TPHCM vinh danh 50 công trình xây dựng tiêu biểu nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

26/04/2025 - 19:46

PNO - Chiều ngày 26/4, TPHCM tổ chức lễ công bố, vinh danh và giao lưu 50 công trình/cụm công trình xây dựng tiêu biểu của TPHCM. Chương trình nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Trong danh sách 50 công trình/cụm công trình xây dựng tiêu biểu, có 8 thuộc nhóm y tế, 5 thuộc nhóm dân dụng - công nghiệp, 17 thuộc nhóm văn hóa - giáo dục, 15 thuộc nhóm hạ tầng - giao thông và 5 thuộc nhóm khu đô thị - nhà ở.

Tại buổi lễ, đại diện chủ đầu tư, các chuyên gia về thiết kế, xây dựng đã chia sẻ về công trình tiêu biểu trong từng nhóm.

Đại diện của 5 nhóm công trình xây dựng tiêu biểu giao lưu - Ảnh: Vũ Quyền
Đại diện của 5 nhóm công trình xây dựng tiêu biểu giao lưu - Ảnh: Vũ Quyền

Đại diện nhóm công trình hạ tầng - giao thông, ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh - đã chia sẻ về công trình cầu Ba Son.

Ông cho biết, cầu Ba Son là một công trình trọng điểm trên trục giao thông Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng, kết nối trực tiếp từ quận 1 về khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. Cầu có chiều dài 1,5 km, bề rộng mặt cắt ngang 6 làn xe. Đây là cầu dây văng có trụ tháp nghiêng với độ nghiêng hướng về phía Thủ Thiêm. Cầu là một công trình huyết mạch, sau khi hoàn thành đã giảm tải giao thông cho hầm Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 1.

Đối với cầu Ba Son, giai đoạn thiết kế, công ty đã lựa chọn đơn vị thiết kế nổi tiếng thế giới về cầu dây văng, là một công ty của Phần Lan. Trong quá trình triển khai, công ty đã ký hợp đồng tư vấn giám sát với đơn vị của Hàn Quốc, còn đơn vị thi công là những đơn vị có kinh nghiệm, nổi tiếng trong khu vực và ở Việt Nam.

Trong quá trình triển khai thi công, có nhiều khó khăn, tuy nhiên công tác kiểm soát về chất lượng cũng như quá trình thi công đều được các đơn vị triển khai tốt. Nhờ vậy, công trình đã được nghiệm thu và đưa vào khai thác.

Đại diện nhóm công trình dân dụng - công nghiệp, ông Lê Khắc Hồng - Trưởng Ban Quản lý dự án nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - cho hay, cách đây 1 tuần, nhà ga T3 đã khánh thành, đưa vào khai thác, giúp sân bay Tân Sơn Nhất nâng năng suất phục vụ hành khách lên 50 triệu lượt/năm.

Trước đây, thời kỳ bùng nổ ngành hàng không năm 2018 - 2019, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có 2 nhà ga T1 và T2. Nhà ga T1 thiết kế phục vụ 15 triệu hành khách/năm, nhưng thời điểm đó đã khai thác 26 triệu hành khách/năm, gần gấp đôi công suất thiết kế. Nhà ga T2 (phục vụ hành khách quốc tế) công suất thiết kế 13 triệu hành khách/năm, nhưng có lúc đã khai thác 16 triệu hành khách/năm.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ (thứ 6 từ trái qua) và Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Huỳnh Thanh Khiết tặng hoa và biểu trưng vinh danh cho đại diện các công trình tiêu biểu - Ảnh: Vũ Quyền

Thời điểm đó, rất nhiều người dân bức xúc về việc “tắc cả trên trời, tắc cả dưới đất”. Do đó, đơn vị đã quyết tâm tìm cách để có một nhà ga khang trang, hiện đại ở TPHCM. Theo quy hoạch, sân bay Tân Sơn Nhất phải đạt 50 triệu hành khách/năm. Vừa qua, nhà ga T3 đi vào hoạt động, đã hoàn thiện quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất, nâng năng lực khai thác lên đến 50 triệu hành khách/năm.

Theo ông Lê Khắc Hồng, nhà ga T3 là nhà ga quốc nội có thể nói là lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, với công suất 20 triệu hành khách/năm. Đặc biệt, về công nghệ, đây là nhà ga đầu tiên của cả nước áp dụng công nghệ phân loại hành lý tự động. Điểm đặc biệt nữa là ứng dụng công nghệ sinh trắc học (nhận diện gương mặt) thông qua ứng dụng VNeID cho hành khách từ khâu làm thủ tục, an ninh, lên tàu bay. Nhờ vậy, hành khách có thể tự thực hiện các thủ tục mà không cần nhân viên hỗ trợ.

Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - cho biết, việc thực hiện bình chọn 50 công trình xây dựng tiêu biểu của TPHCM dựa trên 4 tiêu chí.

Cụ thể, thứ nhất, công trình có quy mô nhóm B trở lên, không phân biệt phương thức đầu tư, đã hoàn thành hoặc đã khởi công xây dựng trong 50 năm qua, không gặp vướng mắc phải dừng thi công, không thuộc đối tượng được các cơ quan có thẩm quyền kết luận có sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ hai, công trình xây dựng được xác định đầu tư tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM qua các thời kỳ.

Thứ ba, công trình xây dựng gắn liền với hình ảnh TPHCM, được trao tặng các giải thưởng uy tín trong nước và thế giới, có sự tham gia, đóng góp, cống hiến của nhiều tầng lớp nhân dân…

Thứ tư, công trình xây dựng có tính chất liên kết vùng, tạo động lực lớn cho phát triển TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Vũ Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI