nhiên, liên quan đến tra cứu, xác minh thông tin cho người sinh sau ngày 1/7/1996 tại Bước 6 quy trình thí điểm cấp Phiếu LLTP trên VNeID (CV số 570/TTLLTPQG-QLHC ngày 20/9/2024 của Trung tâm LLTP quốc gia và Cục CSQLHC về trật tự xã hội) hướng dẫn chỉ cần tra cứu, khai thác thông tin tại cơ sở dữ liệu LLTP của Sở Tư pháp, cơ sở dữ liệu của Trung tâm LLTP quốc gia. Với quy định như trên, TPHCM không có đầy đủ thông tin LLTP.

Nguyên nhân cụ thể là do nguồn thông tin LLTP về án tích do các cơ quan tiến hành tố tụng gửi về Sở Tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu chưa đảm bảo về số lượng và tiến độ thời gian; phần mềm Hệ thống quản lý LLTP dùng chung đôi lúc hoạt động không ổn định. Từ những điều này dẫn đến tra cứu thông tin về án tích gặp nhiều khó khăn.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy lấy dẫn chứng cụ thể: Trường hợp đương sự có án tích, quá trình xử lý hồ sơ có tình trạng kết quả tra cứu thông tin thể hiện đương sự không có thông tin về án tích. Từ đó, nếu chỉ thực hiện việc tra cứu thông tin tại cơ sở dữ liệu LLTP của phần mềm chuyên ngành sẽ không đảm bảo tính chính xác trong việc xác định thông tin về án tích của công dân.

Do đó, đối với cấp phiếu LLTP cho người sinh sau ngày 1/7/1996, TPHCM đề xuất thực hiện việc gửi yêu cầu tra cứu xác minh thông tin LLTP đến đến V06, PV06 trên phần mềm Quản lý LLTP dùng chung của Bộ Tư pháp, để đảm bảo tính chính xác trong việc xác định thông tin về án tích của công dân, và cam kết phấn đấu cắt giảm thời gian trả kết quả đối với hồ sơ không có thông tin về án tích từ 10 ngày xuống còn 3 ngày làm việc theo chỉ đạo của Chính phủ.

Người không sử dụng thẻ BHYT chưa liên thông được dữ liệu

TPHCM đã triển khai Sổ SK điện tử trên VNeID theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Quyết định số 2733/QĐ-BYT ngày 17/9/2024) tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức.

Qua đó, TPHCM đã xử lý tổng số 45.328 hồ sơ chuyển viện đạt tỷ lệ 100%. Đồng thời, 100% các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn TPHCM cam kết và đã thực hiện chuyển dữ liệu theo quy định (tại Quyết định số 130/QĐ- BYT và Quyết định 4750/QĐ-BYT của Bộ Y tế) lên Cổng Giám định BHYT của bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Trong thời gian tới, TPHCM sẽ khẩn trương xây dựng Kế hoạch nhân rộng mô hình trên, trong đó tập trung các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả sổ SK điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại trên ứng dụng VNeID, đặc biệt là việc tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu rõ lợi ích và tham gia sử dụng sổ SK điện tử và dự kiến sẽ ban hành, triển khai chính thức trên địa bàn Thành phố sau khi tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, trong tháng 10/2024.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Thanh Huyền.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Thanh Huyền.

Mặc dù vậy, theo bà Trần Thị Diệu Thuý, hiện nay, việc liên thông dữ liệu, sử dụng sổ SK điện tử trên VNeID đối với người bệnh đến khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh chưa triển khai khám chữa bệnh BHYT bước đầu gặp khó khăn.

Đối với người bệnh không sử dụng thẻ BHYT hoặc chưa tham gia BHYT, nếu đăng ký khám chữa bệnh bằng CCCD tại các cơ sở khám, chữa bệnh thì chưa được liên thông dữ liệu lên Sổ SK điện tử VNeID.

Do đó, TPHCM kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn các trường dữ liệu liên thông lên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT đối với đối tượng bệnh nhân không khám, chữa bệnh BHYT, đồng thời kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo Cục C06 xem xét bổ sung công cụ, chức năng phân quyền cho TPHCM để quản lý, theo dõi, khai thác, báo cáo, tổng hợp dữ liệu trên sổ SK điện tử VneID, và phân quyền cho TPHCM theo dõi, thống kê dữ liệu đã liên thông với bảo hiểm xã hội và Bộ Công an.

Không chỉ riêng TPHCM, các điểm cầu khác trên cả nước cũng nêu lên những tồn tại và thuận lợi khi triển khai sổ khám SK và LLTP trên VNeID.

Sau khi nghe các điểm cầu trên cả nước trình bày ý kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – chủ trì điểm cầu Chính phủ - đã yêu cầu các công tác chỉ đạo cần phải quyết liệt hơn nữa.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI